Sức mạnh của đồng 5 Yên may mắn ở Nhật
Khi mới đặt chân đến nước Nhật, vài lần tôi được nhân viên bán hàng thối đồng 5 Yên và ra dấu cho tôi hãy cất kĩ vào ví. Đối với người Nhật, đồng 5 Yên là đồng tiền may mắn, bất kể một người nào đó khi đến Nhật họ đều giữ lại đồng Yên này cho riêng mình và xem nó như một tấm bùa hộ mệnh. Tại sao đồng 5 Yên lại có sức mạnh như thế?
Giải nghĩa hình ảnh trên đồng 5 yên
Đồng 5 yên được đúc bằng thau và kẽm có đường kính 22mm, nặng 3,75gram, dày 1,5mm và đặc biệt chúng có một lỗ rộng ở giữa với tỉ lệ đường kính là 5mm. Một điều thú vị nữa là đồng 5 Yên của Nhật là đồng tiền duy nhất trên thế giới không dùng chữ cái Latinh như những đồng tiền khác. Đồng 5 yên còn có thể sử dụng ước lượng để đo nồng độ Neutron bị phát tán xung quanh bằng cách đo tỉ lệ đồng và kẽm trong nó, đây là một trong những cách người Nhật dùng trong những lần bị nhiễm phóng xạ hạt nhân.
Người Nhật đã biến đồng tiền này thành bản sắc văn hóa vốn có của họ với những hình ảnh mang tính tượng trưng, như bông lúa đại diện cho ngành nông - lâm nghiệp vốn là xuất thân của nền kinh tế Nhật, dưới bông lúa là dòng nước uốn quanh được ví như tiền thân của nghành Thủy - Hải sản, nhấn mạnh vị trí địa lý đắc địa nơi nước Nhật đang trị vì. Nếu nhìn kĩ chúng ta sẽ thấy xung quanh lỗ rỗng ở giữa đồng tiền là một vòng bánh răng, đây là nét tượng trưng cho ngành công nghiệp vốn là ngành trọng tâm của Nhật bản, bánh răng ở đây còn được ngụ ý như bánh xe luân hồi, tiền thân của Phật giáo cũng chính là tiền thân của Shinto Thần đạo, tôn giáo chính của người Nhật. Phía khác còn có hình hạt mầm, chính hạt mầm sẽ nảy nở và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng của nước Nhật.
Tại sao đồng 5 yên lại có lỗ rỗng ở giữa?
Tại sao lỗ rỗng này lại được đúc trong khi những đồng yên khác lại không? Tiền thân của đồng 5 Yên vốn không có điểm khuyết ở giữa, chúng được đúc lần đầu là vào năm 1949, đây cũng là giai đoạn Nhật Bản trong Chiến tranh lạnh (1945 - 1989). Và cũng trong thời gian này chính quyền Nhật bắt đầu đứng lên từ đống tro tàn, để tiết kiệm nguyên liệu và tránh lạm phát nên người Nhật mới đúc khuyết một lỗ để tiết kiệm và cũng là để nhắc nhở bản thân mình phải luôn luôn cố gắng. Vấn đề được đặt ra tại sao chính quyền lại đúc một lỗ tròn mà không phải là một hình bất kì, đơn giản vì nước Nhật còn có cái tên khác: Đất nước mặt trời mọc.
Một khía cạnh khác mà chúng ta cần lưu ý đó là trên đồng 5 yên và cả đồng 50 yên đều có đúc lỗ, chính số năm đã biến chúng trở nên có ý nghĩa hơn. Trong văn hóa phương đông số 5 mang tính cân bằng, chúng liên kết với vòng tuần hoàn gồm năm nguyên tố kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, một đất nước hội tụ tất cả những liên kết này sẽ là một đất nước hưng thịnh, phát tài. Số 5 là số người Nhật đặc biệt ưu ái, ngay cả trong ẩm thực người Nhật cũng chế biến theo thực đơn 5 màu, 5 vị, 5 phương thức nấu và phải đầy đủ 5 màu sắc.
Đồng 5 yên của Nhật – “五円” phát âm là Go-en, đồng âm với chữ “御縁”, có nghĩa là vận mệnh, cơ hội, sự kết nối và các mối quan hệ. Trong đó, “御 – Go” là tiền tố kính ngữ thể hiện sự kính trọng. Nguyện ý như khi ta tặng cho ai đó đồng 5 yên nghĩa là muốn họ sẽ gặp được nhiều mối quan hệ mới, tốt đẹp hơn, bền vững hơn. Chúng được tặng nhau vào dịp Tết ở Nhật, lộc lì xì đầu năm cho người thân. Những người trẻ khi nhận tháng lương đầu tiên sẽ cất lại vào ví mình đồng 5 yên như để cầu mong may mắn trong công việc.
Đồng 5 yên nhỏ bé nhưng thể hiện cả văn hóa, con người Nhật Bản. Nếu may mắn nhận được đồng xu 5 yên bất kì nào, hãy giữ thật cẩn thận. Vì nó không đơn thuần là một đồng tiền vô tri vô giác mà còn là một câu chuyện rất thú vị về xứ sở hoa anh đào, nơi có vô vàn những điều độc đáo mới lạ.
Hai Na/ kilala.vn
03/01/2019
Bài, ảnh: Hai Na
Đăng nhập tài khoản để bình luận