Quốc kỳ Nhật Bản: Lịch sử ra đời và ý nghĩa

    Nhắc đến quốc kỳ Nhật Bản, chắc hẳn ai cũng biết đó là một lá cờ với nền trắng và hình tròn đỏ ở chính giữa. Có lẽ các bạn cũng đã biết hình tròn đỏ tượng trưng cho mặt trời, nhưng cụ thể thì mặt trời có liên quan gì đến nước Nhật? Thiết kế này ra đời và chính thức trở thành quốc kỳ của Nhật Bản từ khi nào? Màu đỏ và trắng có phải là sự lựa chọn duy nhất trong lịch sử? Chúng ta cùng giải đáp các câu hỏi này để biết thêm một số câu chuyện thú vị xoay quanh lá cờ Nhật nhé.

    Mặt trời có mối liên hệ gì với nước Nhật?

    Góc nhìn từ truyền thuyết

    Trong cuốn Cổ sự ký (Kojiki) – một tập ghi chép về nguồn gốc nước Nhật được viết vào thế kỷ thứ 8, có đề cập đến những câu chuyện về các vị thần, và những câu chuyện này đã ảnh hưởng ít nhiều đến các nghi lễ thờ cúng trong đạo Shinto – một tín ngưỡng của người Nhật.

    Trong các vị thần được nhắc đến trong Cổ sự ký, có một vị thần được mệnh danh là Nữ thần Mặt trời – Amaterasu. Vị thần này được xem như là tổ tiên của dòng dõi Hoàng gia Nhật Bản. Có lẽ vì vậy mà người Nhật luôn xem mặt trời là biểu tượng của quốc gia, và đó cũng được cho là một trong những lý do khiến họ chọn biểu tượng hình tròn đỏ tượng trưng cho mặt trời để gắn lên quốc kỳ của mình. 

    quốc kỳ Nhật Bản
    Nữ thần Mặt trời Amaterasu. (Ảnh: ancient.eu)

    Góc nhìn từ lịch sử

    Vào thời kỳ Asuka (592 - 710), Thái tử Thánh Đức của Nhật đã phái sứ giả mang lá thư chào hỏi đến cho Tùy Dương Đế - vị vua thứ hai của triều đại nhà Tùy ở Trung Quốc. Lá thư được mở đầu bằng câu chào “日出處天子致書日沒處天子無恙云云”, dịch ra nghĩa là “Vua của nước mặt trời mọc xin chào vua của nước mặt trời lặn”. Câu chào này đã khiến cho Tùy Dương Để nổi giận vì nghĩ rằng Thái tử Thánh Đức quá ngạo mạn.

    Người Nhật cho rằng có lẽ vị thái tử này chỉ muốn ám chỉ nước Nhật ở phía Đông, còn lãnh thổ nhà Tùy ở phía Tây, nên câu chào chỉ mang nghĩa là vua của nước ở phía Đông xin chào vua của nước ở phía Tây. Nhưng đối với Tùy Dương Đế, có lẽ hình ảnh mặt trời lặn tạo cảm giác u ám, tăm tối, khiến ông cảm thấy thái tử Thánh Đức đang xem thường mình. Sau khi biết được điều đó, Thái tử Thánh Đức đã viết một lá thư với nội dung rằng mình sống ở một xứ sở thôn quê, không rành phép tắc xã giao với nước ngoài để tạ lỗi với Tùy Dương Đế.

    Như vậy từ truyền thuyết về Nữ thần Mặt trời cùng với sự kiện bức thư chào hỏi này mà người Nhật đã hình thành nên suy nghĩ đất nước của họ được bảo hộ bởi Nữ thần Mặt trời, và lãnh thổ của họ nằm ở phía Đông, hướng của mặt trời mọc, nên Nhật Bản là quốc gia nơi có mặt trời mọc.

    dat_nuoc_mat_troi_moc
    Nhật Bản được mệnh danh là "Đất nước Mặt trời mọc". (Ảnh: http://pari-parisblog.blogspot.com)

    Lá cờ Nhật xuất hiện từ khi nào ?

    Trong các tài liệu lịch sử của Nhật Bản có ghi chép lại sự kiện Thiên hoàng Văn Vũ mở phiên xét xử vào năm 701 (thời kỳ Asuka), trên công đường đã treo lá cờ có hình tròn ở trung tâm như là biểu tượng của mặt trời. Đó là sự xuất hiện đầu tiên của lá cờ này trên sử sách và lúc đó nó có tên gọi là Hinomaru (日の丸), nghĩa là “vòng tròn mặt trời”.

    Trong tài liệu không mô tả rõ về màu sắc của lá cờ đó như thế nào, nhưng có vẻ đó không phải là nền trắng cùng hình tròn đỏ, mà là nền đỏ cùng hình tròn vàng. Nhìn lại lịch sử thế giới thì dường như trước đó cũng ít ai sử dụng màu đỏ để biểu thị cho mặt trời, mà phần đông người ta sử dụng màu vàng (yellow) hoặc màu vàng kim (gold). Bên cạnh đó, các tài liệu lịch sử Nhật Bản cũng cho rằng từ cuối thời kỳ Heian (794 - 1185) trở về trước, họ đều dùng màu vàng kim để biểu thị cho mặt trời.

    Tại sao lại chọn màu trắng đỏ?

    Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải kể đến sự kiện chiến tranh Genpei. Đây là một cuộc chiến kéo dài 5 năm (1180 – 1185) giữa hai gia tộc Taira và Minamoto. Cả hai gia tộc đều sử dụng cờ Hinomaru để làm biểu tượng đại diện cho thế lực của mình, tuy nhiên khi đó đã có sự khác nhau về màu sắc cờ. Gia tộc Taira sử dụng cờ nền đỏ hình tròn vàng, trong khi gia tộc Minamoto sử dụng cờ nền trắng hình tròn đỏ.

    quoc_ky_nhat
    Cờ của gia tộc Taira (trái) và cờ của gia tộc Minamoto (phải).

    Kết quả cuộc chiến nghiêng về gia tộc Minamoto với thắng lợi lớn trong trận thủy chiến Dan no ura. Nasu no Yoichi, một samurai của phe Minamoto đã dùng cung tên bắn xuyên tâm mặt trời màu vàng trên lá cờ của gia tộc Taira. Và có lẽ sự kiện đó đã làm thay đổi lựa chọn của người Nhật trong việc chọn màu cờ. Họ bắt đầu cho rằng màu trắng - đỏ mang lại sự may mắn. Giả sử chiến thắng năm đó nghiêng về gia tộc Taira thì biết đâu màu cờ của nước Nhật hiện tại là vàng đỏ không chừng?

    Cờ trắng đỏ được công nhận là quốc kỳ của Nhật từ khi nào?

    Cuối thời Edo (1603 – 1868) cho đến đầu thời Minh Trị (1868 – 1912), các nước trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi Nhật Bản gỡ bỏ lệnh bế quan tỏa cảng, cho phép giao thương buôn bán để phát triển kinh tế. Đáp lại lời kêu gọi đó, chính phủ Nhật lúc bấy giờ đã quyết định mở cửa đất nước, và vào ngày 27 tháng 2 năm 1870 đã quyết định sử dụng cờ Hinomaru trắng đỏ treo lên thuyền buôn của mình để các nước láng giềng biết được đó là thuyền đến từ Nhật. Không chỉ được sử dụng trong lĩnh vực giao thương, Hinomaru đã trở thành lá cờ biểu tượng cho đất nước Mặt trời mọc.

    Tuy nhiên, đến hơn 40 năm sau, là vào ngày 13 tháng 8 năm 1999 (thời kỳ Bình Thành), Hinomaru mới chính thức được công nhận là quốc kỳ của Nhật, và tên gọi chính thức là Nhật Chương Kỳ (日章旗 - Nisshoki). Lúc này, cờ cũng được thay đổi một chút về tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều dài, cũng như sắc đỏ của hình tròn. Theo đó, tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều dài là 2:3 và hình tròn màu đỏ có đường kính bằng 3/5 chiều rộng.

    quockynhat
    Lá cờ từ năm 1999 đến nay. (Ảnh: sankei.com)

    Cờ Nhật từng được hỏi mua lại với giá hơn 4.300 tỷ đồng?

    Đề nghị mua cờ của một quốc gia, một việc tưởng chừng khó có thể xảy ra, nhưng nó đã xảy ra đối với cờ Nhật. Vào thời Minh Trị, khi lá cờ được công nhận và sử dụng trong lĩnh vực giao thương với nước ngoài, do vẻ đẹp đơn giản và tinh tế trong thiết kế nền trắng hình tròn đỏ, lá cờ này đã được các nước như Anh, Pháp, Hà Lan hỏi mua lại với giá 5 triệu yên, tương đương 20 tỷ yên hiện tại (xấp xỉ gần bằng 4.345 tỷ đồng hiện nay).

    Chính quyền Minh Trị lúc bấy giờ rất thiếu tốn về tiền bạc, nhưng họ nghĩ rằng bán cờ đồng nghĩa với việc bán nước, nên đã từ chối lời đề nghị này. Đây có lẽ là một quyết định đúng đắn và sáng suốt, bởi vì khi bán quyền sử dụng hình ảnh lá cờ, người Nhật cũng sẽ không còn quyền lên tiếng trong trường hợp bên mua sử dụng lá cờ trái với ý muốn của mình.

    Cờ Nhật có biến thể khác không ?

    Câu trả lời là có. Biến thể này có thiết kế nổi trội, bắt mắt hơn so với phiên bản gốc và có tên gọi là Húc Nhật Kỳ (旭日旗 - Kyokujitsuki). Húc Nhật Kỳ được sử dụng suốt trong thế chiến thứ 2 (1939 – 1945), đại diện cho lực lượng quân sự của đế quốc Nhật Bản và hiện nay vẫn còn được sử dụng trong hải quân Nhật Bản.

    Tuy nhiên, sự xuất hiện của lá cờ này trong các sự kiện quốc tế như Thế vận hội Olympic lại không nhận được sự đồng tình từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc. Có lẽ chính vì lá cờ này được sử dụng suốt trong Thế chiến thứ 2, gây nên ấn tượng về chiến tranh khốc liệt nên đã vấp phải sự phản đối như vậy.

    quoc_ky_nhat
    Húc Nhật Kỳ năm 1870  1945 (trái) và 1954 – nay (phải).

    Cờ Nhật với màu sắc trắng đỏ đối lập tạo nên sự nổi bật nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp rất tinh tế. Với thiết kế đơn giản, lá cờ cũng phần nào phản ánh lối sống giản dị nhưng tinh tế của con người Nhật Bản. Với nguồn gốc lịch sử lâu đời như vậy thì chắc chẳng ai ngờ rằng phải mãi đến hơn 150 năm trước, lá cờ này mới được bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực giao thương, và bất ngờ hơn nữa là chỉ mới trở thành quốc kỳ chính thức vào cách đây 22 năm mà thôi.

    kilala.vn

    25/02/2021

    Bài: Truc Luu

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!