NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi của 47 tỉnh thành Nhật Bản

    Nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi của 47 tỉnh thành Nhật Bản

    Mỗi tên gọi ở các tỉnh thành Nhật Bản đều ẩn chứa ý nghĩa riêng biệt. Lần này mời bạn cùng Kilala khám phá "bí mật" ẩn sau tên của 47 tỉnh thành nhé.

    Vùng Hokkaido

    Hokkaido

    "Hokkaido - 北海道" có nghĩa là "con đường Biển Bắc". Cái tên này do nhà thám hiểm và họa sĩ ukiyo-e Takeshiro Matsuura đặt vào năm 1869.

    Nhiều giả thuyết cho rằng ban đầu Takeshiro Matsuura đã chọn Hán tự "北加伊道" (cũng đọc là Hokkaido) bởi người Ainu – dân tộc bản địa ở Hokkaido thường tự gọi mình là “Kai – 加伊". Hokkaido do đó có nghĩa là "người Ainu sống ở Biển Bắc". Tuy nhiên chính phủ Minh Trị đã đổi cách viết thành “北海道”.

    hokkaido

    Vùng Tohoku

    Akita

    Akita (秋田) có nghĩa là ruộng lúa mùa thu. Nổi tiếng với nghề trồng lúa và các nhà máy sản xuất rượu sake, Akita cũng là nơi tiêu thụ sake nhiều nhất Nhật Bản và được cho là quê hương của giống chó Akita mang tên tỉnh.

    akita

    Aomori

    Aomori (青森) có nghĩa là "rừng xanh". Trong thời kỳ Edo, gia tộc Hirosaki bắt đầu xây dựng một cảng biển tại thành phố Aomori hiện tại và chọn một ngọn đồi nhỏ có khu rừng tươi tốt làm cột mốc để tàu thuyền ra vào cảng. Ngọn đồi được gọi là "Aoi-matsu-no-ki-mori" (rừng thông xanh), sau này được rút ngắn thành Aomori.

    Aomori

    Fukushima

    Fukushima (福島) có nghĩa là "hòn đảo may mắn". Có một giả thuyết cho rằng trước đây ở khu vực này có một cái hồ khiến núi Shinobu trông giống như một hòn đảo (島 - shima), kèm theo đó là gió mùa có tên Azuma Oroshi thổi (吹き - fuki) quanh núi Shinobu. Từ đó sinh ra cụm từ “hòn đảo nơi Azuma Oroshi thổi”, tức "Fukishima - 吹島".

    Về sau, "福 - fuku" mang ý nghĩa may mắn được thay thế cho fuki, tạo nên cái tên Fukushima được sử dụng sau này.

    Fukushima

    Iwate

    Iwate (岩手) có nghĩa là "bàn tay đá", bắt nguồn từ truyền thuyết về bàn tay quỷ được lưu truyền ở thành phố Morioka, Iwate.

    Chuyện kể rằng khi xưa ở Iwate có một con quỷ chuyên gây rắc rối cho người dân. Khi mọi người cầu nguyện trước ba tảng đá lớn gọi là Mitsuishi-sama thì con quỷ đã bị Mitsuishi-sama trói vào tảng đá. Họ bắt nó hứa rằng sẽ không bao giờ làm điều gì xấu nữa. 

    Để chứng thực lời thề của mình, con quỷ đã in dấu tay lên một trong những tảng đá, do đó mới có cái tên "Iwate - 岩手", nghĩa đen là "bàn tay đá". Ngay cả bây giờ, người ta vẫn nói rằng dấu tay của con quỷ vẫn có thể nhìn thấy ở đó sau mỗi trận mưa.

    iwate

    Miyagi

    Miyagi (宮城) có nghĩa là "lâu đài đền thờ" và không ai biết chắc chắn về nguồn gốc của cái tên này. Có nhiều giả thuyết khác nhau: Đầu tiên “miya - 宮” nghĩa là đền thờ, có thể ám chỉ đền Shiogama ở Shiogama, tỉnh Miyagi và “gi - 城” nghĩa là lâu đài, có thể ám chỉ lâu đài Taga tại Tagajo, phía đông Sendai, được xây dựng vào thời Nara. Đền Shiogama vẫn còn tồn tại và là Di tích Lịch sử Đặc biệt của quốc gia, trong khi lâu đài Taga gần như đã biến mất.

    Miyagi

    Còn một giả thuyết khác cho rằng “Miya” ám chỉ văn phòng chính phủ của triều đình (miya) được đặt tại Tagajo (thành phố Tagajo ngày nay) và “gi” chỉ đơn giản có nghĩa là “nơi chốn”.

    Yamagata

    Yamagata (山形) có nghĩa là "hình dạng núi", có lẽ vì khoảng 70% diện tích tỉnh Yamagata là núi và có những ngọn núi nổi tiếng như núi Chokai, núi Gassan, núi Kumano…

    yamagata
    Ảnh: Tippsy Sake

    Vùng Kanto

    Chiba

    Tên của tỉnh Chiba (千葉) trong tiếng Nhật được hình thành từ hai ký tự kanji: "千" có nghĩa là "nghìn" và "葉" có nghĩa là "lá", vì nơi đây có nhiều loại thực vật phát triển. Tên "Chiba" được chọn khi tỉnh được thành lập vào năm 1873 bởi Hội đồng Thống đốc các tỉnh vào đầu thời kỳ Minh Trị.

    chiba

    Gunma

    Gunma (群馬) có nghĩa là "đàn ngựa" vì Gunma cổ đại là trung tâm buôn bán và chăn nuôi ngựa cho Thiên hoàng.

    gunma
    Ảnh: activityjapan

    Ibaraki

    Ibaraki (茨城) có nghĩa là "lâu đài bụi gai" vì "Ibara" khi đứng một mình mang ý nghĩa là những loại cây có gai, được sử dụng để phòng thủ, chống lại quân xâm lược vào thế kỷ thứ 8.

    Ibaraki
    Ảnh: activityjapan

    Kanagawa

    Không có tài liệu chính xác về ý nghĩa tên gọi Kanagawa (神奈川), từ đó sinh ra nhiều giả thuyết. Giả thuyết đầu tiên là ký tự kanji cho “Kanagawa” ban đầu có thể là "韓川", phát âm là “Kanmekawa” hoặc “Kankawa” có nghĩa là “Sông Triều Tiên”. Điều này ám chỉ lượng lớn người nhập cư từ bán đảo Triều Tiên đang sinh sống trong khu vực.

    Kanagawa

    Hoặc một ý kiến khác thì cho rằng chữ kanji cho Kanagawa ban đầu có thể là "金川", nghĩa đen là “sông kim loại”. Có thể ám chỉ đến sông Katabira có màu gỉ sắt do cát trong lòng sông có chứa sắt.

    Saitama

    Cái tên Saitama (埼玉) được cho là xuất phát từ tên của đền Sakitama (前玉) ở thành phố Gyoda. Sakitama lại được bắt nguồn từ chữ "幸魂 - Sakimitama", linh hồn mang lại may mắn cho con người. Đến thời Heian, Sakitama được đổi thành Saitama.

    Saitama

    Tochigi

    Tochigi (栃木) có nguồn gốc từ "tochi no ki – hạt dẻ ngựa", vì trong vùng có rất nhiều cây dẻ ngựa.

    Tochigi

    Tokyo

    Tokyo (東京) có nghĩa là "Đông Kinh" hay "kinh đô ở phía Đông". Tokyo ban đầu được gọi là Edo (江戸), có nghĩa là "cửa sông", về sau đổi thành Tokyo với To (東, phía đông) + kyo (京, thủ đô) khi Thiên hoàng dời kinh đô từ Kyoto về Tokyo vào năm 1868.

    tokyo

    Vùng Chubu

    Aichi

    Aichi (愛知) nghĩa đen là "yêu tri thức". Từ này được cho là bắt nguồn từ một địa danh có tên là "Ayuchigata" hay "bãi bồi Ayuchi", xuất hiện trong bài thơ của Takechi Kurohito, được chép trong tập thứ ba của Manyoshu. Về sau Ayuchi được biến đổi thành Aichi và không rõ vì sao Hán tự 愛知 được chọn.

    aichi

    Fukui

    Fukui (福井) có nghĩa là "giếng may mắn". Tên này được đặt bởi Matsudaira Tadamasa, một lãnh chúa phong kiến. Vùng Fukui trước đây được gọi là Kitanosho (北ノ庄). Tuy nhiên, tên này bao gồm "kita - 北", khiến người dân ở Fukui nhớ đến từ "thất bại" (敗北 - haiboku) vì nó cũng chứa ký tự "北". Vì lý do này, họ nghĩ Kitanosho là một cái tên không may mắn.

    fukui

    Chính vì thế, tên thành phố đã được Matsudaira Tadamasa đổi từ Kitanosho thành Fukui (福居), có nghĩa là nơi may mắn hoặc hạnh phúc vào năm 1624. Trong khoảng thế kỷ 17 và 18, 福居 được đổi thành 福井.

    Gifu

    Người ta nói rằng cái tên Gifu (岐阜) ra đời khi Oda Nobunaga đổi tên Lâu đài Inabayama thành Lâu đài Gifu. Năm 1567, khi Nobunaga chinh phục khu vực này, ông đã biến tòa lâu đài thành căn cứ của mình.

    “岐阜” được cho là bắt nguồn từ tên một bài thơ cổ của Trung Quốc. Trong đó ký tự đầu tiên được lấy từ “岐山” (Kỳ Sơn) - ngọn núi linh thiêng nơi nhà Chu của Trung Quốc đặt kinh đô. Ký tự còn lại được lấy từ địa danh “曲阜” (Khúc Phụ) ở tỉnh Sơn Đông – quê hương của Khổng Tử.

    gifu
    Ảnh: jcastle.info

    Ishikawa

    Tên gọi của tỉnh có thể bắt nguồn từ Tedori-gawa, một con sông chảy qua thành phố Hakusan trước khi đổ ra Biển Nhật Bản. Sông Tedori-gawa thường được gọi là “Ishikawa – 石川 – Thạch Xuyên” vì trên sông có rất nhiều đá.

    ishikawa
    Ảnh: hakusan-geo.jp

    Nagano

    Nagano (長野) nghĩa là “cánh đồng dài”, được cho là bắt nguồn từ cụm “nagai heiya - 長い平野”, tức “đồng bằng dài”. Nó ám chỉ vùng bồn địa Nagano có hình dáng thon dài với bề ngang 10km, bề dài 25km, được bao quanh bởi núi.

    nagano
    Ảnh: JAL

    Niigata

    Niigata (新潟) có nghĩa là “bãi triều mới” và có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của cái tên này. Niigata có thể ám chỉ một đầm phá mới được hình thành ở cửa sông Shinano; một cảng được xây dựng trong đầm phá mới ở cửa sông; hay cũng có thể là một ngôi làng mới được thành lập ở gần cửa sông.

    niigata
    Ảnh: its-mo.com

    Shizuoka

    Shizuoka (静岡) nghĩa là “ngọn đồi tĩnh lặng”, được cho là xuất phát từ ngọn núi Shizuhatayama, nơi còn có tên gọi khác là “Shizugaoka”.

    shizuoka
    Ảnh: visit-shizuoka.com

    Toyama

    Toyama được ghép từ chữ “富 – Phú” và “山 – Sơn”, nghĩa là ngọn núi trù phú, giàu có. Trước kia tên tỉnh được viết là “外山 – Ngoại Sơn”, tức ngọn núi ở phía xa. Sau này khi lâu đài Toyama được xây dựng thì chữ “外” đã được thay thế bằng “富” với ý nghĩa may mắn.

    Cũng có giả thuyết khác cho rằng vì địa hình tỉnh có nhiều núi non nên mới được gọi là “giàu (nhiều) núi”.

    toyama
    Ảnh: theaustralian.com.au

    Yamanashi

    Yamanashi (山梨) có nghĩa là ngọn núi của những cây lê, xuất phát từ việc có rất nhiều cây lê mọc ở tỉnh trong quá khứ. Tên này được chọn vào năm 1871.

    yamanashi
    Ảnh: gltjp.com

    Vùng Kansai

    Hyogo

    Người ta nói tên của tỉnh bắt nguồn từ việc vào thời Asuka, đây là nơi đặt những kho vũ khí “兵庫 – Tsuwamonogura” của chính phủ. Từ này cũng được phát âm là “Hyogo”.

    hyogo
    Ảnh: planetyze

    Kyoto

    “京 - kyo'' dùng để chỉ vùng đất nơi Thiên hoàng cư ngụ, và “都 - miyako'' nghĩa là nơi tập trung nhiều người, vì vậy người ta nói rằng cái tên “京都 - Kyoto'' ra đời với hy vọng về sự thịnh vượng của Heiankyo (tên gọi cũ của Kyoto).

    Kyoto là một địa danh nhưng ở Trung Quốc, đây từng là danh từ chung chỉ thủ đô, bên cạnh các từ khác như “京” hay “京師”. Người ta nói rằng Kyoto đã trở thành một danh từ riêng vào khoảng cuối thời Heian.

    kyoto
    Ảnh: flickr

    Mie

    Cái tên Mie bắt nguồn từ một câu nói của Hoàng tử Yamato Takeru khi ngài đang trên đường trở về sau cuộc chinh phục vùng phía đông vào thế kỷ thứ 8. Khi đi ngang qua địa phận tỉnh Mie ngày nay, Hoàng tử phàn nàn rằng "吾が足は三重の勾がりの如くして甚だ疲れたり” (Chân ta mỏi đến mức như gập làm ba), từ đó mới có cái tên Mie (三重), nghĩa là "ba lớp".

    mie
    Ảnh: visitmie-japan.travel

    Nara

    Tên gọi Nara được cho là bắt nguồn từ động từ “làm phẳng” (均す/平す - narasu), ám chỉ vùng đất bằng phẳng có độ dốc thoai thoải.

    Cho đến thời Heian, ngoài cách viết “奈良” như ngày nay thì còn có các cách viết khác như “平”, “之楽”, “名良”, “平城” hay “奈羅”.

    nara
    Ảnh: travel.rakuten.co.jp

    Osaka

    Người ta nói rằng cái tên Osaka (大阪) bắt nguồn từ một con dốc lớn (大坂). Con dốc này được cho là cao nguyên Uemachi, kéo dài từ bắc xuống nam trên đồng bằng Osaka. Hai Hán tự “坂” và “阪” từng được dùng thay thế cho nhau và đến năm 1871 thì được quy định chính thức là “阪”.

    osaka
    Ảnh: maimai-kyoto.jp

    Shiga

    Shiga (滋賀) có nguồn gốc từ tên của một địa danh cũ là quận Shika (志賀). Về nguồn gốc của từ “Shika” cũng có nhiều giả thuyết khác nhau. Nó có thể là “石処 – shika”, tức một nơi có nhiều đá, hoặc biến âm từ chữ “suka – 砂処/州処", nghĩa là một bãi cát hoặc một đầm lầy ven hồ.

    shiga
    Ảnh: zekkei japan

    Wakayama

    Vào năm 1585, Toyotomi Hideyoshi đã xây dựng một tòa lâu đài tại vùng đất xinh đẹp Wakanoura (和歌浦), nằm ở phía Tây Nam thành phố Wakayama hiện nay. Cái tên Wakayama (和歌山) được cho là bắt nguồn từ Wakanoura, và có nghĩa là “ngọn núi hòa ca”*.

    *Hòa ca – Waka là một thể thơ truyền thống của Nhật Bản.

    wakayama
    Ảnh: mysecretwakayama.com

    Vùng Chugoku

    Hiroshima

    Cái tên Hiroshima (広島) được cho là do lãnh chúa Terumoto Mori đặt ra vào năm 1589, khi ông khởi công xây dựng Lâu đài Hiroshima. Chữ “広 – hiro” có thể lấy từ tên của tổ tiên ông là Oe no Hiromoto, một quý tộc triều đình, và chữ “島 – shima” từ tên của Motonaga Fukushima, một samurai sống trong vùng vào thời Chiến Quốc.

    Hoặc cũng có giả thuyết cho rằng nó bắt nguồn từ hình dạng tự nhiên của vùng đất, được tạo thành từ nhiều hòn đảo ở vùng đồng bằng (広島 – Quảng Đảo, nghĩa là "hòn đảo rộng lớn").

    hiroshima
    Ảnh: snowmonkeyresorts.com

    Okayama

    Tên của tỉnh Okayama (岡山 – Cương Sơn) xuất phát từ Lâu đài Okayama. Khi lãnh chúa Hideie Ukita xây dựng tòa lâu đài mới vào năm 1590, ông đã xây tháp canh và tháp lâu đài trên một ngọn đồi nhỏ mà ông đặt tên là “Okayama” (nghĩa là “đồi núi”). Nó đã trở thành tên của lâu đài, và tên tỉnh cũng bắt nguồn từ đây.

    okayama
    Ảnh: pixta

    Shimane

    Tên tỉnh Shimane (島根) bắt nguồn từ tên địa danh cổ xưa Shimane-gun (島根郡), khu vực nằm ở phía đông bắc của tỉnh.

    Bởi vì địa hình của Bán đảo Shimane tựa như như một dãy núi chạy dài tạo thành hình dáng hòn đảo nên tên “Shimane” từng được viết là “島嶺” , trong đó chữ “島” có nghĩa là đảo còn “嶺” (âm Hán Việt: lĩnh) có nghĩa là dãy núi cao lớn. Về sau, “Shimane” được viết lại thành “島根” như hiện nay.

    shimane
    Ảnh: Japan Travel

    Tottori

    Người ta kể lại rằng, vào khoảng thời Nara, có rất nhiều loài chim nước tập trung ở các hồ và đầm lầy gần khu vực mà ngày nay là thành phố Tottori.

    Người dân sinh sống trong khu vực này thường kiếm sống bằng nghề săn bắt các loài chim nước, họ được gọi là “鳥取部”, đọc là totoribe (chữ “鳥” có nghĩa là chim còn “取” có nghĩa là bắt, cả hai đều được đọc là “tori”).

    Tên tỉnh Tottori (鳥取県) được cho là bắt nguồn từ đó.

    tottori
    Ảnh: matcha-jp.com

    Yamaguchi

    Yamaguchi (山口) có nghĩa là “lối vào núi”. Có giả thuyết cho rằng, tên gọi này bắt nguồn từ tên của khu vực gần lối vào mỏ trên núi Higashi Hobenzan (ngọn núi có độ cao 734,2m nằm giữa thành phố Yamaguchi và thành phố Hagi, tỉnh Yamaguchi).

    Một giả thuyết khác lại nói rằng, cái tên “Yamaguchi” bắt nguồn từ tên của lối vào con đường núi dẫn đến “Nagato no kuni” (長門の国, tên cũ của phần phía tây tỉnh Yamaguchi).

    yamaguchi
    Ảnh: japanstartshere.com

    Vùng Shikoku

    Ehime

    Theo thần thoại Nhật Bản, sự ra đời của Nhật Bản bắt đầu từ việc hai vị thần Izanagi và Izanami tạo ra tám hòn đảo. Một trong số đó là “Iyo no Futana no Shima”, một hòn đảo có thân với bốn khuôn mặt. Mỗi khuôn mặt tượng trưng cho một vị thần.

    “Ehime” (愛媛) chính là tên gọi của nữ thần Iyo (một trong bốn khuôn mặt), nó có nghĩa là “thiếu nữ xinh đẹp”. Và vùng đất của Iyo (Iyo no Kuni) chính là tỉnh Ehime ngày nay.

    Tỉnh Ehime là tỉnh duy nhất ở Nhật Bản được đặt theo tên của một vị thần.

    ehime
    Ảnh: visitehimejapan.com

    Kagawa

    Tên gọi Kagawa (香川) có âm Hán Việt là Hương Xuyên, “nghĩa là dòng sông thơm”. Người ta nói rằng, có một cây bạch dương cổ thụ đã đổ xuống một con sông chảy qua khu vực này, và thế là dòng sông ấy ngập tràn hương thơm của bạch dương.  

    kagawa
    Ảnh: ichiban-japan.com

    Kochi

    Cái tên Kochi (高知) được cho là có nguồn từ tên gọi của Lâu đài Kochi (Kochi-jo/高知城) – tòa thành nằm trên ngọn đồi Otakayama ở Kochi.

    kochi
    Ảnh: 47news.jp

    Trước đây, tên gọi của lâu đài là “Thành Kochiyama” (河中山城/Kochiyama-jo). Lâu đài này nằm giữa sông Kagami và sông Enokuchi, vì vậy thường xuyên bị lũ lụt.

    Hai chữ “河中” được cho là gắn liền với lũ lụt và bị coi là không may mắn nên người ta đã đổi cách viết tên lâu đài thành “高知山城” và cuối cùng là “高知城/Kochi-jo” như hiện nay.

    Từ đó, khu vực xung quanh lâu đài cũng được gọi là “Kochi” theo tên của nó.

    Tokushima

    Tên gọi của tỉnh Tokushima (徳島) là lấy theo tên của Lâu đài Tokushima, tòa thành được xây dựng trên vùng đất này bởi lãnh chúa Hachisuka Iemasa trong thời Chiến Quốc.

    tokushima
    Ảnh: lonelycastletour.jp

    Trong tên gọi này, “徳” mang ý nghĩa tốt lành còn “島” có nghĩa là hòn đảo. Điều này có lẽ bắt nguồn từ việc Lâu đài Tokushima nằm ở vị trí cửa sông Yoshino và tòa thành tựa như một “ốc đảo” vì có dòng sông bao quanh.

    Vùng Kyushu & Okinawa

    Fukuoka

    Tên gọi của tỉnh Fukuoka (福岡) được lấy theo tên của Lâu đài Fukuoka (福岡城) – tòa thành được xây dựng bởi Nagamasa Kuroda – lãnh chúa đầu tiên của vùng đất này.

    fukuoka
    Ảnh: zekkeijapan.com

    Kagoshima

    Có giả thuyết cho rằng, sở dĩ có tên gọi Kagoshima (鹿児島) là vì khu vực này có rất nhiều hươu, đặc biệt là hươu con (鹿児).

    kagoshima
    Ảnh: jrailpass.com

    Kumamoto

    Kumamoto được viết bằng Kanji là “熊本” – có nghĩa đen là "gốc rễ của gấu”, tuy nhiên trên thực tế, khu vực này không có gấu. Có giả thuyết cho rằng, “kuma” có nghĩa là "địa hình đan xen phức tạp của vùng cao và vùng trũng” còn “moto” có nghĩa là trung tâm.

    kumamoto
    Ảnh: depositphotos.com

    Miyazaki

    “宮” trong “宮崎” (Miyazaki) được lấy từ “神宮/jingu” (đền thờ), ám chỉ đền thờ Thiên hoàng Jinmu (じんむ天皇社/ Jinmu-tenno-sha) – ngày nay là Đền Miyazaki-jingu. Còn “崎” vốn là chữ "前", chỉ khu vực trước/xung quanh đền thờ.

    miyazaki
    Ảnh: Twitter @MiyazakiCity_PR

    Nagasaki

    Về nguồn gốc của tên tỉnh Nagasaki, có giả thuyết cho rằng, tên gọi này được đặt theo tên của gia tộc Nagasaki (長崎氏) cai trị vùng đất này.

    Một giả thuyết khác lại nói rằng, cái tên “Nagasaki” bắt nguồn từ việc người dân địa phương gọi Bán đảo Nomozaki là “長か岬” (Nagaka misaki), tức “mũi đất dài”. “Nagaka misaki” trở thành “Nankamisaki” rồi cuối cùng là “Nagasaki”, từ đó dẫn đến chữ Kanji “長崎”.

    nagasaki
    Ảnh: triptojapan.com

    Oita

    Theo Phong thổ ký vùng Bungo, thiên hoàng Keiko nói rằng vùng đất này rộng lớn và gọi nó là “ookita” – viết là “碩田国 – Thạc Điền Quốc”, tức vùng đất của cánh đồng rộng lớn. Về sau, cái tên được viết thành “大分”.

    oita
    Ảnh: oitaisan

    Okinawa

    Có giả thuyết cho rằng, “oki” (沖) chỉ nơi xa bờ, còn “nawa” (なわ) là một biến thể của “naba” (なば) tức ngư trường, như vậy “Okinawa” nghĩa là “ngư trường xa bờ”. Tuy nhiên giả thuyết này không thể lí giải vì sao chữ  Hán “縄” được sử dụng trong tên gọi Okinawa.

    okinawa
    Ảnh: japanstartshere.com

    Saga

    Theo Phong thổ ký vùng Hizen, vào đầu thời Nara (710-794), ở khu vực mà ngày nay là tỉnh Saga, những cây long não đặc biệt phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, hoàng tử Yamato Takeru gọi nơi này là “Sakae no Kuni” (栄の国), nghĩa là “vùng đất thịnh vượng”.

    Về sau, “sakae” trong “Sakae no Kuni” được đổi thành “Saga”, và chữ Kanji được gán cho tên gọi này là “佐賀”.

    saga
    Ảnh: saga-kashima-kankou.com

    kilala.vn

    JP47 - VÒNG QUANH 47 TỈNH THÀNH NHẬT BẢN

    Cùng một chủ đề, nhưng ở 47 tỉnh thành Nhật Bản sẽ có điểm gì khác biệt? Trong series JP47, hãy cùng Kilala bước chân vào một hành trình khám phá những nét đặc trưng, những điểm khác biệt thú vị giữa các tỉnh thành trên khắp xứ Phù Tang nhé!

    Đọc và theo dõi các bài viết thuộc series tại đây!

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!