NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Nanpa: “cưa cẩm” đường phố kiểu Nhật

    Ở xứ sở hoa anh đào, có một kiểu tán tỉnh gây không ít tranh cãi và khiến phái nữ vô cùng dè chừng, đó là “nanpa”.

    Nanpa là gì?

    Xuất hiện vào thời Minh Trị, “nanpa” (ナンパ) ban đầu có ý nghĩa liên quan đến chính trị nhưng từ những năm 1900, nghĩa của từ đã thay đổi. Vào năm 1909, nanpa được dùng để chỉ “nhóm thanh niên thích theo đuổi người khác giới và quần áo đẹp”.

    nanpa-la-gi

    Ngày nay, nanpa được hiểu là hành động tiếp cận của nam giới đối với những người phụ nữ không hề quen biết trên đường phố nhằm mục đích trao đổi thông tin liên lạc, làm quen và hẹn hò.

    Trong trường hợp ngược lại, phụ nữ tiếp cận đàn ông kiểu này thì gọi là "gyakunan" (逆ナン).

    Nét văn hóa hẹn hò khác lạ

    Nanpa rất phổ biến trong giới trẻ thành thị, thường thấy ở những chàng trai độ tuổi 20-30. Họ được gọi là “nanpa boys” và thường tụ tập quanh những nơi đông đúc, đặc biệt là các địa điểm có nhiều phụ nữ đi bộ, dạo phố như: trung tâm mua sắm, công viên, ga tàu điện ngầm... Ngoài ra họ còn xuất hiện ở các quán bar, club, vũ trường, những địa điểm vui chơi giải trí của giới trẻ.

    “Nanpa boys” thường chọn cách tiếp cận ngẫu nhiên, tình cờ đi trên phố rồi lại gần cô nàng “lọt vào mắt xanh” của mình và buông lời tán tỉnh. Họ sẽ bắt đầu một cuộc trò chuyện mà mục đích là hẹn hò để hình thành một mối quan hệ lãng mạn hoặc chỉ là muốn quan hệ tình dục.

    Họ hoạt động độc lập hoặc theo nhóm và chủ yếu nhắm vào những cô gái trẻ xinh đẹp đi dạo một mình hay ăn mặc gợi cảm, hoặc những phụ nữ lớn tuổi trông có vẻ cô đơn.

    Nằm giữa ga JR Yurakucho và ga Shinbashi, khu phố Korido-gai dài khoảng 400m ở Ginza, Tokyo được biết đến là “nanpa spot” (ナンパスポット, tạm dịch: địa điểm tán tỉnh), là nơi tụ tập của những người độc thân mong muốn tìm thấy nửa kia. Đây được xem là thiên đường của nanpa.

    nanpa-boys
    “Nanpa boys” thường tụ tập quanh những nơi đông đúc. Ảnh: news.nifty.com

    Ngoài ra còn có khu giải trí Shinjuku Ni-chome, tại đây thường diễn ra hoạt động “nanpa” giữa những người đồng giới. Nhiều “nanpa boys” đến đây để được hẹn hò với chàng trai mà họ lỡ tương tư ngay từ cái nhìn đầu tiên.

    Với người nước ngoài, nanpa là một nét văn hóa hẹn hò lạ lùng, độc đáo. Tuy nhiên người Nhật lại có những quan điểm trái chiều về nanpa.

    Trong xã hội Nhật Bản, có người xem nanpa là vô hại, chỉ là cách thức để gặp gỡ - làm quen - kết nối giữa những người xa lạ và giúp nhiều thanh niên “thoát ế”.

    Nhưng cũng có nhiều người né tránh, ái ngại với sự xuất hiện của nanpa. Thậm chí họ coi “nanpa boys” là “biến thái” và không chào đón, xa lánh. Phản ứng này là do nanpa ẩn chứa những tiêu cực khiến nhiều người, đặc biệt là phái nữ phải dè chừng, sợ hãi.

    Nguy hiểm tiềm ẩn 

    Những năm gần đây, số lượng “nanpa boys” ngày càng tăng và các khiếu nại về hội này cũng tăng theo. Ở nhiều khu phố, người dân đã phản ứng gay gắt, đề cao cảnh giác với hội thanh niên thích tán tỉnh, “cưa gái” trên đường này.

    Không ít người - chủ yếu là học sinh, sinh viên nữ chia sẻ rằng họ thường bị nhiều người lạ tiếp cận. Họ cảm thấy nguy hiểm khi thường xuyên bị các chàng trai lại gần làm quen, xin số điện thoại, tài khoản mạng xã hội và mời đi ăn. Điều này làm dấy lên cảm giác ngờ vực, hoài nghi về đối phương.

    Tại các khu phố ở Nhật, nhiều địa điểm đã dán biển báo “cấm nanpa”. Cảnh sát sẽ đến can thiệp nếu bắt gặp hoặc nhận được thông báo có “nanpa boys” ở khu vực cấm.

    nanpa-nguy-hiem
    Nhiều nơi tại Nhật Bản đã cấm nanpa. Ảnh: Youtube @Genki jp 

    Nữ giới phản đối nanpa vì lo sợ sẽ bị bắt cóc hoặc cưỡng hiếp. Vào tháng 7 năm 2003, ở Shibuya đã xảy ra vụ việc một người đàn ông khoảng 30 tuổi bắt cóc bốn bé gái ở độ tuổi 11-12. Sau đó, khu vực này đã nghiêm khắc hơn với “nanpa boys”.

    Việc các đối tượng buông lời tán tỉnh rồi tấn công phụ nữ được ghi nhận phổ biến ở những khu vực như Shibuya, Shinjuku... Đặc biệt, những phụ nữ nước ngoài cho biết họ thường bị “nanpa boys” tiếp cận tán tỉnh chỉ để trải nghiệm “tình một đêm”.

    Cũng có trường hợp nam giới là nạn nhân của gyakunan. Nhiều người đàn ông đã chia sẻ câu chuyện được các cô gái xinh đẹp làm quen, hẹn hò rồi sau đó bị tống tiền. Một số trường hợp còn tệ hơn khi bị lừa cả tình lẫn tiền bởi đối tượng hẹn hò là nam cải trang nữ.

    Trên mạng xã hội, nanpa cũng gây tranh cãi xoay quanh việc đánh giá vẻ ngoài. Nhiều cư dân mạng cho rằng nanpa chỉ nhắm tới những ai có ngoại hình đẹp. Trái lại, với những người phụ nữ có vẻ ngoài không thu hút, việc đàn ông lạ làm quen được cho là rất hiếm và thường làm dấy lên nghi ngờ lừa đảo.

    Ngoài ra, nếu một người đàn ông chủ động bắt chuyện với phụ nữ, họ dễ bị nhìn nhận là biến thái, tiếp cận với mục đích xấu.

    Xem thêm: Từ vựng cần biết để tránh bị “trap” khi hẹn hò trực tuyến ở Nhật

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!