Giao thông Nhật Bản có gì thú vị?
Hệ thống các phương tiện giao thông
Tàu điện
Khi nhắc đến các phương tiện giao thông của Nhật Bản thì đầu tiên phải kể đến là hệ thống tàu điện, gồm tàu thường, tàu nhanh, tàu tốc hành, tàu tốc hành đặc biệt và tàu cao tốc Shinkansen. Trong đó, tàu cao tốc Shinkansen là nhanh nhất và rất nổi tiếng trên thế giới, trở thành một “đặc sản” phải trải nghiệm khi đến Nhật Bản. Bên cạnh đó, Nhật Bản có 3 đường tàu chính là đường tàu điện ngầm, đường tàu của các công ty tư nhân và phổ biết nhất là đường tàu của công ty đường sắt JR Group (Japan Railways Group).
Có thể nói rằng, 15 phút là quá nhiều cho một quãng đường từ nhà đến ga tàu điện bởi hệ thống tàu điện ở Nhật rất chằng chịt và ga tàu được xây dựng ở khắp mọi nơi nhằm phục vụ sự đi lại của người dân. Ngoài ra, chi phí rẻ cũng là một điểm cộng để những khách du lịch chọn tàu điện là phương tiện chính cho các chuyến đi của mình.
Xe đạp
Không sai khi nói rằng đây là một đất nước của những chiếc xe đạp vì Nhật Bản có số lượng xe đứng thứ 3 trên thế giới. Hầu như trong nhà mỗi người dân đều có ít nhất 1 chiếc xe đạp, như vậy đủ để thấy sự yêu thích của họ dành cho xe đạp.
Người Nhật thích sử dụng xe đạp không những vì sự nhỏ gọn tiện lợi và tiết kiệm được chi phí mà còn rất bảo vệ môi trường. Ngoài ra, với một đất nước an toàn như Nhật Bản thì việc mất mát khi để xe ở ngoài là điều hiếm khi xảy ra, chính vì vậy, họ lại càng thích sử dụng xe đạp hơn. Nếu đi du lịch, bạn có thể đến những cửa hàng thuê xe đạp để trải nghiệm đạp xe trên phố Nhật nhé. Nhưng nhớ là đi xe đạp ở Nhật không thể chở thêm người ngồi phía sau đâu đấy.
Taxi
Một phương tiện nữa không thể không nhắc đến, đó chính là taxi. Ở Nhật, chúng ta sẽ không thể thấy những chiếc taxi đậu ngoài đường như ở Việt Nam, vậy nên bạn chỉ có thể gọi taxi bằng cách gọi điện thoại hoặc lên các trang web để đặt xe. Cách dễ nhất cho bạn đó là đến nhà ga gần nhất, tìm số điện thoại để liên hệ với taxi và lưu vào điện thoại của bạn để thuận tiện cho việc đi lại sau này. Nhưng giá cả cho những cuốc taxi khá cao, vì vậy bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định đi bằng taxi nhé.
Xe buýt
Cùng với sự đa dạng của tàu điện thì xe buýt cũng không kém phần. Có nhiều dạng xe buýt phục vụ cho nhu cầu riêng của từng người như xe buýt tốc độ cao để đón đoàn du lịch, xe buýt đêm để đi xa… Thêm vào đó, cũng có những loại xe với tiện nghi đầy đủ như có nhà vệ sinh bên trong, xe hai tầng. Những khu vực càng đông dân cư thì tần suất xe buýt càng nhiều. Ngoài ra, ở bến xe buýt còn có đầy đủ thông tin về bến đỗ, thời gian xuất phát, ngày xe chạy, ngày nghỉ… rất thuận tiện cho mọi người theo dõi.
Chi phí đi lại
Sẽ khá đắt đỏ nếu phải trả tiền cho mỗi lần sử dụng phương tiện giao thông công cộng, vậy nên người Nhật và khách du lịch thường sắm cho mình một chiếc thẻ để phục vụ riêng cho việc đi lại. Những chiếc thẻ ở đây rất đa dạng, phù hợp với mọi nhu cầu của người dân từ thẻ tháng, thẻ định kỳ, thẻ năm,.
Ngoài ra, họ còn có riêng thẻ cho người nước ngoài với mức giá ưu ái hơn nhằm thu hút khách du lịch đến để trải nghiệm. Tùy vào loại vé mà sẽ có những mức giá khác nhau phù hợp với tất cả du khách khi sử dụng phương tiện công cộng tại Nhật.
Vì sao đèn giao thông ở Nhật lại có màu xanh lam?
Khác với hệ thống đèn giao thông trên thế giới với 3 màu đỏ, vàng, xanh lục thì Nhật Bản lại có một sự lạ lẫm khi sử dụng màu xanh lam thay thế cho xanh lục. Lý giải cho điều này, người Nhật giải thích rằng, ngày xưa trong tiếng Nhật chỉ có một từ là Aoi (青い) để chỉnh màu xanh và những tông màu lạnh. Cho đến cuối thiên niên kỉ thứ nhất, từ chỉ màu xanh lục Midori (緑) mới được ra đời, nhưng vì nó mang trong mình một ý nghĩa không may mắn và khó để thay đổi thói quen dùng từ của người Nhật hầu như từ này không được sử dụng phổ biến và dần dần bị đi vào quên lãng.
Năm 1930, Nhật có đèn giao thông đầu tiên ở giao lộ Hibiya và đèn xanh khi đó là màu xanh lục. Nhưng vì thói quen mà nhiều người vẫn gọi nó là Aoi trong một thời gian dài. Cho đến năm 1973, chính phủ Nhật đã chính thức đổi đèn xanh lục thành màu xanh lam. Tuy trên thế giới có Hiệp ước Vienna về Ký hiệu và Tín hiệu Giao thông quốc tế nhưng vì Nhật Bản vẫn chưa ký kết hiệp ước này nên việc thay đổi màu tín hiệu đèn vẫn không có ảnh hưởng gì.
Di chuyển bên tay trái
Ngược lại với Việt Nam, người Nhật di chuyển ở bên tay trái. Họ nói rằng, ngày xưa các Samurai thường đeo thanh kiếm ở bên tay trái để thuận tiện khi rút kiếm bằng tay phải, vậy nên họ cũng đi về phía tay trái để tránh va chạm với nhau khi rút kiếm. Dù tỉnh Okinawa từng một thời bị Mỹ bắt di chuyển ở bên phía tay phải, nhưng khi thế chiến kết thúc thì Okinawa lại quay trở lại đi bên trái như bình thường. Đây cũng là thành phố duy nhất của Nhật Bản có sự thay đổi này.
Không sai khi nói rằng Nhật Bản có một hệ thống giao thông rất văn minh và thuận tiện cho tất cả mọi người. Nếu được sang Nhật, các bạn hãy một lần thử những phương tiện này nhé!
kilala.vn
23/07/2020
Bài: Mai Hà Linh
Đăng nhập tài khoản để bình luận