Chuyện xưa đáng sợ về chiếc gối được xem như “vật chứa linh hồn”
Trong văn hóa dân gian xứ Phù Tang có những câu chuyện nhuốm màu kinh dị được lưu truyền liên quan đến chiếc gối - món đồ không thể thiếu cho một giấc ngủ ngon.
Gối là vật chứa đựng linh hồn
Nguồn gốc của chiếc gối bắt nguồn từ nền văn minh Mesopotamia (Lưỡng Hà cổ đại) khoảng 7.000 năm trước Công nguyên. Ở thời ấy, chỉ tầng lớp thượng lưu quý tộc mới sử dụng gối. Nó là biểu tượng của sự giàu sang, sung túc.
Tại châu Á, chiếc gối xưa không phải làm từ bông hay vải như ngày nay mà chủ yếu được làm từ các vật liệu như gỗ, sứ, ngọc bích, đồng... Nhật Bản thời xưa cũng vậy, dân gian có quan niệm rằng gối là vật chứa đựng linh hồn, được gọi là "tamakura - 魂蔵" (nghĩa đen: kho chứa linh hồn), khác với cách gọi "makura - 枕" như bây giờ.
Người Nhật xưa lan truyền một niềm tin phổ biến rằng trong khi con người chìm sâu vào giấc ngủ thì linh hồn sẽ rời khỏi cơ thể và cư ngụ trong chiếc gối. Vì vậy người ta thường dặn dò nhau là phải giữ gìn sạch sẽ, tránh việc giẫm đạp, quăng ném gối, nếu không linh hồn sẽ bị rung chuyển gây ra đau đầu.
Ngư dân ở các làng chài thì quan niệm rằng những ai đi đánh cá mà thuyền bị đắm, không tìm thấy xác thì chiếc gối mà người mất từng sử dụng sẽ được chôn cất. Đây là một phong tục dân gian trong đám tang xưa và chiếc gối được xem là linh hồn của người đã mất.
Ngoài ra ở một số vùng còn có câu chuyện “rợn tóc gáy” về Makuragaeshi.
Truyền thuyết về Makuragaeshi
Makuragaeshi (枕返し) được hiểu là ma lật gối, nó là một một loại linh hồn hay yêu quái trong văn hóa dân gian. Chuyện về Makuragaeshi phổ biến từ thời Edo và đến nay, có những người Nhật vẫn ám ảnh về nó. Trong một số phiên bản, nó còn được gọi là Makura-kozo (枕小僧), hay "thằng bé gối".
Makuragaeshi thường xuất hiện khi màn đêm buông xuống với hình dạng một đứa trẻ và hiện hồn ở bên cạnh giường những ai ngủ một mình trong phòng kín. Dấu hiệu của việc Makuragaeshi “ghé thăm” là sau khi thức dậy bạn sẽ thấy chiếc gối mà mình đã kê ngủ bỗng nhiên lại đặt ở dưới chân thay vì trên đầu.
Người ta nói rằng Makuragaeshi thực ra là những linh hồn của đứa trẻ bị sát hại và đa số chúng là yêu quái vô hại, chỉ trêu đùa, giật gối con người lúc ngủ. Nhưng đôi khi chúng cũng gây ra nhiều rắc rối, nỗi sợ đến dương gian.
Như việc chúng có khả năng nâng bổng con người lên khi nạn nhân đang ngủ say và quăng đi nơi khác, hoặc đè lên ngực khiến nhiều người khó thở và gây ra hiện tượng bóng đè. Ngoài ra Makuragaeshi còn đánh cắp gối và cướp linh hồn người ngủ, khi đó nạn nhân có thể chìm sâu vào giấc ngủ mãi mãi, không bao giờ tỉnh lại.
Ngày nay, một số câu chuyện về Makuragaeshi vẫn được lưu truyền ở nhiều vùng miền tại nước Nhật. Makuragaeshi được cho là “hiện hữu” tại một số đền chùa ở xứ hoa anh đào.
Như tại chùa Daio-ji ở Otawara, tỉnh Tochigi, có treo một bức tranh cổ gọi là “Makuragaeshi no Yurei”, được vẽ bởi họa sĩ Koryuen Okyo. Dân gian kể rằng, bức tranh đó phác họa chân dung của người mẹ vị họa sĩ.
Người mẹ đã chết ngay sau khi bức tranh này hoàn thành và sau đó xảy ra nhiều hiện tượng huyền bí liên quan đến tranh. Để tránh tai họa ập đến liên quan đến nó, bức tranh đã được đặt trong chùa.
Tuy nhiên nếu ai vào trong phòng có bức tranh mà động chạm, di chuyển nó khỏi vị trí ban đầu hoặc nhìn chằm chằm vào tranh thì khi đi ngủ vào ban đêm, gối của người đó sẽ bị xê dịch, thay đổi vị trí vào sáng hôm sau. Điều này được cho là một điềm báo không lành.
Tại chùa Daichu-ji ở vùng Nishiyama, Ohira, tỉnh Tochigi có một căn phòng tên là “Makuragaeshi no ma”. Chuyện kể rằng xưa kia có một du khách đã đến trọ trong căn phòng này, khi ngủ chân người đó hướng về phía cửa nhưng đến sáng vị trí đã thay đổi khi đầu lại quay về phía cửa. Người ta nói rằng đây là một trong bảy bí ẩn của Daichu-ji.
Còn tại chùa Hakusan-ji ở Koganeda, tỉnh Mino (nay là Seki, tỉnh Gifu), có thờ phụng Makuragaeshi no Kannon. Người dân cho biết khi khách ghé đến thăm chùa thường cảm thấy buồn ngủ, thậm chí có thể ngủ gật ngay cả khi đứng làm lễ trước bàn thờ Phật và khi chìm vào giấc ngủ thường bị giật gối. Dân tình cho rằng lúc đó vị khách đã có trải nghiệm gặp gỡ Makuragaeshi.
Quan niệm tâm linh về sự dịch chuyển của chiếc gối
Người ta cho rằng từ xa xưa ở Nhật Bản đã có niềm tin rộng rãi rằng linh hồn sẽ rời khỏi cơ thể khi đang mơ và không thể quay trở lại cơ thể nếu chiếc gối bị xê dịch trong lúc ngủ.
Trong câu chuyện lịch sử "Okagami" được viết vào những năm cuối thời Heian, có ghi chép về việc nhà thơ Fujiwara no Yoshitaka để lại di chúc nói rằng khi chết, ông chắc chắn sẽ quay trở lại dương gian nên sẽ không tổ chức tang lễ. Tuy đám tang của ông vẫn diễn ra nhưng những người thực hiện nghi lễ đã điều chỉnh vị trí chiếc gối của Fujiwara no Yoshitaka trong quan tài về phía Bắc với mong muốn hồi sinh ông.
Nhà văn học dân gian Akira Takeda thì cho rằng người xưa có niềm tin về việc linh hồn người sống được chứa trong chiếc gối khi chúng ta chìm vào giấc ngủ. Vì vậy việc gối bị dịch chuyển, lật đi khác với vị trí ban đầu báo hiệu cái chết đang đến gần, tai họa sắp sửa ập đến.
Những truyền thuyết xưa về Makuragaeshi khiến dân gian tin rằng gối có liên quan đến trạng thái bất thường khi cơ thể của một người bị cắt rời khỏi linh hồn. Chiếc gối được xem là vật linh thiêng cần được coi trọng, giữ gìn, tránh việc nó rơi vào tình trạng tồi tệ nếu không con người sẽ phải chịu sự trừng phạt của thần linh.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận