8 loại bùa may mắn đặc biệt chỉ có tại Tokyo (P.1)
Sau thành công vang dội của anime Weathering with you (Đứa con thời tiết) vào năm 2019, đền Kisho tại Tokyo vốn nổi danh với các loại bùa may mắn cầu thời tiết trở thành địa điểm tâm linh được nhiều người tìm đến. Ngoài đền Kisho, các đền chùa khác tại Tokyo cũng sở hữu nhiều loại bùa may mắn độc đáo.
Bùa may mắn, bùa hộ mệnh (Omamori – お守り) là nét văn hóa của Nhật Bản, có nguồn gốc từ tín ngưỡng Thần đạo. Những lá bùa này được bán rộng rãi ở chùa, đền thờ trên khắp đất nước mặt trời mọc. Theo quan điểm của người Nhật, bùa Omamori được ban phước từ các vị thần, giúp xua đuổi ma quỷ, điềm xấu và mang lại may mắn. Do đó, khi mua Omamori, du khách sẽ cần trả một khoản phí nhỏ để hành lễ gọi là "初穂料 – Hatsuho-ryou”. Đặc biệt, nếu đã thỉnh một lá bùa Omamori về, bạn phải trân trọng và giữ gìn cẩn thận vì đó là sợi dây liên kết giữa thần linh với tâm hồn bạn.
Có rất nhiều loại Omamori tại Tokyo, từ Teru teru mamori để cầu thời tiết đẹp tại đền Kisho đến bùa tình yêu nổi tiếng tại đền Tokyo Daijinggu. Trong phần 1 của bài viết, cùng Kilala khám phá 4 loại bùa may mắn chỉ có tại Tokyo nhé.
Hare mamori và Teru teru mamori ở đền Kisho
Đền Kisho được lập ra bởi Cơ quan Thời tiết Quân đội thuộc Quân đội Đế quốc Nhật Bản với mục đích dự báo thời tiết. Trước đó, Cơ quan này được thành lập tại Mabashi, quận Suginami vào tháng 4/1944. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, chỉ thị Shinto ra đời với mục đích xóa bỏ các đền Thần đạo do nhà nước lập ra. May thay, trong quá trình điều tra, đền Kisho thoát khỏi danh sách đỏ và vẫn được duy trì. Sau đó, Cơ quan Thời tiết Quân đội tan rã, tất cả các thành viên đã tụ họp và quyết định dời đền Kisho về khuôn viên đền Koenji Hikawa vào tháng 4/1949. Hiện tại, đền Kisho trở thành địa điểm linh thiêng chuyên về thời tiết duy nhất tại Nhật Bản.
Đền Kisho thờ vị thần Yagokoro Omoikane-no-Mikoto ( 八意思兼命) đại diện cho trí tuệ và sự thông thái. Chữ cái đầu tiên trong tên là "八–Ya” (Bát) chỉ khả năng điều khiển 8 hiện tượng thời tiết: nắng, trời âm u, mưa, sấm chớp, gió, sương giá, băng tuyết và sương mù. Do đó, các loại bùa may mắn tại đền Kisho đều để cầu thời tiết.
Trong các loại bùa cầu thời tiết tại đền Kisho, Hare-mamori, Teru teru mamori là hai loại được yêu thích nhất. “晴守り – Hare mamori” có dạng túi, được thêu hình mặt trời đỏ nổi bật trên nền xanh với mục đích cầu trời nắng, đúng như tên gọi "Hare" nghĩa là trời nắng. “てるてる守り – Teru teru mamori” có hình dạng giống với búp bê thời tiết Teru Teru Bouzu, để cầu cho ngày nắng đẹp. Giá bán của hai loại bùa này đều là 500 yên.
Xem thêm: Những loại bùa phổ biến ở Nhật Bản
Bùa Shibuya Omamori
Khác với các bùa may mắn còn lại, bùa "渋谷お守り – Shibuya Omamori" có nguồn gốc rất độc đáo. Chúng được tạo ra bởi Hiệp hội Du lịch Shibuya và Công ty Xổ số Tokyo với mục đích trở thành lá bùa hộ mệnh, tránh được tai nạn khi đi bộ trên giao lộ Shibuya với nửa triệu người băng qua mỗi ngày. Một mặt của lá bùa thêu hình giao lộ Shibuya và mặt còn lại là tượng chú chó Hachiko trung thành.
Để mua được bùa Shibuya Omamori, bạn có thể ghé đến một số cửa hàng bán vé số gần giao lộ này như: cửa hàng vé số Tượng đài Hachiko Shibuya, quầy vé số trước lối vào nhà ga Shibuya ở tuyến Inokashira, cửa hàng vé số ở lối ra Inoue thuộc ga Shibuya, quầy vé số tự động Inokashira ở lối ra phía Tây.
Masaru-mamori ở đền Hie
Đền Hie nằm Nagatacho, phường Chiyoda, Tokyo với năm thành lập chưa được xác định. Có giả thuyết cho là đền được lập ra bởi samurai Ota Dokan vào năm 1478, nhưng cũng ý kiến cho rằng đền Hie ra đời cùng lúc với đền Sanno năm 1362. Sau đó, Shogun Tokugawa leyasu đã dời đền Hie vào khuôn viên của Lâu đài Edo. Đó là lý do đền Hie còn được gọi là “Kojo no Shizume – Người bảo vệ lâu đài”. Nhưng vào năm 1604, con trai của ông – Shogun Tokugawa Hidetada đã chuyển đền ra bên ngoài để người dân Edo có thể cúng viếng. Sau trận hỏa hoạn vào năm 1657, đền Hie bị hư hại nặng nề, và hai năm sau đó, nó được Shogun Tokugawa letsuna xây dựng lại ở vị trí hiện tại. Đền cũng nổi tiếng từng là một trong 10 ngôi đền được Thiên hoàng Minh trị ghé thăm vào năm 1868 để cầu nguyện cho dân chúng.
Đền Hie nổi tiếng với tượng khỉ thần ở điện thờ chính, do đó, nhiều người dân đến đây để cầu nguyện cho cuộc sống thịnh vượng, làm ăn thuận lợi, hôn nhân viên mãn và “mẹ tròn con vuông”. Ngoài ra, từ “Saru – 猿” còn có cách đọc là En, đồng âm với chữ "縁 - Duyên", nên tại đây cũng có nhiều loại bùa hộ mệnh tình duyên.
Bùa may mắn "子授け守り – Kosazuke-mamori" tại đền Hie có hình chú khỉ cầm mũi tên giúp ban phước lành cho cặp vợ chồng về đường con cái. Còn bùa “まさる守 – Masaru-mamori” lại giúp các sĩ tử gặp nhiều may mắn trong thi cử.
Cặp bùa Hanafuku-suzu và Yakan-suzu tại đền Akasaka Hikawa
Đền Akasaka Hikawa nằm gần Ropponggi, Tokyo, được thành lập vào năm 951. Từng có một trận hạn hán ở vùng Kanto và sau khi người dân cầu nguyện tại ngôi đền, lời khẩn cầu đã trở thành hiện thực. Từ đó, nhiều nghi lễ cầu tránh dịch bệnh, thảm họa đã được tiếp tục duy trì tại đền. Năm 1729, Shogun Tokugawa Yoshimune đã cho xây dựng lại ngôi đền ở vị trí mà ngày nay chúng ta nhìn thấy. Điều đặc biệt là ngôi đền đã đứng vững một cách thần kỳ trong trận động đất Kanto năm 1923 và cả Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đền Akasaka Hikawa thờ vị thần mai mối Okuninushi-no-mikoto và vợ ông – Kushinadahime-no-mikoto, do đó, ngôi đền trở thành địa điểm cầu duyên rất nổi tiếng. Đặc biệt, bùa may mắn của ngôi đền cũng làm du khách phải trầm trồ. "花福鈴 – Hanafuku-suzu" là chiếc chuông bằng đất sét được vẽ cảnh sắc thiên nhiên từng tháng trong năm, với ý nghĩa mang hạnh phúc đến cho người thỉnh về. Ngoài ra, đền Akasaka Hikawa còn được biết đến với loại bùa "やかん鈴 – Yakan-suzu" có hình dạng một chiếc ấm đun nước. Hình dạng này xuất phát từ quan niệm trong tín ngưỡng Thần đạo là tạo ra niềm vui và lan tỏa niềm hạnh phúc đó tới với những người khác. Khi ghép đôi 2 Omamori này lại sẽ tạo nên Omamori đầy quyền năng mang đến nhiều mối quan hệ tốt đẹp.
kilala.vn
09/06/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận