10 chuyện ma rùng rợn của Nhật Bản (phần 2)

    Trong tín ngưỡng dân gian của người Nhật, Nhật Bản như một hòn đảo thấm đẫm những quyền lực siêu nhiên. Năng lượng huyền bí tiềm ẩn hầu như trong từng tấc đất, lan truyền sang cả con người. Từ thời xa xưa, trước khi chữ viết xuất hiện ở Nhật, người ta đã thích kể chuyện ma.

    Chuyện những hồn ma – người Nhật gọi là yurei - phát triển nhất vào thời Edo (1603-1868), khi người Nhật say mê những buổi kể chuyện thần bí gọi là Hyakumonogatari Kaidankai. Người chơi ngồi vòng tròn và thay phiên kể chuyện Một trăm ngọn nến được thắp lên rồi dập tắt từng cái một sau khi mỗi câu chuyện kết thúc. Ánh sáng ngày càng mờ ảo. Để có thêm nhiều chuyện mà kể trong Hyakumonogatari Kaidankai, người Nhật chăm chú nhìn vào mọi góc tối, đào bới từng hòn đá có vẻ khả nghi bị chôn vùi một nửa trong sân ngôi đền hoang, cũng như nài nỉ ông bà kể lại những câu chuyện cổ xưa đã mơ hồ nhớ nhớ quên quên.

    10 chuyện ma rùng rợn của Nhật Bản (phần 2)

    Có những chuyện rất rùng rợn và ly kỳ. Người tình đã chết trở về từ ngôi mộ. Cuộc diễu hành của những hồn ma trên đường xuống địa ngục. Những bàn tay ma quái,…

    Dưới đây là 10 chuyện ma nổi tiếng nhất.

    10 chuyện ma nổi tiếng Nhật Bản (phần 1)

    5/ Cây Cầu Đong Đưa (Gatagata Bashi)

    Trong ngôi làng Ozaka ở tỉnh Hida (ngày nay là tỉnh Gifu) có một người đàn ông tên là Kane'emon sống cùng gia đình. Ở phía trước nhà của ông có một cây cầu treo bằng gỗ cũ kỹ bắt ngang một thung lũng núi dẫn đến ngôi làng lân cận.

    Một đêm nọ, đang ở trong nhà, Kane'emon bỗng nghe âm thanh lọc cọc đặc trưng của cây cầu khi có một người nào đó đang đi qua, kèm theo là những tiếng nói thì thầm. Qua cầu vào ban đêm là một việc cực kỳ nguy hiểm, vì thế Kane'emon vội vã ra khỏi nhà để cảnh báo, không cần quan tâm họ là ai. Nhưng ông chẳng thấy một ai.

    Chuyện này tiếp diễn hàng đêm, luôn luôn là tiếng đong đưa lọc cọc của cây cầu và những lời thì thầm. Thậm chí một số đêm ông còn nghe lời than vãn và tiếng kêu khóc buồn bã.

    Không biết phải làm gì, Kane'emon đến gặp thầy bói để xin giúp đỡ. Thầy bói cho ông biết âm thanh đó chính là cuộc diễu hành của những người chết trên đường đến Tachiyama (ngày nay là tỉnh Toyama). Ở Tachiyama được cho là có nhiều lối dẫn xuống địa ngục, và những mojya (người chết) gần đây đã phát hiện ra cây cầu như là con đường thích hợp.

    Nghe vậy, Kane'emon quyết định chuyển toàn bộ gia đình mình đến một nơi cách xa cây cầu, đồng thời thu xếp cử hành một lễ tưởng niệm ngay tại cây cầu, cầu xin giảm bớt bản án cho những linh hồn đang bị đày đọa xuống địa ngục. Ông cũng lập một đài tưởng niệm vĩnh viễn ngay tại cây cầu, và từ thời điểm đó, không còn nghe những âm thanh lạ nữa. Tuy nhiên, cây cầu đó vẫn lưu danh đến ngày nay với tên gọi Gatagata Bashi, nghĩa là Cây cầu đong đưa.

    4/ Ma đói (Hidarugami)

    Trong khi đang đi trên con đường mòn trên núi, bất ngờ bạn bị một cơn đói dày vò - một cảm giác đói mãnh liệt làm bạn phải khụy xuống - có lẽ bạn cần phải làm nhiều việc hơn là chỉ đơn giản lục ba lô lấy đồ ăn. Vì có thể bạn đang bị tấn công bởi Hidarugami, những vị thần chết đói.

    Hidarugami được cho là linh hồn của những người chết đói lang thang trên núi. Bởi vì họ chết cô độc nên không có bất kỳ mộ bia hoặc lễ tưởng niệm nào. Linh hồn của họ trở nên xấu xa và tìm cách bắt người khác phải chia sẻ sự đau khổ của họ.

    Chúng hầu như chỉ xuất hiện ở những con đường mòn trên núi. Lữ khách khi gặp phải Hidarugami đột nhiên bị đói kịch liệt, mệt mỏi, và tê tay tê chân. Cảm giác được cho là tương đương cái đói thực tế. Nạn nhân không thể di chuyển và thường gục ngã. Cuộc tấn công là một hình thức chiếm hữu. Hidarugami nhập vào cơ thể nạn nhân. Nếu không có biện pháp đối phó, Hidarugami có thể gây tử vong - chết đói thật sự dù cơ thể có khỏe mạnh thế nào đi nữa.

    Sau khi chết, nạn nhân sẽ tham gia vào nhóm Hidarugami. Nhờ đó, nhóm Hidarugamai sẽ ngày phát triển, tập hợp thêm nhiều linh hồn.

    Cách thức trục xuất Hidarugami tương đối đơn giản, miễn là nạn nhân có chuẩn bị. Chỉ cần một mẩu thức ăn nhỏ - chủ yếu gạo hoặc ngũ cốc - là có thể ngăn chặn cuộc tấn công, và cái đói sẽ rời đi nhanh như nó đã phát sinh. Đó là lý do tại sao - kể cả thời nay - những người lữ khách được khuyên không nên đi sâu vào các ngọn núi mà không mang theo vài nắm cơm hoặc cơm hộp để ăn. Và nếu có mang theo cũng không được ăn hết sạch, luôn luôn để lại một vài hạt dự phòng trường hợp khẩn cấp.

    Kaidanshu và những hướng dẫn du lịch cổ xưa của người Nhật đầy rẫy những mẩu chuyện về Hidarugami. Trong một câu chuyện từ năm 1736, một người đàn ông tên Senkichi đã được tìm thấy trong tình trạng kiệt sức và bất tỉnh trên đường núi. Ông thậm chí không thể nói chuyện, được đặt lên xe bò và chở về thị trấn để dưỡng sức và phục hồi. Senkichi được xem là có liên quan đến một vụ tấn công của Hidarugami. Một câu chuyện điển hình khác kể về một thương gia đi qua đèo Noborio hướng về Onohara. Chỉ vài giờ sau khi kết thúc bữa ăn trưa của mình, ông bị cảm giác đói như sắp chết, phải đấu tranh để lết đến một ngôi chùa gần đó. Một bản hướng dẫn du khách từ năm 1861 đã cảnh báo về sự nguy hiểm khi đi vào núi mà không có vài nắm cơm để bảo vệ.

    Ở các tỉnh Kochi, Nagasaki, và Kagoshima, có những ngôi miếu nhỏ chạy dọc theo các con đèo và đường núi để thờ cúng kami Shibaorigami. Việc thực hiện một nghi lễ cúng kiếng tại các miếu thờ này, đôi khi chỉ đơn giản là đặt vài nhánh cây nhỏ để tưởng niệm, được cho là có thể bảo vệ chống lại Hidarugami.

    3/ Bàn Tay Ma (Manekute no Yurei)

    Đêm khuya, khi bạn thức dậy để đi vệ sinh, bỗng một bàn tay bí ẩn thò ra từ bức tường và vẫy gọi bạn. Thật lạ kỳ, nhưng khi bạn bước căn phòng mà bàn tay đang vẫy gọi, không có ai ở đó cả. Nhiều khả năng bạn gặp phải yurei của một người đã chết trong phòng trước đó - họ muốn một cái gì đó, nhưng chỉ đủ sức mạnh để hiện ra duy nhất một bàn tay khẩn cầu bạn.

    Các thể loại chuyện này rất phổ biến ở Nhật Bản, đặc biệt là yurei ở trong nhà.

    Nói chung, họ chẳng muốn gì hơn là để một người nào đó xác nhận sự hiện diện của họ, và đọc một kinh cầu hồn cho họ tại ngôi đền địa phương. Manekute no Yurei có xu hướng tập trung vào những ngôi nhà ở gần đền thờ, hoặc những người sùng đạo, là người mà họ cảm thấy có thể thực hiện các nghi lễ tưởng niệm. Cũng là hồn ma nhưng họ thuộc loại ít nguy hiểm nhất trong các thể loại yurei.

    Dưới đây là một câu chuyện điển hình trong thời Edo.

    Một vị trụ trì trên đường đến làng Akiyama bỗng nghe tiếng bước chân ở phía sau. Ông là người đặc biệt nhạy cảm với chuyện ma quái nên xác định được ngay. "Ah, đó là một linh hồn lạc lối tội nghiệp, của một người đã chết trong đợt hạn hán khủng khiếp ở trong làng. Thật đáng thương vì nó vẫn còn vất vưởng tới tận bây giờ".

    Khi đến làng, vị trụ trì chuẩn bị sẵn một bộ kinh Phật. Sau đó, ông quay trở lại nơi mà ông đã nghe tiếng bước chân và chờ trời tối. Y như rằng, một bàn tay trắng như sữa thò ra từ bóng tối. Vị trụ trì đặt bộ kinh lên bàn tay ma quái và bắt đầu tụng kinh cầu hồn cho người chết. Yurei vô danh sau đó biến mất, và không bao giờ xuất hiện lại.

    2/ Hồn ma nữ nhạc sĩ mù (Goze no Yurei)

    Một câu chuyện ma quái trả thù đẫm máu. Một trong số ít những câu chuyện kinh dị thật sự .

    Câu chuyện diễn ra trong thời đại Kyoho (1716-1736). Một samurai tên là Hotsumi Kanji ở tỉnh Kitakuni đang thực hiện chuyến đi hàng năm theo quy định về thủ đô ở Edo. Chàng ghé vào một quán trọ ven đường.

    Đang ở trong phòng, chàng bỗng nghe một giọng hát tuyệt vời mà chàng chưa từng nghe trước đó. Nó phát ra từ một trong các phòng của quán trọ, là của một goze, người phụ nữ mù đi khắp nước biểu diễn kiếm sống với đàn shamisen.

    Nghĩ rằng một giọng hát tuyệt vời phải gắn liền với một cơ thể đẹp tương xứng, Hotsumi quyết định chiếm đoạt người phụ nữ. Sau khi tìm ra phòng của cô, chàng ẩn mình trong bóng tối để chờ đợi cơ hội. Khi goze trở về, Hotsumi lộ diện từ nơi ẩn náu và chiếm đoạt cô, nhưng có điều lạ là người phụ nữ không phản đối một chút nào dù là ít nhất.

    Sáng hôm sau, Hotsumi bị sốc khi phát hiện ra người phụ nữ có giọng hát tuyệt vời như vậy lại có bộ mặt quá xấu xí. Cô nhìn anh tươi cười, nục cười hạnh phúc thuần khiết, nghĩ rằng cuối cùng mình đã tìm thấy tình yêu. Không có gì khác xa sự thật hơn thế - Hotsumi nhanh chóng dự trù một mưu đồ, và đưa người phụ nữ đi cùng mình đến Edo. Trên một con đường núi vắng vẻ, chàng đẩy người phụ nữ mù xấu xí xuống khe núi, giết chết cô. Nghĩ rằng đã giải quyết được vấn đề khá tinh vi, Hotsumi tiếp tục công việc của mình.

    Năm sau, Hotsumi đã hoàn toàn quên bẵng vụ việc. Một lần nữa, lại đến thời điểm chuyến đi Edo, và lần này, chàng dừng ở một ngôi đền nhỏ trên núi để qua đêm. Đêm đó, hồn ma của goze xuất hiện trước mặt chàng. Cô nói:

    "Mi đã quên mùa Thu qua rồi phải không? Mi chơi ta rồi ném đi khi đã thỏa mãn. Ta không có mắt, nhưng bây giờ ta nhìn rất rõ lòng dạ mi".

    Cô ta chụp lấy hai chân của Hotsumi và kéo mạnh ra khỏi giường. Chàng ta cố vùng vẫy để mong thoát khỏi cô nhưng không thể bì với sức mạnh của cơn thịnh nộ trong cô. Hotsumi thấy mình bị kéo lê vào nghĩa trang của ngôi đền. Dừng lại trước một ngôi mộ, goze cười nhếch mép, sau đó ôm Hotsumi và đẩy mạnh xuống lòng đất.

    Các nhà sư trong chùa nghe tiếng động và chạy đến xem những gì xảy ra. Họ đi theo còn đường mòn đến nghĩa địa. Sau khi lấy xẻng đào đất, họ nhanh chóng phát hiện thi thể của Hotsumi đang bị bao bọc bởi bộ xương của một người phụ nữ. Định mệnh run rủi, Hotsumi đã chọn đúng ngôi đền nơi thi thể của goze được chôn cất, sau khi được tìm thấy dưới khe núi. Và cô đã đến đón nhận anh ta.

    1/ Những hồn ma báo thù của Heike (Heike Ichizoku no Onryo)

    Một trong những câu chuyện ma nổi tiếng ở Nhật, lừng danh trên sân khấu kịch Noh và Kabuki. Vào giai đoạn cuối cuộc nội chiến lớn nhất Nhật Bản, Thị tộc Heike bị đánh bại tán loạn. Nhưng những hồn ma của Nhật Bản không bao giờ chấp nhận thất bại.

    Đó là năm 1185. Minamoto no Yoshitsune đứng ở mũi thuyền của mình khi nó đang tăng tốc băng qua Vịnh Daimotsu thuộc tỉnh Settsu (ngày này là tỉnh Hyogo). Yoshitsune đang chạy trốn người anh trai của mình, Minamoto no Yorimoto, người vừa mới chiếm được quyền lực từ gia tộc Heike và tuyên bố mình là Shogun. Yorimoto xem người em của mình như là đối thủ tiềm năng. Bằng cách trốn chạy khỏi thủ đô, Yoshitsune hy vọng sẽ yên ổn với tính hoang tưởng và ganh tị của anh trai mình.

    Nhưng chuyến đi đã có những điềm xấu. Yoshitsune buộc phải bỏ lại tình nhân của mình là vũ công nổi tiếng Shizuka. Trong điệu nhảy chia tay - là kiệt tác shirabyoshi của cô (còn được gọi là The Parting) - khăn trùm đầu của cô đã rơi xuống sàn. Biển nổi sóng. Yoshitsune đã nghĩ đến việc trì hoãn thời điểm khởi hành. Nhưng Musashibo Benkei, người hầu cận trung thành của chàng đã gây áp lực buộc Yoshitsune phải lên đường ngay. Chậm trễ sẽ đồng nghĩa với cái chết của Yoshitsune dưới tay quân lính Minamoto no Yorimoto.

    Ban đầu, chuyến đi diễn ra khá yên ổn bất chấp biển động. Nhưng sau đó, mọi thứ trở nên ngày càng tồi tệ. Khi thuyền bỏ lại Vịnh Daimotsu phía sau để hướng về phía núi Yoshino, một màn sương mù không có dấu hiệu báo trước bất ngờ xuất hiện bao phủ chiếc thuyền. Những cơn sóng dữ đập tứ phía chiếc thuyền của Yoshitsune và đoàn tùy tùng, hất tung nó như một món đồ chơi. Thuyền của Yoshitsune bị mắc kẹt - không thể tiến hay lui, như thể bị kìm kẹp bởi những quyền lực siêu nhiên.

    Nhìn qua mạn thuyền thì thấy rõ nguyên nhân. Ẩn mình trong sóng biển là những thi thể trắng dã của các chiến binh Thị tộc Heike đã bị Yoshitsune hủy diệt trước đó. Những bàn tay xương xẩu của chúng đồng loạt nắm chặt con thuyền. Chiếc thuyền chỉ còn một lối thoát, đó là địa ngục.

    Bất ngờ, một trong những chiến binh ma quái nhảy lên thuyền. Trong nháy mắt, Yoshitsune nhận ra ngay đó chính là Taira no Tomomori, vị tướng dũng mãnh của Heike. Đôi mắt rực đỏ trong cơn thịnh nộ, ông ta múa thanh Thế đao/Trường đao (naginata) to dài của mình và lao vào Yoshitsune. Không một chút sợ hãi, Yoshitsune bình tĩnh rút kiếm và sẵn sàng đối mặt với người chiến binh của tử thần.

    Nhưng chiến binh pháp sư Musashibo Benkei hiểu rằng không thể dùng các kỹ năng của đôi tay để khuất phục tử thần. Dù lưỡi kiếm của sư phụ Yoshitsune có lợi hại thế nào đi nữa cũng không thể giết người đã chết. Còn naginata của Taira no Tomomori thì có thể giết người sống.

    Vì thế Benkei bắt đầu quỳ xuống, đọc kinh và cầu nguyện một cách nhiệt thành với các vị thần. Chàng khẩn cầu thần linh ở cả năm hướng - Đông, Tây, Nam, Bắc, và hướng thứ năm, hướng của các vị thần bí hiểm. Trong khi Yoshitsune cùng tùy tùng vung kiếm lao vào Taira no Tomomori và các onryo của Thị tộc Heike, thì Benkei đang ở trong cuộc chiến tâm linh, của đức tin và lòng sùng kính, dùng lời cầu nguyện để chống lại sức mạnh ma quái.

    Nhờ lời cầu nguyện nhiệt thành và sốt sắng của Benkei, sóng dữ và sương mù tan biến nhanh chóng như khi chúng xuất hiện. Những hồn ma báo thù của Thị tộc Heike biến mất, vì chúng không thể chống lại sức mạnh bảo vệ của các vị thần. Trận chiến kết thúc, Yoshitsune và đoàn tùy tùng tiếp tục chuyến đi của mình trong an bình. 

    19/03/2015

    Bài Nguyên Giang (dịch). Ảnh Wikipedia

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!