Ý nghĩa của buổi lễ khai mạc Paralympic Tokyo
Tối ngày 24/08 vừa qua, lễ khai mạc Paralympic Tokyo đã diễn ra tại Sân vận động Quốc gia với sự có mặt của các đoàn thể thao đến từ khắp nơi trên thế giới.
Buổi lễ có sự tham dự của Nhật hoàng Naruhito, ông Douglas Emhoff – phu quân của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế Andrew Parsons và Chủ tịch Olympic Quốc tế Thomas Bach. Chủ đề của buổi lễ là “We have Wings – Chúng ta có đôi cánh”, thể hiện tinh thần chinh phục, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tiến tới đỉnh vinh quang.
Lễ khai mạc có sự góp mặt của 162 phái đoàn, và đây cũng là lần đầu tiên chứng kiến lễ ra mắt của 5 quốc gia tham gia Thế vận hội: Bhutan, Grenada, Maldives, Paraguay, St. Vincent và Grenadines. Trong đó có cả quốc kì của Afghanistan do một tình nguyện viên mang theo dù phái đoàn không có mặt tại Tokyo. Bên cạnh đó, vận động viên bơi lội người Afghanistan Abbas Karimi, người đã sống ở Mỹ từ năm 2016, dẫn đầu Đội Paralympic Người tị nạn với tư cách là người cầm cờ. Anh là vận động viên Afghanistan duy nhất thi đấu trong sự kiện năm nay.
Trong khuôn khổ buổi lễ còn có sự ra mắt của “WeThe15” – dự án hợp tác giữa các tổ chức: Ủy ban Paralympic Quốc tế, UNESCO và Invictus Games nhằm chống lại sự phân biệt đối xử với người khuyết tật. Có 1,2 tỷ người khuyết tật trên khắp thế giới, tương đương với 15% dân số toàn cầu, đó chính là ý nghĩa của con số 15 trong dự án. Hashtag #WeThe15 được chiếu sáng khắp SVĐ và xuất hiện trên trang phục của các tình nguyện viên.
Trong khi lễ khai mạc Paralympic chứng kiến sự trở lại của chiếc vạc Olympic mang tính biểu tượng được thiết kế bởi Nendo, phần cuối cùng của lễ rước đuốc Paralympic không chỉ có một mà ba người mang đuốc tiến lên bục. Bộ ba bao gồm vận động viên Karin Morisaki, Yui Kamiji và Shunsuke Uchida. Cùng nhau, họ đại diện cho sự thống nhất khi thắp sáng vạc.
Phát biểu trong buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế Andrew Parsons nhấn mạnh đây không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là cơ hội dành cho những người khuyết tật có thể nói lên tiếng nói của riêng mình và khẳng định vị trí của họ trên thế giới. Hơn hết, Thế vận hội chứng minh rằng bất chấp tất cả những trở ngại, sự chậm trễ và khó khăn đã phải đối mặt trong những tuần, tháng và năm qua, một tương lai tươi sáng và bình đẳng hơn luôn ở phía trước.
25/08/2021
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận