Truyền thống đi bộ 85 km xuyên đêm của trường trung học Otawara, Nhật Bản
Với triết lý giáo dục Shisso Kenjitsu, trường trung học Otawara, tỉnh Tochigi nổi tiếng bởi truyền thống đi bộ 85km xuyên đêm - hoạt động thường niên của trường trong suốt 40 năm qua.
Kyoho - hoạt động truyền thống đi bộ 85km xuyên đêm
Kể từ năm 1986, vào mỗi mùa xuân, toàn bộ học sinh trường trung học Otawara sẽ tập trung tại trường để tham gia vào hoạt động truyền thống Kyoho, được ghép từ hai chữ Kanji "強 - CƯỜNG" (mạnh mẽ) và "歩 - BỘ" (đi bộ).
Học sinh sẽ khởi hành từ khuôn viên trường, đi bộ qua ba thành phố Otawara, Yaita và Nasu Shiobara. Trên đường đi sẽ chỉ dừng lại tại các trạm để ăn và nghỉ ngơi. Chuyến đi bộ này diễn ra xuyên đêm và học sinh sẽ quay trở lại trường vào trưa ngày hôm sau, với tổng quãng đường lên đến 85km.
Nhà trường cho rằng đây là cách rèn luyện sức mạnh thể chất lẫn tinh thần, đồng thời thắt chặt mối quan hệ giữa các học sinh. Với phương châm “Shisso Kenjitsu” (質素堅実 - giản dị và kiên cường), trường Otawara xem hoạt động Kyoho là minh chứng rõ ràng nhất cho triết lý giáo dục của mình.

Truyền thống phải thay đổi do bối cảnh thực tế
Trước đây, hoạt động Kyoho phải tạm dừng từ năm 2020 đến 2022 do đại dịch, và vào năm 2023, quãng đường bị rút ngắn do thời tiết xấu. Phải đến năm 2024, học sinh mới hoàn thành chặng đường 85km sau năm năm. Nhưng cũng chính thời điểm này, nhà trường bắt đầu cân nhắc lại về bài toán nhân lực và đảm bảo sự an toàn cho học sinh.
Trong sự kiện Kyoho năm nay, nhà trường thông báo hoạt động sẽ được rút ngắn còn 35km và diễn ra trong ngày thay vì xuyên đêm như trước. Học sinh sẽ bắt đầu đi bộ từ khuôn viên trường vào 9:45 sáng và đến trạm dừng chân Yu no Kaori Shiobara lúc 4:30 chiều.
Lý do chính cho việc này đến từ sự thiếu hụt về nhân sự hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho học sinh. Với quy mô chuyến đi ban đầu, nhà trường phải bố trí nhân lực suốt nhiều điểm dọc đường đi để phát nước, hướng dẫn giao thông và hỗ trợ các vấn đề y tế. Theo đó, số lượng giáo viên hiện tại của trường không thể đáp ứng nhiệm vụ này.
Thêm vào đó, dân số của Otawara đang giảm dần và số lượng học sinh của trường đã giảm từ 1.000 học sinh xuống chỉ còn khoảng 570 học sinh trong năm học này. Điều đó đồng nghĩa với việc nhân lực tình nguyện từ phụ huynh cũng giảm. “Việc đảm bảo an toàn cho học sinh gặp nhiều vấn đề nên chúng tôi buộc phải rút ngắn khoảng cách”, phó hiệu trưởng Hidenori Matsumoto thẳng thắn chia sẻ.
Giữ vững tinh thần “Shisso Kenjitsu”
Một phần lý do của việc thay đổi hoạt động Kyoho là vì nhà trường phải cân nhắc lại tính an toàn sau tai nạn năm 2017. Khi đó, câu lạc bộ leo núi của trường đã gặp một trận tuyết lở khiến 7 học sinh và một giáo viên thiệt mạng, khiến nhà trường phải cẩn trọng đánh giá tính khả thi và rủi ro trong các hoạt động dã ngoại.

Tuy vậy, trường trung học Otawara vẫn giữ vững triết lý giáo dục nghiêm khắc của mình. Vào tháng 1 vừa qua, nhà trường đã khai mạc chương trình “Kangeiko” (寒稽古 – huấn luyện trong giá rét). Khoảng 400 học sinh đã tập trung ở trường từ trước bình minh để tham gia chạy 7km quanh sân trường trong cái lạnh chỉ 1,2°C nhằm tiếp nối truyền thống của trường từ thời kỳ Minh Trị (1868–1912).
Dù hoàn cảnh đổi thay, tinh thần “Shisso Kenjitsu”mà trường Otawara theo đuổi vẫn không phai nhạt. Trong buổi khai mạc, hiệu trưởng Yoshikazu Kimijima hô vang: “Toàn nước Nhật đang lạnh giá, nhưng chúng ta sẽ sưởi ấm cả đất nước bằng tinh thần của mình!”
kilala.vn
Nguồn: Japan Today
Đăng nhập tài khoản để bình luận