Tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản được trao giải Nobel Hòa bình 2024
Một tổ chức của Nhật Bản gồm những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki đã được trao giải Nobel Hòa bình vì "những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân".
Ủy ban Nobel Na Uy khi công bố giải thưởng đã trích dẫn như sau: “Hibakusha được trao giải thưởng Hòa bình vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, và vì đã chứng minh thông qua lời của những nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được phép sử dụng nữa”.
Ủy ban cho biết có 286 ứng cử viên được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay, bao gồm 197 cá nhân và 89 tổ chức.
Jorgen Watne Frydnes, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy cho biết giải thưởng được trao trong bối cảnh điều cấm kỵ về sử dụng vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa.
Ông nói thêm, Ủy ban Nobel "muốn vinh danh tất cả những người sống sót, dù cho phải chịu đau đớn về thể xác và ký ức đau thương, đã chọn sử dụng kinh nghiệm đắt giá của mình để vun đắp cho hy vọng và cam kết vì hòa bình".
Người đứng đầu Nihon Hidankyo – ông Toshiyuki Mimaki phát biểu từ Tòa thị chính Hiroshima ở Phường Naka, Thành phố Hiroshima, cho biết giải thưởng này đóng vai trò là sức mạnh to lớn để kêu gọi thế giới từ bỏ các chương trình tên lửa hạt nhân.
Nihon Hidankyo được thành lập vào tháng 8 năm 1956 với ba mục tiêu chính, bao gồm: “ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân và loại bỏ vũ khí hạt nhân”; đảm bảo “khoản bồi thường cho những thiệt hại” do bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản gây ra; và cải thiện các chính sách, biện pháp hiện hành để bảo vệ và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi vụ đánh bom.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba mô tả giải thưởng này là "cực kỳ có ý nghĩa" khi xét đến những nỗ lực dài hơi của nhóm hướng tới mục tiêu xóa bỏ vũ khí hạt nhân.
Đây không phải lần đầu các nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân được Ủy ban Nobel vinh danh. Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2017. Năm 1995, Joseph Rotblat và Hội nghị Pugwash về Khoa học và Các vấn đề Thế giới đã giành giải vì "những nỗ lực của họ nhằm giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân trong chính trị quốc tế và về lâu dài là xóa bỏ các loại vũ khí đó".
Giải thưởng năm nay được trao trong bối cảnh các cuộc xung đột tàn khốc đang diễn ra trên thế giới, đáng chú ý là ở Trung Đông, Ukraine và Sudan. Và năm tới cũng cũng sẽ đánh dấu 80 năm ngày Hoa Kỳ thả bom hạt nhân xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.
Giải Nobel có giá trị tiền mặt là 11 triệu kronor (1 triệu USD). Không giống như các giải Nobel khác được lựa chọn và công bố tại Stockholm, người sáng lập Alfred Nobel đã yêu cầu giải thưởng Nobel Hòa bình sẽ được quyết định và trao tại Oslo bởi Ủy ban Nobel Na Uy gồm năm thành viên.
kilala.vn
Nguồn: Independent
Đăng nhập tài khoản để bình luận