teamLab Planets Tokyo lập kỷ lục "Bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất"
teamLab Planets Tokyo tại Toyosu, Tokyo, đã chào đón tổng cộng 2.504.264 lượt khách tham quan từ ngày 1 tháng 4 năm 2023 đến ngày 31 tháng 3 năm 2024. Thành tích này đã giúp bảo tàng được Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là bảo tàng dành cho một nhóm hoặc một nghệ sĩ đơn lẻ được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới.
teamLab Planets cũng xếp thứ 5 trong xếp hạng tìm kiếm 2023 của Google về "Các bảo tàng phổ biến nhất thế giới", sau Bảo tàng Louvre (Paris), Bảo tàng Anh (London), Musée d'Orsay (Paris) và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (London).
Sự công nhận này đánh dấu danh hiệu Kỷ lục Guinness thế giới thứ hai dành cho bảo tàng của teamLab, sau kỷ lục năm 2019 do teamLab Borderless ở Odaiba, Tokyo lập nên, với 2.198.284 lượt khách tham quan.
Nhiều khu vực mới đi vào hoạt động trong năm 2025
Vào đầu năm 2025, teamLab Planets sẽ mở rộng đáng kể với việc bổ sung thêm các không gian nghệ thuật mới. Trong đó sẽ có không gian thể thao sáng tạo Athletics Forest, dự án giáo dục đồng sáng tạo Future Park, cũng như khu vực Catching and Collecting Forest. Việc mở rộng sẽ bao gồm hơn 10 tác phẩm nghệ thuật, nâng cao đáng kể trải nghiệm teamLab Planets.
Athletics Forest
Athletics Forest là một không gian thể thao sáng tạo dựa trên khái niệm hiểu thế giới thông qua cơ thể và suy nghĩ về thế giới theo ba chiều. Tại đây du khách sẽ được đắm mình hoàn toàn vào không gian ba chiều phức tạp và đầy thử thách về mặt thể chất của thế giới tương tác.
Người sáng lập teamLab Toshiyuki Inoko cho biết: "Con người cảm nhận thế giới bằng cơ thể và suy nghĩ bằng cơ thể. Khi bạn khám phá một thế giới ba chiều phức tạp bằng chính cơ thể mình, bạn sẽ cảm nhận thế giới theo ba chiều và ngược lại, suy nghĩ của bạn cũng trở nên ba chiều. Chúng tôi bắt đầu dự án này, Athletics Forest, với hy vọng nâng cao tư duy ba chiều và tư duy đa chiều.”
Future Park
Future Park là một dự án giáo dục dựa trên khái niệm đồng sáng tạo (co-creation). Đây là một công viên giải trí nơi mọi người có thể cùng nhau sáng tạo thế giới một cách tự do.
Một tác phẩm nghệ thuật trở nên sống động thông qua quá trình con người cùng nhau tạo ra thứ gì đó. Khi mọi người tiếp tục cùng nhau sáng tạo, tác phẩm nghệ thuật sẽ phát triển không ngừng.
Catching and Collecting Forest
Đây là một không gian học tập mới dựa trên khái niệm Catch, Study, Release, trong đó mọi người khám phá thế giới bằng cơ thể của mình, tìm, bắt và mở rộng sở thích của họ dựa trên những gì họ bắt được. Du khách dùng smartphone để bắt các sinh vật khác nhau, nghiên cứu chúng và tạo ra bộ sưu tập của riêng mình.
Khi du khách sử dụng camera của điện thoại để nhìn một con vật đang di chuyển trong không gian và bắn một “Study Arrow” (mũi tên nghiên cứu) vào con vật trong tầm nhìn của camera, mũi tên sẽ bay ra khỏi điện thoại vào không gian thực.
Khi mũi tên chạm vào, con vật sẽ biến mất khỏi không gian và được thêm vào bộ sưu tập trên điện thoại của du khách. Khi du khách kéo con vật đã bắt được về phía một vị trí được nhìn thấy trong camera của ứng dụng, con vật sẽ được thả ra và quay trở lại vị trí đó.
kilala.vn
Nguồn: Japan Today
Đăng nhập tài khoản để bình luận