Suối nước nóng cản trở tiềm năng địa nhiệt của Nhật Bản?

    Với hơn 100 ngọn núi lửa đang hoạt động, Nhật Bản có nguồn tài nguyên địa nhiệt lớn thứ ba thế giới, nhưng cũng có một ngành công nghiệp đã kiên quyết phản đối việc phát triển lĩnh vực này đó là suối nước nóng.

    Nhật Bản không phải là một quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng quá phong phú tuy nhiên lại sở hữu năng lượng địa nhiệt dồi dào. Đây là nguồn năng lượng được lấy từ nhiệt trong tâm Trái Đất, do hoạt động phân hủy phóng xạ của các khoáng vật và năng lượng mặt trời hấp thụ tại bề mặt Trái Đất. 

    Năng lượng địa nhiệt được xem là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế. Từ xa xưa địa nhiệt đã được sử dụng để nung và tắm, đó cũng là lý do cho việc có nhiều suối nước nóng nằm rải rác khắp Nhật Bản.

    onsen

    Nhật Bản nổi tiếng với suối nước nóng. Ảnh: Gaijin Pot

    Đây là một ngành kinh doanh lớn, được người dân địa phương cũng như khách du lịch yêu thích, và ngành công nghiệp này lo ngại việc phát triển địa nhiệt có thể đồng nghĩa với việc mực nước và nhiệt độ giảm xuống tại các cơ sở của họ. "Thành thật mà nói, nếu có thể, chúng tôi muốn việc phát triển năng lượng địa nhiệt dừng lại", Yoshiyasu Sato - Phó chủ tịch Hiệp hội Onsen Nhật Bản cho biết.

    Vì vậy, các bể tắm tại suối nước nóng Tsuchiyu, nép mình giữa những ngọn núi xanh dọc theo dòng sông uốn lượn ở tỉnh Fukushima cùng tồn tại với một nhà máy địa nhiệt nhỏ, là một chuyện rất hiếm.

    nhà máy địa nhiệt

    Nhà máy địa nhiệt Tsuchiyu. Ảnh: Japantoday

    Takayuki Kato, chủ tịch của Genki Up Tsuchiyu, một tổ chức chính quyền địa phương quản lý chương trình năng lượng tái tạo, cho biết chính trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân năm 2011 đã gây ra sự thay đổi trong thị trấn.

    Thị trấn 300 dân này đã bị trận động đất tàn phá nặng nề và cư dân bắt đầu tìm hiểu xem liệu năng lượng địa nhiệt có thể giúp vực dậy cuộc sống của họ hay không. “Người dân ở đây luôn biết rằng suối nước nóng có thể được sử dụng cho các mục đích khác, nhưng họ không biết làm thế nào để làm điều đó”, ông giải thích.

    Quỹ tái thiết đã được sử dụng để xây dựng nhà máy địa nhiệt mở cửa vào năm 2015 trên một suối nước nóng có sẵn. Nó nằm cách các suối nước nóng của thị trấn khoảnh 2 km về phía thượng nguồn. Ông cam kết rằng nhà máy "không làm thay đổi chất lượng cũng như số lượng nước" cho các suối nước nóng trong thị trấn.

    tôm xanh

    Tôm sông khổng lồ sống trong môi trường nước ấm, được cung cấp bởi nhà máy địa nhiệt Tsuchiyu. Ảnh: AFP

    Doanh thu bán điện từ nhà máy hiện tài trợ cho các chuyến xe buýt địa phương miễn phí cho trẻ em và người già, đồng thời cho phép thị trấn cải tạo các tòa nhà bỏ hoang và hỗ trợ các nghệ nhân địa phương. Và nguồn nước bổ sung từ nhà máy đã tạo ra một điểm thu hút khách du lịch mới khi tại đây xuất hiện tôm càng xanh nhỏ mà mọi người có thể bắt và nướng. 

    Đối với những người ủng hộ phát triển địa nhiệt, đó là một dấu hiệu nhỏ nhưng đầy hứa hẹn về những gì có thể được nhân rộng trên khắp Nhật Bản. Hiện tại, quốc gia này chỉ sản xuất 0,3% điện năng từ địa nhiệt, nhưng tiềm năng là rất lớn.

    Dự trữ năng lượng của Nhật Bản ước tính khoảng 23 gigawatt, tương đương với khoảng 20 lò phản ứng hạt nhân và chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Indonesia, theo Cơ quan Tài nguyên và Năng lượng Quốc gia.

    Điều này thậm chí còn hấp dẫn hơn do đất nước phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt là sau thảm họa hạt nhân năm 2011 buộc các lò phản ứng hạt nhân phải đóng cửa.

    Trước đại dịch, khoảng 2.500 người đã đến thăm nhà máy của Tsuchiyu mỗi năm, bao gồm cả một số người trong ngành công nghiệp onsen. Nhưng rất ít người có đủ khả năng thực hiện dự án, còn chính phủ Nhật Bản chỉ có mục tiêu khiêm tốn là 1% điện năng từ địa nhiệt vào năm 2030.

    suối nước nóng

    Địa nhiệt là một nguồn tài nguyên tái tạo khai thác nhiệt từ sâu bên dưới lớp vỏ Trái đất - một lựa chọn có vẻ hấp dẫn đối với Nhật Bản. Ảnh: AFP

    Kasumi Yasukawa, từ bộ phận địa nhiệt của cơ quan an ninh năng lượng của chính phủ JOGMEC, cho biết các chủ sở hữu suối nước nóng đôi khi "từ chối thậm chí thảo luận" về khả năng của một dự án địa nhiệt trong khu vực của họ.

    Ngoài sự phản đối từ ngành công nghiệp onsen "mạnh mẽ", chi phí ban đầu cao và các rào cản hành chính kéo dài cũng cản trở những người quan tâm đến việc xây dựng một nhà máy địa nhiệt.

    Chính phủ đã dỡ bỏ một số hạn chế trong những năm gần đây, cho phép các nhà chức trách nghiên cứu các lựa chọn tại các công viên quốc gia nơi tìm thấy 80% tài nguyên địa nhiệt. Nhưng các chủ sở hữu suối nước nóng kiên quyết phản đối, cho rằng nguồn nước rất mong manh và dễ bị khai thác quá mức.

    trạm địa nhiệt

    Trạm địa nhiệt Hatchobaru của Kyushu Electric Power. Ảnh: Nikkei

    Yasukawa cho rằng các nhà phát triển đã đánh giá quá cao tiềm năng tại các địa điểm này, một phần là do thiếu kiến thức khoa học vào thời điểm đó."Có vẻ như nỗi sợ hãi của các chủ sở hữu suối nước nóng chỉ dựa trên tin đồn. Không có sự can thiệp nào đối với các giếng suối nước nóng, sử dụng nước từ các hồ chứa gần bề mặt hơn", cô nói, giải thích rằng các dự án địa nhiệt khai thác đá sâu hoặc trầm tích chứa nước ngầm.

    JOGMEC hy vọng các dự án như nhà máy của suối nước nóng Tsuchiyu có thể thay đổi suy nghĩ, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp suối nước nóng sẽ sớm thay đổi quan điểm.

    kilala.vn

    22/03/2023

    Nguồn: Japantoday

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!