NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Quá tải du lịch khiến Kamakura gặp khủng hoảng về WC

    Chán ngán với tình trạng đông đúc, tắc nghẽn và tốn kém, một số cơ sở thương mại địa phương phải đưa ra biện pháp hạn chế đối tượng và thời gian sử dụng nhà vệ sinh.

    Một cửa hàng tiện lợi gần Ga Kamakura đã treo biển báo có nội dung: “Nhà vệ sinh đóng cửa vào thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ”. Chưa hết, bên trong, một biển báo khác ghi rằng, “Vui lòng nhập mật mã để mở nhà vệ sinh”. Ngoài ra, một biển báo khác nhắc nhở mọi người rằng nhà vệ sinh chỉ dành cho khách hàng.
    wc-konbini
    Biển báo tại cửa hàng tiện lợi ở Kamakura, tỉnh Kanagawa với nội dung trên. Ảnh: Asahi

    Các hạn chế trên đã được cửa hàng bắt đầu cách đây 4-5 năm. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được dòng người. Đoàn người xếp hàng vào WC đôi khi kéo dài đến bên ngoài cửa hàng, chặn cả lối vào và cản trở những người mua sắm.

    Hơn nữa, nhà vệ sinh còn bị làm bẩn. Người ta xả túi giữ nhiệt dùng một lần hoặc nắp nhựa xuống khiến bồn cầu trào ngược. Nhân viên cửa hàng phải lau dọn, sửa chữa trong tâm thế khó chịu.

    Do đó, cửa hàng này quyết định khóa luôn cửa WC bằng loại khóa mật mã.

    Kiếp nạn” du khách quốc tế

    MUJIcom Hotel Metropolitan Kamakura, một tổ hợp cửa hàng quần áo và nhà hàng cũng ở gần Ga Kamakura đã áp dụng hệ thống mã PIN cho 2/3 phòng vệ sinh vào tháng 12/2023. Họ lắp khóa vào thời điểm trước năm mới vì dự đoán sẽ có rất đông người sử dụng WC trong lúc đến thăm ngôi đền Tsurugaoka Hachimangu nổi tiếng vào dịp đầu năm.

    MUJIcom-lap-khoa-mat-ma-cho-wc
    MUJIcom Hotel Metropolitan Kamakura lắp đặt khóa mật mã cho WC. Ảnh: Asahi

    Các vấn đề liên quan đến nhà vệ sinh đã tồn tại từ lâu. Một số người ăn cắp giấy vệ sinh, một số người tắm biển mùa hè thường vào WC thay đồ, làm cát rơi xuống sàn khiến cửa hàng rất đau đầu.

    Và lượng khách du lịch nước ngoài ngày càng tăng làm mọi thứ trở nên trầm trọng hơn. Họ cũng cần sử dụng nhà vệ sinh, nhưng một số không tuân thủ đúng phép lịch sự.

    Trong WC tại ngôi đền Zeniarai Benzaiten nổi tiếng, một biển báo ghi bằng tiếng Nhật, Hàn và Trung với nội dung khuyến cáo không "xả kem que hoặc thanh dango xuống bồn cầu", vì có thể làm tắc đường ống và gây tràn nước.

    den-zeniarai-benzaiten
    Đền Zeniarai Benzaiten, một trong những điểm tham quan nổi tiếng ở Kamakura. Ảnh: japanbyweb.com

    Các konbini là nơi “chịu trận” nhiều nhất. Trong suy nghĩ của một số người, không có sự phân biệt rõ ràng giữa cửa hàng tiện lợi và tiện ích công cộng.

    Nhân viên cửa hàng từng nói với một người rằng cần mua một món đồ để sử dụng WC và nhận lại câu trả lời đầy giận dữ: "Các người là cửa hàng tiện lợi mà không cho tôi sử dụng phòng vệ sinh sao? Thật không thể tin được!".

    Chính quyền địa phương đã làm gì?

    Hiện nay có 39 nhà vệ sinh công cộng ở Kamakura, chúng tiêu tốn khoảng 42 triệu yên phí vệ sinh và 12 triệu yên tiền nước. Việc xây dựng thêm là điều khó khăn vì ngân sách hạn chế.

    Nhà vệ sinh ở lối ra phía đông của Ga Kamakura được sử dụng đặc biệt nhiều. Thành phố cho biết, chúng cần được vệ sinh 6 lần/ngày vào các ngày trong tuần và 9 lần/ngày vào các ngày cuối tuần, ngày lễ.

    ga-tau-slam-dunk
    "Ga tàu Slam Dunk" - điểm check-in hút khách du lịch ở Kamakura. Ảnh: Japan Times

    Do gánh nặng tài chính, thành phố kêu gọi người dân đóng góp. Họ có thể gửi tiền mặt vào các hộp ở lối vào nhà vệ sinh nam và nữ.

    Số tiền từ nguồn quyên góp hằng năm lên tới 700.000 - 800.000 yên, giúp bù đắp chi phí vệ sinh và bảo trì.

    Sadahiro Otsu, giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch thành phố Kamakura, cho biết tình trạng thiếu nhà vệ sinh là một vấn đề lớn đối với Kamakura và cần phải phân bổ một phần ngân sách du lịch cho việc cải tạo, bảo trì nhà vệ sinh.

    “Tôi muốn mọi người nhận thức rõ hơn rằng các điểm du lịch hạng nhất cũng phải có nhà vệ sinh hạng nhất”, ông nói thêm.

    kilala.vn

    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!