Phim Ghibli tạo cảm hứng cho nghệ thuật dệt thảm truyền thống của Pháp
Tại thị trấn nhỏ miền Trung nước Pháp, các thợ dệt đang tạo ra một tác phẩm năm tấm thảm độc nhất tôn vinh các bộ phim của đạo diễn Nhật Bản nổi tiếng Hayao Miyazaki.
Thị trấn nhỏ Aubusson ở miền trung nước Pháp nổi tiếng với truyền thống làm thảm thêu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể có từ thế kỷ 15. Tại đây, những thợ dệt trẻ tuổi của hãng thảm Aubusson Robert Four đã mất khoảng một năm để tạo ra tác phẩm thủ công tinh xảo, cao 3m, rộng 7,5m thể hiện một cảnh trong "Vùng đất linh hồn" của Miyazaki.
Tác phẩm đã được trưng bày tại Cite Internationale de la Tapisserie, bảo tàng thảm thêu quốc tế của Aubusson, giữa tiếng hò reo và vỗ tay của người hâm mộ. Chia sẻ trong buổi lễ ra mắt, thợ dệt Manon Gruel xúc động chia sẻ: “Tôi yêu thích tác phẩm của đạo diễn Hayao Miyazaki, vì thế dù có nhiều áp lực trong suốt quá trình thực hiện, tôi cùng các cộng sự đều có sức mạnh để vượt qua”.
Với những tấm thảm Ghibli, Giám đốc bảo tàng Emmanuel Gerard cho biết: "Mặc dù phim của Miyazaki thuộc về văn hóa Nhật Bản, nhưng chúng thu hút mọi thế hệ trên khắp thế giới”.
Bảo tàng đã ký một thỏa thuận với Studio Ghibli vào năm 2019 để tạo ra 5 tác phẩm dựa trên các bộ phim của Miyazaki, bắt đầu với "Công chúa Mononoke" và kết thúc với "Nausicaa of the Valley of the Wind".
Thợ dệt Nhật Bản đầu tiên của Aubusson, Aiko Konomi, là người tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiếp xúc ban đầu giữa xưởng vẽ và bảo tàng. Konomi, đang thực hiện tấm thảm dựa trên "Howl's Moving Castle" dự kiến ra mắt vào tháng 04, nói rằng "dệt một cảnh của Ghibli có cảm giác như tôi đang ở trong một giấc mơ".
Bảo tàng Cite Internationale de la Tapisserie được thành lập vào năm 2009 sau khi thảm dệt vùng Aubusson được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc chỉ định là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Việc này cũng nhằm mục đích đào tạo thợ dệt để bảo tồn truyền thống dệt.
Một số tác phẩm gần đây của hãng cũng chứng minh sức mạnh của trí tưởng tượng hiện đại trong việc hồi sinh ngành công nghiệp truyền thống và đảm bảo việc truyền lại các kỹ thuật.
Để thu hút sự quan tâm của mọi người đến những tấm thảm, vốn là di tích được trưng bày trong các lâu đài thời trung cổ, vào năm 2017, bảo tàng cũng tham gia vào một dự án hợp tác để tạo ra một tấm thảm dựa trên bộ truyện giả tưởng "Chúa tể của những chiếc nhẫn" của tác giả người Anh J.R.R. Tolkien.
Các dự án hợp tác của Aubusson vượt ra ngoài bảo tàng, đơn cử như việc hợp tác với nghệ sĩ Nhật Bản Shinsuke Kawahara ở Paris để thiết kế một bức tranh cuộn Nhật Bản mang tên "Kakejiku" (những cuộn giấy treo dọc trong những căn phòng truyền thống Nhật Bản, bên trên có thể là chữ viết hoặc tranh). Kawahara giải thích rằng ông "muốn kết hợp Nhật Bản và Pháp với quá khứ, hiện tại và tương lai".
Ngành công nghiệp dệt thảm của Aubusson gần như biến mất vào những năm 1990 khi số lượng thợ dệt giảm dần, nhưng ngày càng có nhiều thanh niên quan tâm đến truyền thống này.
Bảo tàng cho biết vào năm 2022, số lượng người đăng ký tham gia chương trình đào tạo nghệ nhân của trung tâm đã tăng gần gấp đôi so với mức trung bình của một năm, bảo tàng cho biết điều đó có thể là nhờ sự đóng góp của các tấm thảm Ghibli.
Bảo tàng cũng có kế hoạch trưng bày những tấm thảm này ở Nhật Bản vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 sau khi đã nhận được thư giới thiệu từ Studio Ghibli.
kilala.vn
18/04/2023
Nguồn: Kyodo News
Đăng nhập tài khoản để bình luận