Núi lửa Suwanose phun trào, Nhật Bản nâng mức cảnh báo
Rạng sáng ngày 31/03, núi lửa tại đảo Suwanose nằm ở phía Nam – Tây Nam của tỉnh Kagoshima, Nhật Bản đã hoạt động trở lại. Mức cảnh báo núi lửa đã được nâng lên mức 3 của thang đo 5.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, sáng sớm Thứ Tư (31/03), núi lửa Otake ở đảo Suwanose, tỉnh Kagoshima đã tiếp tục phun trào lại vào lúc 2h57. Trước đó, núi lửa hoạt động vào ngày 30/03 lúc 22h05.
Nhiều tảng đá lớn bị văng ra gần 1km tính từ miệng núi lửa. Chính quyền địa phương chưa ghi nhận bất kỳ báo cáo thiệt hại nào do núi lửa gây ra. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng cảnh báo về khả năng các tảng đá lớn có thể văng ra xa 2km từ miệng núi lửa.
Vì núi lửa tiếp tục phun trào vào ngày 31/03 nên cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã nâng mức cảnh báo hoạt động của núi lửa Otake lên mức 3 trên thang đo 5. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người không nên đến gần miệng núi lửa.
Trước đó, năm 2020, cơ quan này cũng đã từng nâng mức cảnh báo núi lửa lên mức 3 vào ngày 28/12. Sau đó, vì không có bất kỳ thay đổi lớn nào trong dữ liệu hoạt động của núi lửa nên mức độ cảnh báo đã giảm xuống mức 2 vào ngày 14/1/2021.
Hòn đảo núi lửa Suwanosejima (諏訪之瀬島) nằm cách tỉnh Kagoshima về hướng Tây – Tây Nam khoảng 230km. Núi lửa Suwanose được xếp vào top núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới.
Dân số của đảo rất thấp, chỉ khoảng 48 người theo số liệu năm 2004 của Wikipedia. Tổng diện tích của đảo là 27,66 km2. Người dân tại đây chủ yếu sinh sống nhờ vào đánh bắt cá, nông nghiệp và du lịch theo mùa. Mặc dù trên đảo có sân bay nhưng không hoạt động thường xuyên. Để di chuyển ra đảo, phương tiện chủ yếu là đi phà từ đất liền và mất khoảng 9 tiếng.
Xem thêm Tại sao Nhật Bản lại gắn liền với hình ảnh sóng thần - núi lửa?.
kilala.vn
02/04/2021
Bài: Ngọc Oanh
Nguồn: Kyodo News
Ảnh bìa: gsj.jp
Đăng nhập tài khoản để bình luận