Nhật Bản tính phí lưu trú để duy trì chương trình thúc đẩy du lịch

    Việc áp thuế đối với khách lưu trú tại khách sạn đã lan rộng khắp Nhật Bản khi các khu du lịch nổi tiếng tìm cách lập quỹ dành cho việc quảng bá sau thời gian đóng cửa.

    Tokyo đang xem xét tăng thuế lần đầu kể từ khi trở thành khu vực tiên phong trong cả nước triển khai hệ thống này vào năm 2002. Hiện tại, các khách sạn ở Tokyo thu phí 100 yên một người mỗi đêm đối với các đợt lưu trú có giá từ 10.000 yên đến 15.000 yên (khoảng 1,7-2,5 triệu đồng); thu phí 200 yên mỗi đêm đối với các phòng trên 15.000 yên. 

    nhiều địa điểm du lịch ở nhật bản áp thuế lưu trú
    Ảnh: kashiwaya.org

    Khoản thuế thu được sẽ được dùng để chi trả cho các chi phí liên quan đến du lịch, bao gồm cả việc duy trì Wi-Fi công cộng miễn phí và vận hành các trung tâm thông tin du lịch.

    Số tiền thu được đã tăng kể từ năm 2011, đạt mức cao kỷ lục khoảng 2,7 tỷ yên trong năm tài khóa 2019, nhưng đã sụt giảm vào năm 2020, 2021 do các hạn chế đi lại và hệ thống phải tạm dừng trong thời gian diễn ra Olympic 2020 theo lệnh của chính quyền Tokyo.

    [subscribe]

    Với sự trở lại gần đây của khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2023 - lên khoảng 1,7 tỷ yên. Nhưng con số đó không đủ bù đắp chi phí xúc tiến du lịch của Tokyo trong cùng năm, được dự báo là khoảng 26,4 tỷ yên.

    Các tỉnh, thành phố được tự do thiết lập mức phí một cách độc lập, một số thành phố đã áp dụng mức phí cố định cao hơn Tokyo. Thành phố Kanazawa (tỉnh Ishikawa) và Kyoto yêu cầu khách phải trả phí cố định lần lượt là 500 yên và 1.000 yên mỗi đêm.

    "Tình hình thuế lưu trú đã thay đổi trong 20 năm qua, vì vậy chúng tôi cũng cần xem xét đánh giá công bằng", một đại diện của chính quyền Tokyo cho biết.

    Đã có hai tỉnh và sáu đô thị ở Nhật Bản làm theo Tokyo và đã áp dụng hệ thống này, trong khi những nơi khác, bao gồm thành phố Atami (tỉnh Shizuoka) và tỉnh Okinawa đang xem xét.

    Thị trấn Kutchan ở Hokkaido, nơi có khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nổi tiếng Niseko, là địa điểm duy nhất áp dụng thuế suất phần trăm dựa trên số tiền chi cho chỗ ở. Tổng cộng, thuế lưu trú được tính là 2% tiền phòng và tỷ lệ này cao hơn đối với các chỗ ở sang trọng, chẳng hạn như những căn hộ cao cấp trong khu vực có giá hơn 100.000 yên mỗi đêm.

    ngành du lịch nhật bản đang dần phục hồi trong năm 2023
    Ảnh: Japan Times

    Để áp dụng thuế lưu trú, địa phương sẽ phải đặt ra mức thuế, phương pháp thu và xác định các mục sẽ chi tiêu, đòi hỏi sự am hiểu và hợp tác của các khách sạn địa phương.

    Theo ông Kanekiyo Morita (55 tuổi), người đứng đầu Hiệp hội Khách sạn và Nhà nghỉ suối nước nóng ở thành phố Atami, có những lo ngại rằng việc áp thuế sẽ khiến du khách đến các địa điểm khác, nhưng thành phố cần kinh phí để thúc đẩy du lịch, vì nguồn thu từ thuế đang giảm trong bối cảnh dân số già đi và suy giảm.

    Xem thêm: Điều gì khiến du khách thấy bất tiện nhất khi du lịch Nhật Bản?

    kilala.vn

    29/07/2023

    Bài: Ciro
    Nguồn: Kyodo News

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!