Nhật Bản tiêu hủy gần 10 triệu con gà vì cúm gia cầm
Dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất Nhật Bản đã lan sang các trang trại ở 23 quận, khiến 10,08 triệu con gà bị tiêu hủy hoặc dự kiến bị tiêu hủy kể từ ngày 10/1/2023.
Trong cuộc họp khẩn cấp ngày 9/1 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản nhằm kiểm soát tình hình dịch cúm gia cầm, Bộ trưởng Tetsuro Nomura cho biết ông muốn ban bố tình trạng khẩn cấp.
Bộ trưởng kêu gọi những người chăn nuôi gia cầm trên toàn nước Nhật và chính quyền các tỉnh “thực hiện các biện pháp phòng ngừa tối đa” đối với dịch cúm.
Tại một trang trại gia cầm ở Kawaminami, tỉnh Miyazaki, vào sáng sớm ngày 10/1, các nhân viên đã tiến hành tiêu hủy khoảng 100.000 con gà mái đẻ trứng bị nghi ngờ mang mầm bệnh cúm gia cầm độc lực cao.
Đây là đợt bùng phát cúm gia cầm thứ 57 được báo cáo kể từ đầu mùa, bắt đầu từ mùa thu năm 2022 và kết thúc vào mùa xuân năm nay. Một ngày trước đó, nhân viên tại một trang trại gia cầm ở Shirosato, tỉnh Ibaraki, bắt đầu tiêu hủy khoảng 930.000 con gà.
Ibaraki là tỉnh dẫn đầu Nhật Bản về gà đẻ trứng. Theo một cuộc khảo sát của Bộ Nông nghiệp, tính đến tháng 2/2022, khoảng 15,3 triệu con gà mái đẻ trứng đang được nuôi cho mục đích thương mại trong tỉnh.
Hai đợt bùng phát cúm gia cầm khác đã được xác nhận tại Ibaraki, trong đó khoảng 1,12 triệu gia cầm đã bị tiêu hủy. Với việc tiêu hủy 930.000 con ở Shirosato, tổng số lượng gia cầm bị tiêu hủy sẽ vào khoảng 2,05 triệu con, chiếm khoảng 10% tổng số gà đẻ trứng ở tỉnh Ibaraki.
Tại tỉnh Aomori và Niigata, các trang trại lớn với hơn 1 triệu con gà đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Kỷ lục trước đây về dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất là từ mùa thu năm 2020 đến mùa xuân năm 2021, khi 52 ổ dịch được xác nhận tại 18 tỉnh và khoảng 9,87 triệu con gà bị tiêu hủy.
Các quan chức của Bộ tin rằng tỷ lệ lớn các loài chim di cư, chẳng hạn như vịt, đã bị nhiễm virus và mang mầm bệnh đến các khu vực trên khắp Nhật Bản.
Kể từ cuối năm 2022, Bộ đã thực hiện các biện pháp vệ sinh khẩn cấp, cả bên trong và bên ngoài chuồng gà, tại tất cả các trang trại gia cầm có ổ dịch ở 23 tỉnh.
Bộ cho biết trong một số trường hợp, một con chim sẻ hoặc một con chuột bị nhiễm virus đã xâm nhập vào chuồng qua lưới mắt cáo hoặc một lỗ trên tường.
Trong các trường hợp khác, Bộ cho biết trang trại đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như thay thế và vệ sinh quần áo, ủng của công nhân trang trại.
kilala.vn
11/01/2023
Bài: Happy
Nguồn: Asahi
Ảnh: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận