Nghề nấu rượu Sake được đề xuất vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO
Một hội đồng cố vấn của UNESCO đã đề xuất đưa kĩ thuật sản xuất rượu Sake bằng mốc koji của Nhật Bản vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, bà Abe Toshiko bày tỏ lòng biết ơn và hy vọng đề xuất này sẽ được ủy ban chấp nhận.
“Nấu rượu sake theo phương pháp truyền thống là di sản văn hóa quý giá của Nhật Bản, được phát triển bởi toji (杜氏 - thợ nấu rượu bậc thầy) và kurabito (蔵人 - công nhân nhà máy rượu) bằng cách sử dụng mốc koji, và được điều chỉnh thông qua kinh nghiệm để phù hợp với khí hậu, môi trường tự nhiên độc đáo của nhiều vùng trên khắp Nhật Bản”, bà Abe Toshiko cho biết.
Bài dự thi của Nhật Bản được ban cố vấn UNESCO công nhận là “video chất lượng cao, cung cấp hình ảnh trực quan chi tiết về các hoạt động văn hóa liên quan”.
Sake là một loại đồ uống có cồn truyền thống được chế biến từ gạo và nước, có ý nghĩa văn hóa sâu sắc đối với Nhật Bản. Trong quá trình nấu rượu Sake, mốc Koji được sử dụng để chuyển đổi tinh bột thành đường. Ban đầu, rượu Sake chỉ được nấu bởi phụ nữ nhưng theo thời gian và nhu cầu tăng lên, nam giới đã tham gia vào quá trình này.
Theo ban cố vấn của UNESCO, việc sản xuất rượu sake truyền thống thúc đẩy “mối quan hệ xã hội chặt chẽ và sự gắn kết giữa những người thợ thủ công và cộng đồng liên quan”. Mặt khác, nghề thủ công này cũng góp phần vào an ninh lương thực và tính bền vững của môi trường bằng cách “bảo vệ nguồn nước sạch và các loại ngũ cốc thiết yếu như gạo và lúa mạch”.
Đại diện phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi gọi đề xuất này là một sự kiện đáng mừng, đồng thời nói thêm rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất rượu Sake bằng cách “chia sẻ sự phong phú về lịch sử và văn hóa với mọi người trên toàn thế giới.”
Năm 2008, nghệ thuật kịch Kabuki, kịch Bunraku và kịch Nogaku là những Di sản Văn hóa Phi vật thể đầu tiên của Nhật Bản được UNESCO công nhận.
Kể từ đó, nhiều di sản văn hóa truyền thống khác của đất nước mặt trời mọc, chẳng hạn như điệu múa Ainu truyền thống và Washoku (ẩm thực Nhật Bản), cũng lần lượt được xếp vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO.
kilala.vn
Nguồn: Japan Times. Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận