Ngành khách sạn Nhật Bản vật lộn tìm kiếm nhân công

    Các khách sạn và nhà nghỉ trên khắp Nhật Bản đang thực hiện nhiều động thái khác nhau để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự, nhưng phần lớn họ đã tránh một giải pháp mà các chuyên gia cho rằng có thể giảm bớt vấn đề: cải thiện lương và phúc lợi lao động.

    Đại dịch COVID-19 đã tàn phá nặng nề ngành dịch vụ nhà hàng – khách sạn – du lịch xứ Phù Tang, nhiều lao động đã bỏ việc tại các khách sạn và những cơ sở lưu trú khác.

    ngành khách sạn nhật bản khủng hoảng nhân công

    Ngành khách sạn Nhật Bản gặp khủng hoảng nhân công sau đại dịch. Ảnh: Asahi

    Trong những tháng gần đây, số lượng du khách đã tăng lên sau khi các hạn chế nhập cảnh đối với khách nước ngoài đã được nới lỏng và chương trình trợ cấp du lịch của chính phủ Nhật Bản được nối lại. Tuy nhiên, số lượng nhân sự trong ngành vẫn không tăng trở lại.

    Nhà nghỉ Okawaso ở khu vực suối nước nóng Ashinomaki thuộc thành phố Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima đã trở thành chủ đề được quan tâm trên mạng xã hội vì sở hữu tiền sảnh có trần cao trông rất giống một địa điểm trong loạt anime đình đám “Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba”. Tuy nhiên nhà nghỉ hiện chỉ vận hành khoảng 70% trong số 110 phòng vì thiếu nhân viên. Mặc dù nhu cầu về phòng tăng cao nhưng chỉ một nửa sức chứa được lấp đầy.

    Giám đốc nhà nghỉ, ông Koji Watanabe cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện chính sách giới hạn số lượng khách nhưng tăng giá trung bình mỗi phòng bằng cách cải thiện dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng”.

    nhà nghỉ okawaso
    Tiền sảnh nhà nghỉ Okawaso ở tỉnh Fukushima. Ảnh: Asahi

    Đại dịch COVID-19 khiến lượng khách hàng theo nhóm giảm mạnh, chẳng hạn như nhóm người cao tuổi. Do đó, nhà nghỉ đã chuyển hướng nhắm đến các nhóm nhỏ hơn nhưng điều đó đồng nghĩa với việc phải cung cấp bữa ăn trong các phòng riêng biệt. Vì số lượng nhân công đã giảm 20 người so với trước đại dịch, nhà nghỉ buộc phải hạn chế đặt phòng.

    Theo thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản, các khách sạn và nhà nghỉ từ lâu đã phải vật lộn để thu hút và giữ chân người lao động vì mức lương trung bình thấp hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung mà người lao động nhận được.

    Tại thành phố Osaka, chủ một khách sạn thuộc khu vực giải trí sầm uất đôi khi sẽ thuê nhân viên lễ tân đồng thời hỗ trợ dọn phòng vì thiếu nhân viên. Khách sạn chỉ có thể vận hành khoảng 75% số phòng. Người này cho rằng, ngành lưu trú dường như là một ngành nghề không ổn định.

    số lượng nhân sự trong ngành khách sạn tại nhật không tăng sau đại dịch
    Số lượng nhân sự trong ngành khách sạn tại Nhật vẫn không tăng trở lại sau đại dịch. Ảnh: hospitalitynet.org

    Một khách sạn nghỉ dưỡng ở Kyoto đã giảm số lượng phòng có dịch vụ ăn tối tại phòng và chỉ cung cấp bữa sáng hoặc không có bữa ăn nào vì thiếu nhân công. Và thay vì cung cấp từng món một, toàn bộ bữa ăn được mang đến cho khách trong một lần.

    Theo Shintaro Nogata, giám đốc điều hành của Dive Inc., một công ty nhân sự, môi giới việc làm bán thời gian tại các khu nghỉ dưỡng cho rằng vấn đề thiếu hụt nhân công còn tồi tệ hơn trước. 

    “Người ta nói rằng khoảng 100.000 người đã rời bỏ ngành khách sạn do đại dịch và nhiều người không quay trở lại lĩnh vực này” – Nogata phát biểu. 

    Các khách sạn đang rất cần nhân viên đã nhờ Dive hỗ trợ, số lượng yêu cầu tăng khoảng 2,5 lần so với mức trước đại dịch.

    [subscribe]

    Từ tháng 7 năm 2022, chính quyền Yuzawa, thị trấn suối nước nóng nổi tiếng ở tỉnh Niigata đã vận hành một trang web việc làm cho phép các cá nhân đăng ký làm một ca hoặc chỉ làm việc vài giờ mỗi ngày.

    Khách sạn OMO 5 Kyoto Sanjo, một trong những khách sạn được điều hành bởi Hoshino Resorts có trụ sở tại Nagano đã sử dụng bát đĩa nhỏ và nhẹ hơn để có thể rửa và làm khô nhiều đĩa hơn cùng lúc trong máy rửa bát. Điều đó giúp giảm nhân công cần thiết để xử lý các công việc vào bữa sáng.

    Công nghệ kỹ thuật số cũng đã được áp dụng để vận hành các khách sạn với ít nhân viên hơn, chẳng hạn như số hóa quy trình nhận phòng và tự động quản lý đặt phòng.

    áp dụng công nghệ trong ngành khách sạn
    Công nghệ được áp dụng trong lĩnh vực khách sạn để thích ứng với tình trạng khan hiếm nhân viên. Ảnh: ucf.edu

    Dẫu vậy, nguyên nhân dẫn đến những tác động tiêu cực như hiện nay trong lĩnh vực khách sạn đã được Mitsuo Fujiyama – nhà nghiên cấp cao tại Japan Research Institute Ltd. chỉ ra, đó là việc không thể giải quyết các vấn đề cơ cấu của ngành, chẳng hạn như lương thấp. Theo Fujiyama, cần phải cải thiện lương, cải cách điều kiện làm việc và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số. 

    kilala.vn

    22/03/2023

    Bài: Happy
    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!