“Kì lân” Sakana AI ra mắt công cụ tạo tranh Ukiyo-e
Những bức tranh do AI tạo ra mô phỏng phong cách hội họa Ukiyo-e (浮世絵) nhưng mang hơi thở của thế kỉ 21 đầy thú vị.
Ngày 22 tháng 7 vừa qua, công ty này đã công bố hệ thống Evo-Ukiyoe được phát triển bởi Tarin Clanuwat - kĩ sư công nghệ thông tin và học giả nghiên cứu văn học cổ điển Nhật Bản, người gia nhập Sakana AI vào tháng 4 năm nay.
Evo-Ukiyoe được “đào tạo” qua 24.038 bản in ukiyo-e chất lượng cao do trung tâm nghiên cứu nghệ thuật của Đại học Ritsumeikan cung cấp. Nhờ đó, có thể tạo ra các bức ảnh theo phong cách ukiyo-e từ các hướng dẫn bằng văn bản.
Mô hình này hiện được phân phối độc quyền cho các bên sử dụng vì mục đích giáo dục, nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể dùng thử miễn phí trên trang web demo của Sakana AI.
Theo Clanuwat, hiện vẫn còn một số thách thức vì Evo-Ukiyoe đôi khi vẫn mô tả đàn ông mặc kimono của phụ nữ. "Mô hình AI vẫn chưa hiểu đầy đủ cách minh họa kimono và kiểu tóc. Việc vẽ người rất khó".
Thông qua sức mạnh AI, Clanuwat hi vọng có thể đưa con người hiện đại đến gần hơn với các tác phẩm kinh điển. “Nhật Bản là nơi lưu giữ hàng trăm triệu tác phẩm kinh điển được bảo quản cẩn thận. Sẽ thật lãng phí nếu không sử dụng chúng”, cô chia sẻ.
Giáo sư văn học Ryo Akama, người cung cấp dữ liệu hình ảnh Ukiyo-e, có đánh giá tích cực về Evo-Ukiyoe. Ông cho biết: “Đây có thể là một công cụ giáo dục tuyệt vời giúp hiểu sâu hơn về sự lôi cuốn của các tác phẩm của Utagawa Hiroshige*”.
*Utagawa Hiroshige (1797-1858): một trong những họa sĩ tiêu biểu nhất và được xem là bậc thầy vĩ đại cuối cùng của dòng tranh Ukiyo-e.
kilala.vn
Nguồn: Asahi, Maginative
Đăng nhập tài khoản để bình luận