Khách sạn Nhật kiện khách hàng vì luộc cua bằng bình đun siêu tốc

    Số tiền phía khách sạn yêu cầu bồi thường là 40.000 yên (hơn 7 triệu đồng) cho những hậu quả mà việc làm của khách hàng này gây ra.

    Theo trang web về tin tức pháp lý Bengoshi Dot Com, khách sạn giấu tên đã kiện một vị khách và yêu cầu bồi thường vì người này đã vài lần sử dụng ấm đun siêu tốc trong phòng khách sạn để luộc cua trong thời gian lưu trú.

    Khách sạn cho biết đồ ăn đã ám mùi trong phòng mặc dù họ đã thử mọi cách để xử lý. Điều này khiến họ không thể cho thuê căn phòng trên trong nhiều ngày, gây thiệt hại về kinh tế. 

    cua

    Tuy vậy, vị khách cho biết khách sạn không thể chứng minh rằng căn phòng đó có thực sự bị bỏ trống hay vẫn tiếp tục được cho thuê. Vì thế khách sạn đã đồng ý giảm phí yêu cầu bồi thường từ 40.000 yên xuống còn 22.000 yên (gần 4 triệu đồng), bao gồm 17.000 yên (khoảng 3 triệu đồng) cho việc khử mùi phòng và 5.000 yên (khoảng 890.000 đồng) cho việc mua bình đun nước mới.

    Nhưng vị khách vẫn không hài lòng với việc phải thanh toán bất kỳ khoản bồi thường nào, cho rằng máy lọc không khí đã được bật trong khi nấu ăn và không có văn bản nào quy định về việc cấm luộc cua trong ấm đun nước.

    [subscribe]

    Về trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này, Bengoshi Dot Com đã nhờ đến ý kiến của một luật sư và người này giải thích rằng vị khách trên phải hoàn toàn chi trả cho mọi thiệt hại từ việc luộc cua. Thứ nhất, khi thuê phòng, khách sạn và khách ký một hợp đồng bắt buộc khách không được thực hiện các hành vi có thể gây nên việc hư hại phòng và đồ dùng bên trong.

    khách sạn

    Việc luộc cua đã khiến căn phòng bị ám mùi, khó để xử lý. Ảnh: istock

    Hơn nữa, công dụng chính của bình đun là để làm nóng nước dùng pha trà hoặc cà phê. Vì vậy, bất kỳ ai sử dụng ấm đun nước cho bất kỳ mục đích bất thường nào, chẳng hạn như làm sạch đồ lót hoặc luộc động vật còn sống, sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại phát sinh đối với tài sản của khách sạn.

    Không biết kết quả của vụ kiện giữa khách sạn và vị khách kia ra sao, nhưng “tòa án dư luận” dường như cũng đứng về phía khách sạn. 

     “Tôi rất sợ khi biết ngoài kia có người làm những việc như thế này.”

    “Làm điều gì trái với quy định bởi chưa ai cấm việc đó, là logic điển hình của những kẻ ngốc”.

    “Không có điều khoản cấm vẽ lên tường, nhưng bạn vẫn không nên làm điều đó. Việc luộc cua trong bình đun nước cũng tương tự như vậy.”

    “Tôi thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến việc cho bất cứ thứ gì khác ngoài nước vào ấm đun nước.”

    "Không phải một phần của việc đi nghỉ và ở trong khách sạn là để người khác nấu bữa ăn cho bạn sao?"

    "Tôi nghe nói một số người sử dụng những chiếc ấm này để giặt đồ lót, vì vậy tôi sẽ không sử dụng nó."

    bình đun siêu tốc

    Chức năng của bình đun chỉ để nấu nước lọc, không dùng để nấu các món ăn khác. 

    Không chỉ tại Nhật, mà ở Việt Nam, có một thời gian nhiều người sử dụng bình đun nước siêu tốc ở nhà để nấu lẩu. Chức năng chính của bình là để nấu nước, chính vì thế các nhà sản xuất chỉ sử dụng những vật liệu và thành phần cấu tạo phù hợp với cách dùng này. Theo nhận định của chuyên gia, việc làm này là không nên vì ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

    • Nguy cơ vỡ bình, chập điện: Cơ chế hoạt động của bình đun là khi nước sôi đến nhiệt độ nhất định, điện sẽ tự ngắt với điều kiện là nắp bình phải được đậy. Nhưng việc mở nắp sẽ khiến bình luôn phải đun sôi, gây nên sự quá tải cho bình. Đồng thời, nước bên trong bắn ra ngoài sẽ dễ gây ra chập điện.
    • Không an toàn vệ sinh thực phẩm: Nếu không làm sạch bên trong bình thì cặn đồ ăn sẽ bám lại, theo thời gian chúng sẽ sản sinh ra những loại vi khuẩn có hại cho cơ thể con người.

    Vì thế, để đảm bảo an toàn, chúng ta hãy sử dụng đồ dùng đúng với vai trò và chức năng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

    kilala.vn

    06/05/2022

    Nguồn: Japan Today

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!