Giống tuyết tùng được kỳ vọng giải quyết nạn dị ứng phấn hoa

    Khi bước vào mùa phấn hoa cao điểm, cuộc chiến chống dị ứng phấn hoa tuyết tùng ngày càng trở nên gay gắt. Trong nỗ lực chống lại "căn bệnh mùa xuân", tỉnh Toyama đang đẩy mạnh việc nhân giống và thay thế những cây tuyết tùng hiện có bằng loại cây không tạo phấn.

    Bác sĩ Yoneyuki Ito tại Phòng khám Tai Mũi Họng Miyauchi, tỉnh Toyama cho biết, số lượng bệnh nhân dị ứng phấn hoa tuyết tùng đang tăng cao, với khoảng 70% trong số đó đồng thời dị ứng với phấn hoa cây bách. 

    Hệ miễn dịch đóng vai trò bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân nguy hiểm như virus, vi khuẩn và nấm mốc… để phòng bệnh. Ở những người bị dị ứng phấn hoa, hệ miễn dịch nhận diện các hạt phấn vô hại như một kẻ xâm nhập nguy hiểm và bắt đầu sản xuất các chất để chống lại chúng. Chính chất này là nguyên nhân dây ra các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa rát họng, chảy nước mắt, ho và khó thở.

    kafunsho
    Tuyết tùng - thủ phạm chính gây ra dị ứng phấn hoa ở Nhật. Ảnh: The Japan Times

    Một người bị dị ứng phấn hoa lâu năm ở độ tuổi 40 ví tình trạng này tương tự như ô nhiễm, ảnh hưởng đến mắt, cổ họng, tai và da. Một bệnh nhân mới bị dị ứng ở độ tuổi 20 bày tỏ mong muốn có các biện pháp để ngăn chặn sự phát tán của phấn hoa trong không khí.

    Trước tình trạng dị ứng xảy ra mỗi mùa xuân, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đặt mục tiêu giảm một nửa lượng phấn hoa tuyết tùng vào năm 2050, trong đó bao gồm việc giảm 20% diện tích rừng tuyết tùng nhân tạo trong 10 năm tới. Mục tiêu này cũng bao gồm việc thúc đẩy trồng thay thế bằng các giống cây ít tạo phấn hoa.

    di-ung-phan-hoa
    Dị ứng phấn hoa ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Ảnh: Mie Info

    Dẫn đầu trong nỗ lực này là tỉnh Toyama, hiện đang nhân giống hàng loạt cây tuyết tùng không tạo phấn thông qua công nghệ giâm cành. Toyama là địa phương duy nhất nhân giống tất cả các cây tuyết tùng mới không tạo phấn.

    Vào năm 1992, giống tuyết tùng không phấn hoa đã được phát hiện tại một ngôi đền trong tỉnh. Quá trình đi từ khám phá đến khi thành công thương mại hóa giống cây này mất khoảng 20 năm.

    Trong 12 năm qua, tỉnh Toyama đã và đang thay thế các cây tuyết tùng tạo phấn bằng các giống không tạo phấn, nhưng cho đến nay mới chỉ có khoảng 1% diện tích rừng tuyết tùng đã được chuyển đổi. 

    tuyet-tung
    Một cây tuyết tùng không phấn hoa do tỉnh Toyama nhân giống được trồng trong Công viên Hibiya, Tokyo. Ảnh: shinrinbunka.com

    Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đạt 90% cây giống là loại tuyết tùng có ít phấn hoa trong vòng 10 năm, nhưng hiện tại chỉ có 50% cây giống là đáp ứng tiêu chí này, lý do là phương pháp sản xuất bằng hạt giống truyền thống tạo ra đến 50% cây giống mang phấn hoa. 

    Tuy nhiên, công nghệ giâm cành mà tỉnh Toyama đang áp dụng cho phép hiệu quả sản xuất cây giống không phấn hoa đạt 100%. 

    Bên cạnh đó, cây con gieo bằng hạt phải mất ba năm để đạt kích cỡ có thể bán được trên thị trường, trong khi cành giâm có thể được bán dưới dạng cây con chỉ trong vòng một năm.

    Với việc chuyển sang công nghệ giâm cành, tỉnh Toyama đang đặt mục tiêu tăng sản lượng từ 100.000 lên hơn 200.000 cây giống tuyết tùng không phấn hoa mỗi năm.

    kilala.vn

    Nguồn: ANN News

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!