Giới trẻ Nhật ngày càng cô đơn theo khảo sát của Chính phủ

    Theo một khảo sát mới nhất của Chính phủ Nhật công bố vào đầu tháng 4, gần 40% người  Nhật cảm thấy cô đơn và bị cô lập do đại dịch COVID-19. Kết quả cũng chứng minh việc hạn chế giao tiếp xã hội trong đại dịch tác động mạnh mẽ đến thế hệ trẻ hơn người lớn tuổi.

    Cuộc khảo sát được thực hiện với 20.000 người từ 16 tuổi trở lên trên phạm vi toàn quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 01/2022, trước khi làn sóng COVID thứ 6 với biến chủng Omicron đổ ập vào Nhật Bản làm tăng đột biến số ca nhiễm.

    Khi được hỏi liệu họ có cô đơn, 4,5% người được khảo sát trả lời “thường xuyên”, 14,5% trả lời “thỉnh thoảng” và 17,4% cho biết họ "đôi khi" cũng cảm thấy vậy. Tổng cộng, có 36,4% số người được hỏi đã từng trải qua cảm giác cô đơn trong đại dịch ở các mức độ khác nhau.

    người trẻ nhật ngày càng cô đơn vì đại dịch
    Theo khảo sát mới nhất của Chính phủ, gần 40% người Nhật cảm thấy cô đơn vì đại dịch COVID-19. Ảnh: The Japan Times 

    Trong một câu hỏi được chọn nhiều đáp án, nhiều người cho biết sự cô đơn của họ xuất phát từ việc sống một mình hoặc người thân qua đời. Một số lý do khác cũng được đề cập như cảm thấy sức khỏe ốm yếu, bắt đầu học ở một ngôi trường mới hay công việc mới. 

    Xét về nhóm tuổi của những người thường cảm thấy cô độc, độ tuổi 30 chiếm tỷ lệ cao nhất với 7,9%, theo sau là độ tuổi 20 với 7,7%. Nhóm tuổi có tỷ lệ thấp nhất là 70 với 1,8%.

    Khi được hỏi về tần suất gặp gỡ bạn bè hoặc người thân hiện không sống cùng, 15,2% trả lời là ít hơn 1 lần/tháng, trong khi đó 11,2% cho biết họ không gặp gỡ bất kỳ ai bên ngoài. 

    người trẻ nhật cô đơn
    Thất nghiệp, ít gặp gỡ người thân, bạn bè, hay phải bắt đầu học tập, làm việc ở môi trường mới khiến nhiều người trẻ Nhật rơi vào cô đơn. Ảnh: The Japan Times 

    Đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật tiến hành cuộc khảo sát này trên quy mô toàn quốc, bởi đại dịch dường như ngày càng tác động sâu sắc đến nhiều vấn nạn “nổi cộm” trong xã hội Nhật như tự sát và bạo lực gia đình.

    Theo Bộ Y tế và Phúc lợi, số vụ tự tử trong năm 2021 tại Nhật là 20.830; con số này thấp hơn 251 vụ so với năm 2020 và cao hơn 661 vụ so với năm 2019, khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát.

    Thêm vào đó, các biện pháp hạn chế lây nhiễm COVID-19 chẳng hạn như ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc bán khẩn cấp làm cho nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, đẩy họ vào thế bí, tạo áp lực, căng thẳng cho nền kinh tế. Mọi người cũng được yêu cầu hạn chế ra ngoài khi không cần thiết hoặc không đi du lịch. 

    Kết quả khảo sát cũng tiết lộ trong số những người trả lời thường xuyên cảm thấy cô đơn, thu nhập càng giảm thì mức độ cô đơn của họ lại càng tăng và có khoảng 12,5% người nói rằng mình đang thất nghiệp. 

    số ca tự tử ở nhật tăng cao vì dịch covid-19
    Số vụ tự tử ở Nhật tăng cao vì nhiều người thất nghiệp, giảm thu nhập do tác động của dịch COVID-19. Ảnh: Daily Motion 

    Hiện tại, Nhật Bản không còn áp dụng bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào, cũng như đã dỡ bỏ tình trạng bán khẩn cấp tại 18 tỉnh thành vào cuối tháng 3, trong bối cảnh các ca nhiễm mới có xu hướng giảm. 

    Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Chính phủ đưa ra cảnh báo rằng đại dịch có dấu hiệu bùng phát trở lại. Nhiều chuyên gia y tế cũng khuyến cáo nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh làn sóng dịch thứ 7. 

    Trong khi tỷ lệ tiêm mũi bổ sung đặc biệt thấp giữa những người trẻ, Thủ tướng Fumio Kishida đã gặp mặt Shigeru Omi, cố vấn hàng đầu về COVID-19 để thúc đẩy việc tiêm bổ sung COVID-19. 

    [subscribe]

    Nhằm thúc đẩy người trẻ Nhật tiêm mũi 3, Chính phủ Nhật cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi như giảm giá 20% hoặc tặng vé sự kiện hòa nhạc, trò chơi thể thao có giá lên đến 2.000 yên. 

    Theo dữ liệu mới nhất do Chính phủ ghi nhận, trong khi 84% người ở độ tuổi 65 hoặc lớn hơn đã được tiêm mũi bổ sung, thì tỉ lệ này chỉ rơi vào khoảng 44% trên tổng dân số Nhật Bản. 

    kilala.vn

    26/04/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!