Giáo sư Nhật nhận Ig Nobel 2024 cho nghiên cứu thở bằng hậu môn
Đây là năm thứ 18 liên tiếp, một phát minh của Nhật Bản nhận được giải “Nobel ngược đời”. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản một lần nữa chứng minh khả năng kỳ lạ của họ trong việc tìm ra các giải pháp độc đáo.
Trong lễ trao giải được tổ chức vào ngày 12/09/2024, nằm trong số những cái tên được vinh danh là nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Takebe Takanori, Giáo sư tại Đại học Y & Nha khoa Tokyo và Đại học Osaka.
Sau một loạt thử nghiệm trên chuột bạch, chuột cống và lợn, nhóm nghiên cứu phát hiện những loài động vật trên có thể hấp thụ oxy được đưa qua trực tràng. Công trình này là cơ sở cho một thử nghiệm lâm sàng nhằm xem xét liệu điều này có thể giúp ích cho điều trị suy hô hấp hay không.
Giáo sư Takebe cho biết nghiên cứu đoạt giải của ông được lấy cảm hứng từ khả năng thở của cá chạch, một loài cá thường thấy ở vùng nông thôn Nhật Bản. Ông cho biết cá chạch có thể hấp thụ oxy qua ruột sau để tồn tại trong môi trường thiếu oxy. Vậy "Tại sao chúng ta lại không?" - ông đặt câu hỏi.
Sau đó, Takebe và nhóm của mình đã tiến hành thí nghiệm trên những cá thể chuột và lợn gặp khó khăn khi thở bằng phổi. Ông cho biết nồng độ oxy trong máu của chúng tăng lên đáng kể sau khi chất lỏng giàu oxy được đưa vào trực tràng qua hậu môn. Ông cũng nhận thấy tình trạng của những con lợn bị suy hô hấp đã được cải thiện.
Takebe cho biết: "Ý tưởng này lúc đầu có thể khiến mọi người bật cười. Nhưng nó có thể khiến họ dừng lại và suy nghĩ, sau đó thảo luận về các vấn đề kỹ thuật và nhận ra rằng khoa học có thể làm được rất nhiều điều."
Người đàn ông 37 tuổi này lạc quan rằng nghiên cứu giành giải Ig Nobel của mình cũng sẽ có ứng dụng thực tế. Lần đầu tiên được công bố vào năm 2021 trong đại dịch COVID-19, Giáo sư Takebe háo hức muốn xem liệu phát hiện này có thể được sử dụng để điều trị suy hô hấp thay thế cho máy thở hay không.
Takebe đã thành lập một công ty liên doanh và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng về tính an toàn của phương pháp.
"Tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn khi nghe tin chúng tôi giành giải Ig Nobel, nhưng sau đó tôi cảm thấy xúc động bởi triết lý 'cười và suy nghĩ' của giải thưởng", ông chia sẻ.
"Tôi luôn cố gắng suy nghĩ khác biệt vì một khám phá thay đổi thế giới luôn đến từ một ý tưởng độc đáo. Điều quan trọng là phải có một môi trường nơi mọi người có thể thách thức những điều mà người khác có thể coi là trò đùa."
Nếu thành công, đây có thể là phương pháp “cứu cánh” để cung cấp oxy cho những người mắc các vấn đề như viêm phổi hoặc trẻ sơ sinh mắc vấn đề về hô hấp. Cho đến nay, máy thở đã được sử dụng trong những trường hợp như vậy, nhưng COVID-19 đã khiến chúng ta nhận ra rằng các phương án thay thế rất cần thiết trong những trường hợp lan rộng như đại dịch, khi không có đủ máy thở.
Nghiên cứu này tiềm năng đến nỗi nhiều độc giả đặt câu hỏi liệu Tiến sĩ Takebe có nên được đề cử giải Nobel thông thường thay vì giải Ig Nobel.
Xem thêm: Phát minh đũa điện giúp thức ăn ngon hơn nhận Ig Nobel
kilala.vn
Nguồn: NHK, Sora News
Đăng nhập tài khoản để bình luận