Điệu múa dân gian Nhật Bản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể

    Hôm thứ Tư 30/11/2022, "風流踊 – Furyu Odori", tập hợp các điệu múa dân gian truyền thống của Nhật Bản đã được phê duyệt để bổ sung vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

    Furyu Odori là nghệ thuật biểu diễn dân gian được lưu truyền dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo lịch sử và khí hậu từng vùng, bao gồm các điệu múa kỷ niệm Lễ hội Obon (お盆), các lễ hội thường niên, Nenbutsu Odori (念仏踊り). Nghệ thuật biểu diễn này được lưu truyền qua nhiều thế hệ khắp các khu vực, được các cộng đồng biểu diễn để tưởng nhớ tổ tiên, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu mong sự che chở khỏi thiên tai.

    furyu odori
    Điệu múa Nishimonai Bon Odori ở thị trấn Ugo, tỉnh Akita. Ảnh: tohokukanto.jp

    “Furyu Odori” được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO bao gồm 41 điệu múa truyền thống ở 24 tỉnh trong tổng số 47 tỉnh của Nhật Bản, các điệu múa đều có trang phục và đạo cụ rực rỡ đầy sắc màu, biểu diễn cùng các nhạc cụ như sáo và trống.

    Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ngài Hayashi Yoshimasa bày tỏ hy vọng rằng việc bổ sung “Furyu Odori” vào danh sách di sản của UNESCO sẽ thu hút sự chú ý của công chúng đến những nét hấp dẫn của từng địa phương và Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để lan tỏa những giá trị văn hóa tuyệt vời này ra thế giới.

    bộ trưởng ngoại giao nhật bản
    Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực để lan tỏa giá trị văn hóa của các địa phương ra thế giới. Ảnh: Nippon

    Tập hợp các điệu múa “Furyu Odori” trước đó đã được hội đồng đánh giá đề xuất cho Ủy ban liên chính phủ của UNESCO để khuyến khích đối thoại và trao đổi khu vực, đồng thời biểu thị sự đa dạng văn hóa.

    Trước di sản “Furyu Odori”, nghệ thuật biểu diễn Noh và Kabuki, kỹ thuật kiến trúc gỗ truyền thống là những di sản của Nhật Bản đã được phê duyệt vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

    Kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hiện đang diễn ra tại thủ đô Rabat (Maroc) từ ngày 28/11 - 3/12/2022. Tại phiên họp ngày 29/11, "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam" cũng đã chính thức được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

    Xem thêm: Shachihoko và điệu múa truyền thống ở Nagoya

    kilala.vn

    01/12/2022

    Bài: Happy
    Nguồn: Kyodo News

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!