Cụ bà lấy bằng tiến sĩ nhờ bức tranh Bách quỷ dạ hành

    Một cụ bà 73 tuổi ở thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) đã nhận được bằng tiến sĩ nhờ luận văn nghiên cứu với chủ đề văn hóa dân gian về truyền thuyết Bách quỷ dạ hành nổi tiếng của Nhật Bản.

    Bà Misako Nagura đã bắt đầu cuộc sống sinh viên đại học của mình khi đã ngũ tuần tại Đại học tỉnh Aichi, với chuyên ngành Văn học. Vào tháng 9 vừa rồi, bà đã lấy được bằng tiến sĩ nhờ công trình nghiên cứu tập trung vào cuộn tranh mô tả truyền thuyết Bách quỷ dạ hành ở tuổi 73.

    Bách quỷ dạ hành là một truyền thuyết kể về cuộc diễu hành lúc nửa đêm của của 100 loài yêu ma quỷ quái. Một trong những câu chuyện nổi tiếng trong văn hóa dân gian Nhật Bản, nhưng nguồn gốc và ý nghĩ của nó vẫn còn là một chủ đề tranh luận trong giới học thuật.

    Bà Nagura lần đầu tiên đặt nghi vấn về vấn đề này trong luận văn đại học của mình. Bà tốt nghiệp đại học năm 2006, đến năm 2009 bà đã học lên cao học để tiếp tục những nghiên cứu của mình. Bà chia sẻ: "Trường đại học đã dạy tôi niềm vui khi được học tập suốt đời. Trong nghiên cứu này có một số phần tôi vẫn chưa công bố và tôi muốn viết một bài luận khác về nó."

    Bà Nagura đã phải từ bỏ việc học lên đại học vì một căn bệnh mắc phải khi đang học trung học. Bà đã làm việc tại một trường giữ trẻ, sau đó thì làm trong một xưởng đồ gỗ. Vào năm 53 tuổi, bà đã quyết định thử thách bản thân sau khi nghe tin trường đại học có kỳ thi tuyển sinh dành cho người trưởng thành. Bà Nagura tâm sự, cơ hội này đã làm sống lại những khao khát trong bà về một cuộc sống đại học. Khi đi học, bà cũng quên mất tuổi tác của mình và rất thích trò chuyện với những người trẻ ở trường đại học.

    cụ bà lấy bằng tiến sĩ nhờ bức tranh Bách quỷ dạ hành
    Bà Misako Nagura nhận bằng tại trường đại học tỉnh Aichi. (Ảnh: Kyodo News)

    Bà Nagura cho biết, bà đã bắt gặp những cuộn tranh về Bách quỷ dạ hành trong một tiết học vào năm ba. Trong số rất nhiều ví dụ về những cuộn tranh như vậy, thì bà đã bị thu hút bởi một cuộn tranh được cho là do họa sĩ Tosa Mitsunobu vẽ trong Thời kỳ Muromachi. Cuộn tranh này được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia.

    Bà Nagura cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu vì chỉ có rất ít nghiên cứu được thực hiện trước đó, tuy nhiên bà cũng phát hiện ra sự tương đồng giữa cuộc diễu hành với việc tụng kinh và múa trong Phật giáo truyền thống. Trong luận văn của mình, bà đã bàn về khả năng Bách quỷ dạ hành được lấy cảm hứng từ các đám rước trong Phật giáo.

    Bà thậm chí đã đi du lịch nước ngoài để trình bày những phát hiện của mình. Trong một lần thuyết trình tại một trường đại học ở Brazil năm 2016, bà đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, bà nói đùa: "Nhờ vào Pokemon mà họ đã có hứng thú với quái vật Nhật Bản".

    Sau khi hoàn thành các tín chỉ và rời trường học vào năm 2017, bà Nagura vẫn tiếp tục nghiên cứu bài luận văn của mình ở nhà. Có những hôm gia đình bà đã đi ngủ mà bà vẫn miệt mài với công việc của mình. Bà Nagura đã hoàn thành luận án của mình trong năm 2020.

    Bà Rei Kufukihara, hiệu trưởng của trường đại học đồng thời là người hướng dẫn của bà Nagura đã dành nhiều lời khen ngợi cho thành quả của bà. Hiệu trưởng chia sẻ, để nghiên cứu một đề tài mà không có đầy đủ văn bản gốc là điều không thể, nhưng bà Nagura có đủ đam mê để làm điều đó.

    Cụ bà lấy bằng tiến sĩ nhờ bức tranh Bách quỷ dạ hành
    Bà Misako Nagura (trái) và bà Rei Kufukihara, hiệu trưởng trường đại học tỉnh Aichi khiên giảng viên hướng dẫn của bà, trong buổi trao bằng được tổ chức ngày 30/9/2020. (Ảnh: Kyodo News)

    kilala.vn

    30/11/2020

    Nguồn: Kyodo News

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!