Chiếc đèn chùm làm từ 28.000 quả trứng tại Osaka Expo 2025
Tại Osaka Expo 2025, Earth Mart khiến du khách thích thú với chiếc đèn chùm khổng lồ được làm từ 28.000 quả trứng cùng thông điệp ý nghĩa ẩn sau tác phẩm.
Nổi bật trong số đó là gian hàng của Earth Mart, nơi trưng bày một chiếc đèn chùm khổng lồ làm từ 28.000 quả trứng. Tọa lạc trong khu Green World của Expo, Earth Mart mang đến một góc nhìn mới song song với việc đánh giá lại thực trạng về thực phẩm hiện nay. Đến với gian hàng, khách tham quan sẽ được khám phá cách chúng ta ăn uống thông qua những triển lãm tương tác và các tác phẩm nghệ thuật.

Theo đó, con số 28.000 là số lượng trứng trung bình mà một người Nhật tiêu thụ trong 84 năm (tuổi thọ trung bình của người Nhật). Được biết, toàn bộ chùm đèn được tạo thành từ vỏ trứng, không sử dụng trứng nguyên quả nhằm tránh lãng phí thực phẩm. Theo chia sẻ từ ban tổ chức, nếu toàn bộ chùm đèn đều dùng trứng thật, chi phí thực hiện tác phẩm có thể lên đến hàng tỷ yên.
Ngay bên dưới chùm đèn là một hình ảnh mô phỏng kích thước thật của một quả trứng ốp la nếu nó được tạo ra từ 28.000 quả trứng.
Không gian của Earth Mart mang dáng dấp của một ngôi nhà tranh truyền thống, tạo cảm giác gần gũi, mộc mạc, đối lập hoàn toàn với các gian hàng khác mang chủ đề công nghệ cao tại Osaka Expo 2025. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Kengo Kuma, một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất Nhật Bản – người từng thiết kế sân vận động quốc gia Tokyo cho Olympic 2020, gian hàng của Earth Mart tượng trưng cho vòng tuần hoàn kết nối con người với thiên nhiên.
Ý tưởng của Earth Mart được khởi xướng bởi Kundo Koyama, biên kịch kiêm nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng, người đứng sau thành công của bộ phim “Okuribito - Người Tiễn Đưa” từng đoạt giải Oscar năm 2009. Tại buổi họp báo diễn ra trước thềm Expo, Koyama giải thích rằng triển lãm mô phỏng này nhằm giúp khách tham quan nhìn nhận lại những thực phẩm mà chúng ta đã tiêu thụ, đồng thời giới thiệu nhiều công nghệ thực phẩm mới.
"Một con người tiêu thụ bao nhiêu sự sống trong suốt cuộc đời mình?", ông đặt câu hỏi, khiến người xem phải cân nhắc cách chúng ta ăn hôm nay - và nên ăn thế nào trong tương lai.

Dưới chùm đèn trứng khổng lồ, Koyama kết thúc bài phát biểu: "Tôi hy vọng mọi người sẽ thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc của câu itadakimasu" - câu nói quen thuộc của người Nhật trước mỗi bữa ăn, nghĩa là "tôi khiêm nhường đón nhận".
Xem thêm: Vì sao người Nhật nói lời cảm ơn trước và sau bữa ăn?
kilala.vn
Nguồn: Live Japan
Đăng nhập tài khoản để bình luận