NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Điểm danh những tác phẩm điện ảnh xứ Phù Tang từng “ẵm” tượng vàng Oscar

    Bạn có biết trong lịch sử Oscar – giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực điện ảnh, Nhật Bản được xem là “ông trùm” của châu Á, dẫn đầu khu vực về số lượng đề cử và chiến thắng ở hạng mục Phim truyện quốc tế hay nhất (Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, tên gọi trước năm 2020)?

    Ngày 11/3 tới đây (tính theo giờ Việt Nam) sẽ diễn ra lễ trao giải Oscar lần thứ 96. Có lẽ, những tín đồ điện ảnh đều đang hồi hộp hướng về sự kiện điện ảnh được trông đợi nhất thế giới này và chờ xem những tác phẩm, cá nhân nào sẽ được tôn vinh.
    oscar-2024
    Perfect Days và The Boy and the Heron - hai tác phẩm của Nhật nhận được đề cử.

    Giới chuyên gia nhận định Oscar 2024 là cuộc đua cân tài cân sức với những tác phẩm đậm chất nghệ thuật. Trong đó, điện ảnh Nhật Bản vinh dự có hai tác phẩm được đề cử. Đó là The Boy and the Heron (Thiếu niên và chim diệc) của đạo diễn Hayao Miyazaki đến từ Studio Ghibli, được đề cử tại hạng mục Phim hoạt hình hay nhất và Perfect Days do Wim Wenders đạo diễn, đồng viết kịch bản với Takuma Takasaki tại hạng mục Phim truyện quốc tế hay nhất.

    Đây đều là hai tác phẩm xuất sắc, đậm tính nhân văn và chất điện ảnh “Nhật”. Hai bộ phim đều được các chuyên gia đánh giá cao và nhận định là “ứng viên nặng ký” có khả năng thắng giải rất lớn. 

    Trong quá khứ, điện ảnh xứ Phù Tang cũng từng có nhiều tác phẩm được đề cử và đoạt tượng vàng Oscar. Dưới đây là 7 kiệt tác đã đem vinh quang về cho đất nước mặt trời mọc, hãy cùng Kilala khám phá nha!

    Rashomon 

    Nhắc đến những tác phẩm điện ảnh huyền thoại của thế giới thì không thể thiếu Rashomon của đạo diễn Kurosawa Akira. Bộ phim đã giành được hai giải thưởng danh giá là Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venezia và Oscar danh dự (tương đương giải Oscar cho Phim truyện quốc tế hay nhất) vào hồi đầu thập niên 50.

    rashomon
    Ảnh: IMDb

    Nội dung phim được Kurosawa Akira cùng Hashimoto Shinobu viết dựa trên truyện ngắn Yabu no naka (Trong rừng trúc) của nhà văn Akutagawa Ryunosuke, xoay quanh một vụ án giết người, cưỡng bức được kể thông qua góc nhìn của nhiều nhân vật khác nhau. 

    Rashomon thể hiện rõ phong cách làm phim của Kurosawa Akira với việc sử dụng khuôn hình, ánh sáng đặc tả diễn biến tâm lý của nhân vật, cùng sự độc đáo trong cách xây dựng cốt truyện đã tạo nên bước đột phá trong điện ảnh lúc bấy giờ. Rashomon trở thành một kiệt tác, mang tầm ảnh hưởng lớn đến cách làm phim của nhiều đạo diễn tên tuổi tại Hollywood hiện nay. 

    Jigokumon 

    Jigokumon là bộ phim màu đầu tiên của Nhật được chiếu ở phương Tây. Khi phim được phát hành tại thị trường quốc tế đã được giới phê bình đánh giá cao, công nhận về giá trị nghệ thuật sâu sắc và trao tặng nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá. Trong đó có giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes 1954 và giải Oscar danh dự cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, giải Oscar cho Thiết kế phục trang đẹp nhất.

    jigokumon
    Ảnh: Wikipedia

    Đạo diễn Teinosuke Kinugasa, người tạo nên Jigokumon, đã viết câu chuyện xưa lấy bối cảnh ở thế kỷ 12 nhưng nội dung lại dựa trên vở kịch thế kỷ 20 của Kan Kikuchi. Chuyện phim diễn tả những tranh đoạt giữa các gia tộc, trong đó là câu chuyện tình đầy ân oán, đau thương, hận thù giữa ba nhân vật chính: samurai Morito, nữ quan Kesa và chồng của nàng - Wataru.

    Samurai I: Musashi Miyamoto 

    Bộ phim này đã giành giải Oscar danh dự cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc vào năm 1955 và cũng là tác phẩm tiêu biểu, “tượng đài” trong dòng phim về Miyamoto Musashi - nhân vật lịch sử được coi như anh hùng quốc dân ở Nhật.

    samurai
    Ảnh: IMDb

    Phim do Inagaki Hiroshi đạo diễn kiêm biên kịch với Mifune Toshiro. Nội dung dựa trên cuốn tiểu thuyết Musashi của Yoshikawa Eiji, kể về cuộc đời vị kiếm sĩ nổi tiếng Miyamoto Musashi hay còn gọi là Takezo. 

    Đây là phần đầu của loạt phim về Miyamoto Musashi mà Inagaki dựng nên. Sự thành công của phần phim này đã dẫn đến hai bản phim tiếp theo được phát hành là: Zoku Miyamoto Musashi Ichijo-ji no ketto (Miyamoto Musashi phần tiếp: quyết đấu ở Nhất Thừa Tự)Miyamoto Musashi kanketsu-hen Ganryu-jima no ketto (Miyamoto Musashi phần kết: quyết đấu trên đảo Ganryu). 

    Ba tác phẩm này đã được công chiếu quốc tế và gây tiếng vang lớn, được người phương Tây gọi là “bộ ba phim Samurai” kinh điển của đạo diễn Inagaki Hiroshi.

    Spirited Away 

    Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 75 diễn ra vào năm 2003, tác phẩm hoạt hình Spirited Away của đạo diễn Hayao Miyazaki đã làm nên lịch sử khi trở thành anime đầu tiên được đề cử giải Phim hoạt hình hay nhất, cũng là anime duy nhất tính đến thời điểm hiện tại giành chiến thắng ở hạng mục này.

    spirited-away 
    Ảnh: IMDb

    Spirited Away được xưởng phim Ghlibli sản xuất và công chiếu từ năm 2001 cho đến nay đây vẫn là một trong những bộ phim hoạt hình thành công nhất mọi thời đại tính về mặt doanh thu cũng như đánh giá nghệ thuật của giới phê bình.

    Phim kể về hành trình hóa giải lời nguyền, giải thoát bản thân cùng cha mẹ đã biến thành lợn của cô bé Chihiro khi lạc vào vùng đất linh hồn. Qua đó phim cũng gửi gắm những thông điệp sâu sắc về môi trường sống, bảo tồn văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc cũng như quan niệm, triết lý cao cả trong Thần đạo của đất nước mặt trời mọc.

    Departure

    Tại giải Oscar lần thứ 81, tổ chức năm 2009, tác phẩm Departure (Người tiễn đưa) đã xuất sắc thắng giải Phim truyện quốc tế hay nhất. Bộ phim được đánh giá cao với triết lý nhân sinh sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc sống qua góc nhìn nghệ thuật tinh tế, thuần túy của đạo diễn Takita Yojiro.

    departures
    Ảnh: rottentomatoes.com

    Chuyện phim dựa theo cuốn hồi ký của Aoki Shinmon, kể về một nghệ sĩ chơi cello đã trở về quê nhà sau khi thất bại trong sự nghiệp. Sau đó anh nhận công việc làm dịch vụ khâm liệm và thực hiện các nghi thức trong một tang lễ theo truyền thống của Nhật. Từ đây anh hiểu được giá trị đẹp đẽ của cuộc sống thông qua công việc đối mặt với cái chết.

    La Maison En Petits Cubes

    Ngoài Departure thì tại lễ trao giải Oscar lần thứ 81, điện ảnh Nhật Bản còn có một đại diện nữa đoạt tượng vàng. Đó là La Maison En Petits Cubes được vinh danh ở hạng mục Phim hoạt hình ngắn hay nhất. Tác phẩm được tạo ra bởi Kato Kunio, với phần âm nhạc của Kondo Kenji, do Robot Communications sản xuất.

    la-maison
    Ảnh: IMDb

    La Maison En Petits Cubes chỉ có thời lượng 12 phút, mô tả chân thực những ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời của một ông lão góa vợ. Vì thị trấn ngập trong nước nên ông phải xây thêm từng tầng cho ngôi nhà của mình để tránh lũ. Thế rồi một ngày kia, ông vô tình đánh rơi chiếc tẩu xuống tầng ngập nước nên đành phải bơi xuống để tìm nó, sự việc này khiến ông được sống lại, tìm về ký ức xưa của một đời người.

    Drive My Car

    Drive My Car là bộ phim Nhật Bản đầu tiên nhận được đề cử Phim hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 94 tổ chức vào năm 2022 và xuất sắc đoạt về tượng vàng ở hạng mục Phim truyện quốc tế hay nhất. Tác phẩm này đậm chất tự sự và diễn tả chân thực những suy nghĩ, tâm tư của người trưởng thành, từng trải đang sống và đối diện với những khó khăn, nghịch cảnh trong đời. 

    drive-my-car
    Ảnh: mubi.com

    Phim là câu chuyện của Kafuku Yusuke – một diễn viên kiêm đạo diễn sân khấu có quá khứ buồn khi mắc bệnh về mắt, trong khi người vợ của mình thì ngoại tình rồi qua đời vì xuất huyết não. Sau đám tang của vợ, Kafuku đến Hiroshima để làm phim và đã gặp gỡ Watari Misaki - nữ tài xế đã đồng hành cùng anh trên “chuyến xe” giải thoát tâm hồn.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!