Các nền tảng phát trực tuyến đại chiến vì "miếng bánh" anime
Sự phổ biến của các bộ phim hoạt hình đi tiên phong ở Nhật Bản đã tạo ra mỏ vàng cho những gã khổng lồ phát trực tuyến như Netflix, Disney+ và Amazon Prime.
Theo Grand View Research - công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở chính ở San Francisco, thị trường anime toàn cầu được định giá 28,6 tỷ USD vào năm 2022 và được dự báo sẽ tăng gấp đôi giá trị vào năm 2030.
Nhu cầu về anime đã tăng 35% từ năm 2020 đến 2021, do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nền tảng trực tuyến quốc tế quyết giành lấy “miếng bánh” hấp dẫn này.
Những năm gần đây đã chứng kiến Disney+, nền tảng được xem là đến sau trong lĩnh vực anime, bắt đầu cung cấp các bộ phim được khán giả yêu thích như “Demon Slayer”, “Spy x Family” và “Jujutsu Kaisen”, những bộ phim này cũng được tìm thấy ở các nơi khác.
Tuy nhiên, việc cung cấp những tựa phim như vậy chỉ được coi là cơ bản và khó chiếm được lòng trung thành của fan anime trong bối cảnh các lựa chọn ngày càng đa dạng. Chính vì vậy, các nền tảng đang tìm cách đảm bảo độc quyền đối với nội dung hoặc đồng sản xuất phim hoạt hình gốc của riêng họ trong nỗ lực trở nên nổi trội hơn.
Năm ngoái, Disney+ đã công bố quyền phát trực tuyến độc quyền cho phần hai của câu chuyện về băng đảng xe đạp tuổi teen ăn khách "Tokyo Revengers", một phần của thỏa thuận béo bở với nhà xuất bản khổng lồ Kodansha.
Chuyên gia anime Tadashi Sudo cho biết Amazon Prime cũng đã tìm cách "độc chiếm" các anime bom tấn, bao gồm "One Piece Film: Red" - bộ phim có doanh thu cao nhất Nhật Bản năm ngoái.
Trong khi đó, Netflix đã chứng minh được sự khác biệt trong thị trường anime. Vượt ra ngoài việc giành lấy những tác phẩm ăn khách hiện có, Netflix đã làm việc trực tiếp với các hãng phim hoạt hình, cho phép họ tự do sáng tạo ra những câu chuyện mới.
Theo truyền thống, phim hoạt hình Nhật Bản ra đời từ "ủy ban sản xuất" bao gồm các nhà xuất bản, đài truyền hình, nhà sản xuất đồ chơi và những người trong ngành khác. Netflix đã làm xáo trộn ngành công nghiệp khi hợp tác trực tiếp với xưởng phim hoạt hình Tokyo Production IG vào năm 2018, bỏ qua hệ thống nói trên.
Chủ tịch Production IG, ông Mitsuhisa Ishikawa cho biết: “Một số người (trong ngành công nghiệp anime) đã khó chịu vì họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ phá hủy những gì họ đã xây dựng trong suốt những năm qua”.
Netflix được ví như “những con tàu đen” - những con tàu của Mỹ vào thế kỷ 19 đã buộc Nhật Bản phải mở cửa sau hàng trăm năm bế quan tỏa cảng. “Cách làm phim hoạt hình trong nước đột nhiên bị buộc phải mở ra”, ông Ishikawa nói.
Công ty Parrot Analytics có trụ sở tại Hoa Kỳ nhận định rằng, Netflix đã gặt hái được nhiều thành quả với nội dung nguyên bản và trở thành "nền tảng thúc đẩy nhu cầu về anime toàn cầu tăng cao nhất vào năm 2021".
Nhưng ngay cả những gã khổng lồ phát trực tuyến có ảnh hưởng trên toàn thế giới cũng chỉ thu về số lượng khán giả tương đối nhỏ ở Nhật Bản, nó được xem là “tín hiệu” cảnh báo với một số người trong ngành. Các nhà xuất bản muốn anime chuyển thể từ tựa manga của họ được tiếp cận một cách tối đa và lo lắng các thỏa thuận phát trực tuyến độc quyền sẽ hạn chế phạm vi phủ sóng của chúng ở Nhật Bản.
Theo nhà phân tích dữ liệu cấp cao của GEM Partners, Shota Ito, không có phim hoạt hình gốc nào của Netflix lọt vào danh sách 20 phim được xem nhiều nhất đối với người dùng Nhật Bản vào năm 2022. Dẫu vậy, nền tảng phát trực tuyến vẫn là triển vọng hấp dẫn với các hãng phim.
kilala.vn
17/05/2023
Bài: Ciro
Nguồn: Japantoday
Đăng nhập tài khoản để bình luận