Các ca tử vong do nhiễm trùng ve đang tăng cao ở Nhật
Nhật Bản ghi nhận các ca nhiễm trùng gây tử vong do ve tăng cao trong năm nay, với tốc độ có thể vượt qua kỷ lục được thiết lập vào năm 2023.
Các bệnh truyền nhiễm do ve truyền, chẳng hạn như sốt phát ban bụi rậm (Typhus scrub) từ lâu đã được phát hiện ở Nhật Bản. Năm 2013, trường hợp mắc SFTS đầu tiên ở Nhật Bản được báo cáo tại tỉnh Yamaguchi, tiếp theo là vi rút Yezo ở Hokkaido vào năm 2021 và trường hợp tử vong do vi rút Oz ở tỉnh Ibaraki vào năm 2023.
Trong số các loại vi rút do ve lây nhiễm, SFTS chiếm tỷ lệ tử vong cao là 27%. Sau thời gian ủ bệnh từ 6-14 ngày, các triệu chứng như sốt, nôn mửa và tiêu chảy sẽ xuất hiện. Theo viện quốc gia, có 133 trường hợp mắc SFTS được báo cáo vào năm 2023.
Hầu hết mọi người bị nhiễm trùng từ ve ngoài trời nhưng cũng có những trường hợp lây truyền từ vật nuôi sang người, thậm chí từ bệnh nhân sang bác sĩ. Năm 2012, một nhóm nghiên cứu từ Trường Y Kawasaki đã kiểm tra 426 trường hợp bị ve cắn và phát hiện ra rằng leo núi hay đi bộ đường dài trên vùng cao là những tình huống phổ biến nhất khiến mọi người bị cắn, chiếm 237 trường hợp, tương đương 56% tổng số.
Tuy nhiên, 101 trường hợp xảy ra khi mọi người đang canh tác trên đồng ruộng, 40 trường hợp khi họ đang hái cây dại và 33 trường hợp khi họ đang chăm sóc vườn nhà.
Hanako Kurai, trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Ung thư Shizuoka và là chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng do ve truyền, cảnh báo: "Ngay cả khi bạn không leo núi, bạn vẫn có thể bị cắn". Chính vì thế cần đặc biệt chú ý đến những nơi gần khu dân cư, tiếp giáp với cánh đồng và núi.
Vết cắn của ve thường xuất hiện ở cổ, đầu hoặc chân tay của con người, nhưng mọi người không phải lúc nào cũng cảm thấy đau sau khi bị ve cắn và có thể không nhận ra ngay.
Khi một con ve hút máu, nó sẽ nở ra lớn hơn nhiều lần so với kích thước cơ thể của nó. Các chuyên gia cho biết việc dùng lực kéo một con ve đang hút máu ra là rất nguy hiểm, vì ở giai đoạn đó, ký sinh trùng đã đào hang vào da của vật chủ, đầu hoặc phần miệng của nó có thể xoắn lại và vẫn ở trong vật chủ, có khả năng cần phải điều trị y tế.
Trước đây, vết cắn chỉ có thể điều trị được nếu bệnh nhân có triệu chứng. Nhưng thuốc điều trị Avigan, do Fujifilm Toyama Chemical Co. phát triển, đã được Bộ Y tế chấp thuận sản xuất và sử dụng cho SFTS vào tháng 6/2024. Thuốc này ban đầu được chính phủ dự trữ như một loại thuốc kháng vi rút dùng để điều trị các chủng cúm mới ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Ung thư Shizuoka nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa bị ve cắn. Bà khuyến cáo mọi người nên tránh để lộ da bằng cách mặc áo dài tay, quần dài, đội mũ, đeo găng tay và các loại quần áo khác, cũng như đảm bảo che cổ bằng khăn khi ở trong rừng, sử dụng thuốc chống côn trùng và tắm sau các hoạt động ngoài trời.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo rằng các khu vực có nhiều ve đang mở rộng và kêu gọi mọi người thận trọng để ngăn ngừa sự lây lan ở những khu cắm trại và đường mòn đi bộ.
kilala.vn
Nguồn: Kyodo News
Đăng nhập tài khoản để bình luận