Bảo tồn văn hóa: Tái sinh nhà tắm công cộng cũ làm văn phòng
Một cơ sở nhà tắm công cộng bị bỏ hoang hơn 25 năm trước ở Izumisano, Osaka, Nhật Bản đã được chính quyền thành phố cải tạo để bảo tồn như một tài sản văn hóa và gần đây bắt đầu sử dụng làm văn phòng.
Cơ sở nhà tắm có tên Asahi-yu này tọa lạc tại một khu vực thuộc trung tâm thành phố cũ, cách Ga Izumisano của Công ty Đường sắt Nankai khoảng 5 phút đi bộ.
Asahi-yu, được thiết kế theo phong cách chiết trung (Electic)* với ngoại thất bằng gỗ kiểu Nhật Bản và trần phòng tắm hình vòm kiểu phương Tây, được cho là đã được xây dựng vào những năm đầu của thời đại Showa (1926-1989) hoặc từ trước đó.
*Phong cách chiết trung hay Eclectic là phong cách kết hợp, giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa phong cách phương Đông với phương Tây, giữa sự đơn giản và sang trọng và giữa sự khoa trương với khiêm tốn,…
Kể từ khi nhà tắm bị đóng cửa vào khoảng năm 1995 do sức khỏe của chủ sở hữu không tốt cùng nhiều lý do khác, cơ sở này đã bị bỏ trống cho đến khi bộ phận bảo tồn tài sản văn hóa chuyển đến đây trong quá trình cải tạo các tòa nhà cũ ở khu trung tâm thành phố.
Masaru Nakaoka, trưởng bộ phận bảo tồn tài sản văn hóa của Chính quyền thành phố Izumisano chia sẻ: “Tôi đoán đây sẽ là trường hợp đầu tiên trên cả nước sử dụng nhà tắm công cộng làm văn phòng chính phủ". Ông cũng cho biết thêm, việc làm này cũng thể hiện mong muốn có trụ sở tại địa phương của đơn vị và bảo tồn các tài sản văn hóa.
Để cơ sở có thể được đăng ký là tài sản văn hóa vật thể quốc gia, chính quyền thành phố đã cố gắng giữ nguyên hình dạng ban đầu trong quá trình cải tạo.
Trong phòng tắm nam trước đây, khu vực sắp được chuyển thành văn phòng bộ phận, sàn phẳng được làm phía trên bồn tắm cũ. Tường nhà được trang trí bằng tranh vẽ Sân bay Quốc tế Kansai và các điểm khác trong thành phố, tạo ra bầu không khí của một nhà tắm công cộng thực sự ở Nhật Bản. Trong khi đó, bồn tắm nữ trước đây được trải đệm.
Thành phố cũng có kế hoạch cho thuê không gian làm văn phòng trong tương lai. Mọi người có thể tổ chức các cuộc họp trong bồn tắm và sử dụng bức tường trắng làm màn hình máy chiếu.
Nakaoka cho biết: “Bằng cách bảo tồn cảnh quan đường phố cũ, chúng tôi hy vọng sẽ biến nơi này thành một khu vực mà khách du lịch nước ngoài cũng có thể ghé thăm".
Trong bối cảnh chính quyền địa phương trên khắp đất nước đấu tranh để duy trì các tòa nhà lịch sử và truyền lại cho các thế hệ tương lai, câu hỏi được đặt ra là liệu cơ sở nhà tắm công cộng cũ ở Izumisano có thể trở thành một trường hợp điển hình hay không.
Xem thêm: Nhà tắm công cộng Sento: nét văn hóa đẹp đang bị lãng quên
kilala.vn
03/01/2023
Bài: Happy
Nguồn: The Mainichi
Ảnh: The Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận