
Hana wa sakuragi, hito wa bushi: Loài hoa đẹp nhất là hoa anh đào, người cao quý nhất là người chiến binh
Hoa anh đào và chiến binh samurai là những biểu tượng quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Người Nhật có câu: “Hana wa sakuragi, hito wa bushi” với ý nghĩa tôn vinh giá trị của hai biểu tượng này, cùng tìm hiểu nhé!
Ý nghĩa
“花は桜木、人は武士 – hana wa sakuragi, hito wa bushi” có nghĩa đen là “hoa là cây anh đào, người là võ sĩ”, ngụ ý “trong các loài hoa, hoa anh đào là loài hoa đẹp nhất, còn trong các hạng người, người võ sĩ là người cao quý nhất”.
Câu tục ngữ này thể hiện sâu sắc quan niệm thẩm mĩ và giá trị của người Nhật: trân trọng và đề cao vẻ đẹp mong manh, tinh khiết của hoa anh đào và phẩm giá thanh liêm, chính trực của những chiến binh samurai.
Người ta nói rằng, hình ảnh của các chiến binh samurai được phản chiếu qua những bông hoa anh đào, vì cuộc đời của họ mặc dù huy hoàng nhưng có thể dễ dàng kết thúc đột ngột chỉ bởi một nhát kiếm, tương tự những bông hoa anh đào, nở rộ đầy kiêu hãnh rồi thoáng chốc rụng rơi trong cơn gió.

Nguồn gốc
Câu tục ngữ này được cho là bắt nguồn từ một bài thơ của Ikkyu Sojun, nhà thơ và Thiền sư thuộc giáo phái Lâm Tế ở thời Muromachi (1336-1573), cũng là nguyên mẫu của nhân vật tiểu hòa thượng “Ikkyu-san” trong bộ phim hoạt hình cùng tên.
Thiền sư Ikkyu đã viết rằng “花は桜木、人は武士、柱は檜、魚は鯛、小袖はもみじ、花はみよしの- hana wa sakuragi, hito wa bushi, hashira wa hinoki, sakana wa tai, kosode wa momigi, hana wa miyoshino”.
Câu thơ này là lời Thiền sư nói về những điều mà ông cho là đẹp nhất, giá trị nhất: trong các loài hoa, hoa anh đào là đẹp nhất; trong các hạng người, người võ sĩ là cao quý nhất; trong các loại gỗ, gỗ hinoki (gỗ bách Nhật Bản) là tốt nhất; trong các loài cá, cá tráp biển là ngon nhất; trong các loại kosode*, kosode có họa tiết lá phong là đẹp nhất; trong các địa điểm ngắm hoa, Miyoshino là nơi ngắm hoa anh đào đẹp nhất (Miyoshino chỉ vùng Yoshino ở tỉnh Nara).
*Kosode (小袖): một loại trang phục ngắn tay của Nhật Bản, tiền thân của kimono.
Bắt nguồn từ lời thơ của Thiền sư Ikkyu, câu tục ngữ này đã vượt qua thời gian, vang vọng trong trong tâm trí người Nhật, đại diện cho tinh thần, quan niệm thẩm mĩ và giá trị của họ, đồng thời ảnh hưởng đến nhiều tác phẩm nghệ thuật và văn hóa khác nhau.

Tục ngữ liên quan đến hoa đào
世の中は三日見ぬ間の桜かな (yo no naka wa mikka minu ma no sakura kana): ngụ ý sự thay đổi của thế gian diễn ra vô cùng nhanh chóng, ví như hoa anh đào tàn phai chỉ trong ba ngày.
明日ありと思う心の仇桜 (asu ari to omou kokoro no adazakura): cứ ngỡ ngày mai còn, ai ngờ đóa anh đào oan nghiệt – ngay khi bạn nghĩ rằng hoa anh đào vẫn sẽ nở rộ vào ngày mai, một cơn bão có thể ập đến vào giữa đêm và khiến những bông hoa rơi rụng. Điều này tượng trưng cho việc con người không bao giờ biết được tiếp theo điều gì sẽ xảy ra trên thế giới hay trong cuộc sống này.
桜三月菖蒲は五月 (sakura sangatsu shoubu wa gogatsu): hoa anh đào tháng ba, hoa diên vĩ tháng năm. Câu tục ngữ này nói về việc mỗi loài hoa đều có mùa nở rộ của riêng nó, qua đó chất chứa ý nghĩa ẩn dụ về thời gian thích hợp cho mọi việc, sự khác biệt và đặc trưng riêng, trật tự của tự nhiên.
Thời gian thích hợp cho mọi việc: mỗi sự việc, con người đều có thời điểm tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển hoặc đạt được thành công. Không nên nóng vội hoặc cố gắng làm điều gì đó không đúng thời điểm.
Sự khác biệt và đặc trưng riêng: mỗi người, mỗi vật đều có những đặc điểm, giá trị riêng và thời điểm tỏa sáng khác nhau. Không nên so sánh một cách khập khiễng.
Trật tự tự nhiên: Mọi thứ trong tự nhiên đều tuân theo một quy luật nhất định, có thời điểm sinh trưởng và phát triển riêng.
梅と桜を両手に持つ (ume to sakura wo ryou-te ni motsu): cầm hoa mơ và hoa anh đào trên cả hai tay (nghĩa đen). Câu này thường được dùng để ám chỉ một tình huống khó khăn, tiến thoái lưỡng nan, không biết phải chọn lựa bên nào hoặc tham lam muốn có cả hai thứ tốt đẹp cùng một lúc nhưng không thể được, chẳng hạn như tình huống một chàng trai bị kẹt giữa hai cô gái xinh đẹp.
桜切る馬鹿、梅切らぬ馬鹿 (sakura kiru baka, ume kiranu baka): kẻ ngốc chặt cây anh đào, kẻ ngốc không tỉa cây mơ (nghĩa đen). Ý nghĩa sâu xa của câu này liên quan đến cách chăm sóc khác biệt cho hai loại cây này để chúng sinh trưởng tốt và ra hoa đẹp.
Cây anh đào có đặc điểm là hoa nở trên các cành già, việc chặt tỉa cành thường xuyên sẽ làm giảm số lượng hoa nở vào mùa sau. Do đó, người ta thường hạn chế cắt tỉa mạnh cây anh đào. Vì vậy, “桜切る馬鹿” (sakura kiru baka) ám chỉ những người không hiểu điều này mà lại tùy tiện chặt cành anh đào.
Cây mơ thì ngược lại với anh đào, nở hoa trên các cành non mới mọc. Để cây mơ ra nhiều hoa đẹp và quả ngon, việc tỉa cành thường xuyên rất quan trọng nhằm kích thích sự phát triển của các cành mới. “梅切らぬ馬鹿” (ume kiranu baka) ám chỉ những người không hiểu điều này mà bỏ bê, không tỉa cành cho cây mơ, khiến cây ra ít hoa hoặc ra quả kém chất lượng.
kilala.vn
J-DICT - CÙNG BẠN CHINH PHỤC TIẾNG NHẬT
Ở chuyên mục J-dict, mỗi tuần Kilala sẽ mang đến cho bạn đọc một từ vựng, một câu thành ngữ, tục ngữ ý nghĩa trong tiếng Nhật. Thông qua J-dict, hy vọng các bạn sẽ thêm yêu và có động lực để chinh phục thứ tiếng “khó xơi” này.
Bạn có thể đọc thêm những bài viết thuộc chuyên mục J-dict tại đây.
Đăng nhập tài khoản để bình luận