Đau đầu với hệ thống Romaji ở Nhật
Không chỉ Kanji, hệ thống Romaji trong tiếng Nhật cũng “đáng sợ” không kém!
Nếu đã từng tìm hiểu qua ngôn ngữ Nhật, hẳn bạn sẽ biết rằng có tận 3 bảng chữ cái tiếng Nhật (Hiragana, Katakana và Kanji). Trong đó, Kanji với số lượng ký tự khổng lồ cùng muôn vàn cách đọc luôn là “nỗi ám ảnh kinh hoàng” đối với “dân chơi” hệ Nhật ngữ. Vậy nhưng sự đáng sợ của tiếng Nhật chẳng dừng lại ở đó, ngay cả hệ thống Romaji trong ngôn ngữ này cũng rắc rối không kém, thậm chí đến người Nhật cũng cảm thấy “đau đầu”.
Các hệ thống Romaji được sử dụng trong tiếng Nhật
Romaji (ローマ字) là hệ thống ký âm bằng chữ cái Latinh được dùng để ghi âm tiếng Nhật. Thông thường, Romaji được người nước ngoài sử dụng khi mới bắt đầu học tiếng Nhật hoặc khi cần đọc tên người và vật trong ngôn ngữ Nhật mà không biết tiếng. Có nhiều hệ thống ký âm Latinh tiếng Nhật khác nhau, trong đó ba hệ thống chính là Hepburn, Kunrei-shiki và Nihon-shiki.
Một cuộc khảo sát về việc sử dụng tiếng Nhật đã được Cơ quan Văn hóa Nhật Bản thực hiện để làm sáng tỏ mức độ phổ biến của các hệ thống này.
Liên quan đến cách đánh vần theo phiên âm Latinh của tên thành phố “明石” thuộc tỉnh Hyogo, 75,4% người được hỏi chọn cách viết theo hệ thống Hepburn là “Akashi” và 23,3% chọn cách viết Kunrei là “Akasi”. Hepburn cũng là hình thức được lựa chọn áp đảo đối với trường hợp tên tỉnh “愛知” với 88% đánh vần là “Aichi” so với 10,8% chọn “Aiti” theo dạng Kunrei.
Các hệ thống Romaji khác nhau có nguồn gốc riêng biệt. Hệ thống Hepburn được phát minh bởi một nhóm bao gồm nhà truyền giáo người Mỹ James Curtis Hepburn, người được biết đến với công trình soạn thảo cuốn từ điển Nhật-Anh (xuất bản năm 1886) - tác phẩm chuẩn hóa việc dùng Romaji trong việc chuyển tự chữ Kana (hệ thống văn tự ký hiệu âm tiết trong tiếng Nhật, gồm Hiragana, Katakana, Manyogana). Hệ thống Kunrei-shiki bắt nguồn từ hệ thống Nihon-shiki xuất hiện từ trước.
Hiện nay, Hepburn là hệ thống Romaji được sử dụng rộng rãi nhất, nhưng Kunrei là hệ thống Romaji đầu tiên mà hầu hết học sinh Nhật Bản ở bậc tiểu học được học, hệ thống Nihon-shiki tuy ít phổ biến hơn nhưng vẫn tồn tại.
Vì Hepburn dễ phát âm hơn đối với những người có nền tảng tiếng Anh, nên đã trở thành hình thức phổ biến nhất và được sử dụng ở những nơi quan trọng như trên hộ chiếu và biển báo đường bộ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ thống Kunrei được xem là tiêu chuẩn. Khi thăm dò ý kiến về cách viết chữ Latinh tên của thành phố “五所川原” thuộc tỉnh Aomori, có 54,8% người được hỏi sử dụng phiên bản Kunrei “Gosyogawara” và 43,9% chọn kiểu Hepburn “Goshogawara”. Với trường hợp tên thành phố “丹波” , tỉnh Hyogo, có đến 81,8% người được hỏi chọn “Tanba” - cách phiên âm theo Kunrei” trong khi chỉ có 16,7% sử dụng “Tamba” theo kiểu Hepburn.
Rắc rối với sự khác biệt trong hệ thống Romaji
Cuộc khảo sát của Cơ quan Văn hóa Nhật Bản cũng xem xét tần suất mọi người sử dụng Romaji khi gõ tiếng Nhật. Theo kết quả thu được, trong số những người được hỏi, các đối tượng độ tuổi hai mươi, ba mươi và bốn mươi - những người phụ thuộc nhiều vào các thiết bị kỹ thuật số như máy tính và điện thoại thông minh trong công việc và cuộc sống cá nhân, là nhóm người sử dụng Romaji thường xuyên nhất.
Nhìn chung, 54,7% số người cho biết họ sử dụng Romaji thường xuyên hoặc thỉnh thoảng. Nhiều người chia sẻ rằng sự tồn tại của ba hệ thống chồng chéo khiến họ cảm thấy bối rối và dẫn đến một số nhầm lẫn về chính tả.
Được biết, một hội đồng cố vấn của Chính phủ theo dõi những thay đổi trong cách sử dụng tiếng Nhật đang lên kế hoạch tham khảo ý kiến của các chuyên gia và thực hiện một cuộc khảo sát rộng rãi trong nhiều năm để đưa ra các khuyến nghị về cách viết Romaji của các từ tiếng Nhật.
Xem thêm: Tại sao tiếng Nhật lại có đến 3 bảng chữ cái?
kilala.vn
10/11/2022
Bài: Happy
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận