30 từ tiếng Nhật đại diện cho năm 2021 (P.2)
Ở phần 2, Kilala tiếp tục mang đến 20 từ còn lại trong danh sách 30 từ tiếng Nhật đại diện cho năm 2021. Các từ này sẽ bước vào “vòng chung kết” để tìm ra 10 buzzword cuối cùng, kết quả được công bố vào ngày 1/12 sắp tới.
Đọc phần 1: 30 từ tiếng Nhật đại diện cho năm 2021 (P.1)
Danh sách buzzword được đề cử
ジェンダー平等 — Jendaa byoudou
Jendaa byoudou được ghép từ “ジェンダー – Gender – Giới” và từ “平等 – Byoudou – Bình đẳng”, mang nghĩa là “bình đẳng giới”. Nhiều phụ nữ Nhật mất việc vì COVID-19, cũng như trong các cuộc bầu cử thành viên của Hạ viện, số lượng nhà lập pháp nữ vốn đã ít nay còn trở nên hiếm hoi hơn. Đại dịch đã làm phơi bày nhiều thách thức mà Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác phải đối mặt trong việc thúc đẩy sự bình đẳng giới, một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs. Tuy nhiên, điểm sáng trong công cuộc “bình đẳng giới” ở Nhật là vào tháng 10/2021, bà Yoshino Tomoko đã được bầu chọn là nữ Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Japanese Trade Union Confederation).
自宅療養 — Jitaku ryouyou
Jitaku ryouyou có nghĩa là “điều trị tại nhà”. Khi các làn sóng COVID-19 quét qua Nhật Bản gây áp lực lớn đến hệ thống y tế và các giường bệnh đều chật kín người, Chính phủ đã yêu cầu bệnh nhân không có hoặc có triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà/ khách sạn đến khi hồi phục hoàn toàn.
13歳、真夏の大冒険 — 13 sai, manatsu no daibouken
Cụm từ này mang nghĩa “13 tuổi, cuộc phiêu lưu tuyệt vời giữa mùa hè”, được phát thanh viên Kurata Taisei của đài Fuji TV thốt lên khi chứng kiến Nishiya Momiji, vận động viên trượt ván 13 tuổi giành được huy chương vàng tại Olympic Tokyo 2020. Momiji là VĐV trượt ván trẻ tuổi nhất trong lịch sử ghi được thành tích này. Phép so sánh giữa chiến thắng của cô bé với cuộc phiêu lưu giữa mùa hè nhanh chóng lan tỏa khắp mạng xã hội Nhật.
ショータイム — Shou taimu
Shou taimu (Showtime) nghĩa là thời gian công chiếu của một bộ phim, vở kịch, buổi biểu diễn. Đây là từ được người hâm mộ hô to nhiều lần trên Sân vận động Angels, Los Angeles, Mỹ và tại Nhật Bản khi chứng kiến vận động viên bóng chày nổi tiếng Ohtani Shouhei nỗ lực phá kỷ lục thế kỷ của Babe Ruth. Tuy nhiên, Ohtani có phần sa sút phong độ và kết thúc mùa giải với 9 chiến thắng và 46 cú home-run.
Xem thêm: 3 người Nhật góp mặt trong danh sách Time100 năm 2021
人流 — Jinryuu
Jinryuu hiểu theo nghĩa đen là "dòng người", chỉ “lưu lượng người di chuyển trong thành phố”. Đây là chỉ số quan trọng được Chính phủ Nhật theo dõi chặt chẽ để hạn chế và giảm tiếp xúc giữa mọi người tại các khu vực được ban bố tình trạng khẩn cấp trong đại dịch COVID-19, thông qua điện thoại di động cùng các dữ liệu khác.
スギムライジング — Sugimu-raijingu
Sugimu-raijingu là từ được ghép bởi “Sugimura” trong tên của VĐV Boccia Sugimura Hidetaka và “Rising – Vươn lên”, để nói về cú ném bóng ngoạn mục của vận động viên, giúp anh mang về chiếc huy chương vàng đầu tiên cho nước Nhật trong Thế vận hội Paralympic 2020.
Xem thêm: Paralympic 1964: Thế vận hội thay đổi cuộc sống người khuyết tật NhậtZ世代 — Z sedai
“Z sedai – Thế hệ Z/ Gen Z" là tên gọi của thế hệ những người trẻ sinh ra từ năm 1996 đến năm 2012, đang thu hút sự chú ý lớn của dư luận nhờ vào sự cởi mở trong các quan niệm và giá trị sống của họ, cũng như khả năng tiếp cận tuyệt vời với công nghệ mới.
チキータ — Chikiita
Chikiita là tên gọi của cú đánh bóng trái tay mạnh mẽ của VĐV bóng bàn Itou Mima khiến các đối thủ kiêng nể. Tên gọi này lấy cảm hứng từ “Chiquita”, một thương hiệu chuối nổi tiếng ở Hoa Kỳ với logo quả bóng. Với những cú đánh đặc trưng riêng của mình, Itou đã kết thúc Olympic Tokyo 2020 với 3 huy chương: vàng, bạc và đồng.
チャタンヤラクーサンクー — Chatan yara kuusankuu
Đây là một bài quyền của môn võ Karate, môn thi đấu mới tại Olympic Tokyo 2020, được đánh giá là rất khó. VĐV Shimizu Kiyou đã có phần biểu diễn Chatan yara kuusankuu thành công tại Olympic Tokyo 2020 và giành được huy chương bạc.
Xem thêm: Các môn võ thuật chính của Nhật Bản
ととのう — Totonou
Động từ này có nghĩa là “sắp xếp” hoặc “chuẩn bị”, được các tín đồ xông hơi Nhật Bản sử dụng để mô tả trạng thái thư giãn cả về thể chất lẫn tinh thần đạt được nhờ luân phiên xông hơi và ngâm mình trong nước lạnh, xen giữa bởi một khoảng nghỉ. Đại dịch COVID-19 khiến việc đến các suối nước nóng hay phòng tắm công cộng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau đó, các từ liên quan đến xông hơi bỗng chốc trở nên phổ biến trên mạng xã hội Nhật Bản, đặc biệt là khi bộ phim truyền hình “サ道2021” (Sadou 2021) của TV Tokyo phát sóng và được yêu thích rộng rãi.
フェムテック — Femutekku
Femutekku được ghép từ 2 từ tiếng Anh là “feminine – nữ tính” và “technology – công nghệ”, để chỉ những nỗ lực sử dụng công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt từ sức khỏe đến tinh thần. Chẳng hạn như giải pháp công nghệ giúp giảm đau bụng kinh, vượt qua thời kỳ mãn kinh, đến các ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp phụ nữ theo dõi chu kỳ kinh nguyệt cũng như giai đoạn mang thai.
副反応 — Fukuhannou
Fukuhannou (tác dụng phụ) nhận được sự quan tâm khi nhiều phương tiện truyền thông đưa tin các tác dụng phụ có thể gây ra khi tiêm vaccine phòng COVID-19 bao gồm đau, ngứa, sưng tấy ở vị trí tiêm, sốt, ớn lạnh.
ピクトグラム — Pikutoguramu
Pikutoguramu (Pictogram) là các hình ảnh hoặc biểu tượng đại diện cho một từ/ cụm từ. Dù không phải là từ mới nhưng nó bất ngờ gây sốt sau màn trình diễn 50 Pictogram của 33 môn thể thao Olympic trong Thế vận hội năm nay. Olympic Pictogram xuất hiện lần đầu vào Olympic Tokyo 1964.
Xem thêm: Kasou Taishou Show: Nguồn cảm hứng cho tiết mục trong lễ khai mạc Olympic 2020
変異株 — Henikabu
Henikabu nghĩa là “chủng đột biến”, để chỉ các biến thể của virus COVID-19 như Delta hay SARS-CoV-2 khiến nhân loại lo ngại.
ぼったくり男爵 — Bottakuri danshaku
Được dịch từ "Baron Von Ripperoff", biệt danh mà phóng viên Sally Jenkins của tờ The Washington Post đã đặt cho Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào ngày 5/5/2021 trong bài viết kêu gọi Nhật hủy bỏ Thế vận hội năm nay. Cái tên này đã được những người dân Nhật biểu tình phản đối Olympic Tokyo sử dụng rộng rãi.
マリトッツォ — Maritottso
Maritottso (maritozzo) là một món bánh ngọt có nguồn gốc từ nước Ý, gồm bánh mì ngọt với nhân nho khô, hạt thông và bên trên là lớp kem sánh mịn, đôi khi không có nhân. Vào năm 2020, một tiệm bánh ở tỉnh Fukuoka bắt đầu bán món bánh này, tạo nên làn sóng yêu thích trên toàn nước Nhật. Hiện nay, ngoài các tiệm bánh, du khách hoàn toàn có thể mua chúng ở các cửa hàng tiện lợi.
黙食/マスク会食 — Mokushoku/ Masuku kaishoku
Đây là từ mới được sinh ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Mokushoku mang nghĩa là “ăn trong im lặng” và “マスク会食" là "bữa ăn với khẩu trang”, chỉ việc thực khách hạn chế nói chuyện và phải đeo khẩu trang ngay khi không ăn uống, được xem là một trong những biện pháp để phòng tránh COVID-19.
ヤングケアラー — Yangu kearaa
Yangu kearaa (Young carer) mang nghĩa “người chăm sóc trẻ tuổi”, chỉ những đứa trẻ dưới 18 tuổi phải đảm nhiệm công việc chăm sóc cho các thành viên khác tại nhà mà thông thường đều do người lớn gánh vác, do điều kiện kinh tế hoặc hoàn cảnh bất đắc dĩ. Tuy đây không phải là từ mới (xuất hiện từ khoảng năm 2014), nhưng trong bối cảnh đại dịch, nó bùng nổ, trở thành một vấn đề nghiêm trọng mà Nhật Bản đang phải đối mặt.
リアル二刀流 — Riaru nitouryuu
"Nitouryuu" có nghĩa gốc là “kỹ thuật sử dụng song kiếm” trong môn kiếm đạo. Từ này còn được dùng để chỉ người vừa thích rượu vừa thích đồ ngọt hay có thể làm tốt cả hai việc cùng một lúc. Cụm từ "Riaru nitouryuu" (Real nitouryuu) trở nên phổ biến để chỉ việc VĐV bóng chày Ohtani Shouhei vừa là một pitcher (tay ném) xuất sắc, vừa là mũi tấn công quan trọng đem về chiến thắng cho đội Los Angeles Angels ở mùa giải MLB năm nay.
路上飲み — Rojou nomi
Rojou nomi mang nghĩa là “uống rượu đường phố”, một thú tiêu khiển mới của những người không thể thưởng thức rượu trong nhà hàng hoặc quán bar do dịch COVID-19. Họ tụ tập thành nhóm ở công viên, bãi đậu xe của cửa hàng tiện lợi để thưởng thức đồ uống có cồn.
kilala.vn
24/11/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận