Onitsuka Tiger: “Anh cả” của làng giày thể thao nước Nhật

    Uma Thurman mang đôi giày vàng sọc đen trong phim Kill Bill là một trong những hình ảnh ấn tượng nhất của thương hiệu Nhật lâu đời Onitsuka Tiger.

    Sau bộ phim năm 2003 của Quentin Tarantino, đôi giày được nhiều trang tạp chí lớn nhắc đến và ghi tên vào danh sách những đôi giày “iconic” nhất trên màn ảnh. Trang South China Morning Post gọi đây là sự “tiếp thị bậc thầy” đã giúp cửa hàng Onitsuka Tiger phát triển tại khắp Nhật Bản và có mặt ở những thành phố lớn như Hong Kong, Paris, Berlin, London và Seoul.

    phim kill bill

     Ảnh: South Morning China Post

    Nhưng không chỉ có vậy, ngoài hình ảnh đôi giày vàng, Onitsuka Tiger còn ghi nhiều dấu ấn trong lịch sử thời trang trong suốt 74 năm hoạt động, là cánh chim đầu đàn trong sản xuất giày cho vận động viên chuyên nghiệp tại Nhật.

    Bắt đầu từ sự tận tâm với người tiêu dùng

    Năm 1949, Kihachiro Onitsuka thành lập thương hiệu Onitsuka Tiger trong một phòng khách nhỏ tại Kobe – quê hương của ông.

    Tâm niệm cổ vũ lối sống chuộng thể thao của người trẻ thời bấy giờ, ông quyết tâm sáng tạo những mẫu giày bền, chắc và dễ vận động.

    Nhà sáng lập Onitsuka tiger

    Ảnh: Snkvn

    Ông Onitsuka tập trung thiết kế giày thi marathon - một môn thi đấu nhấn mạnh tính kỷ luật và sức bền được đề cao tại Nhật. Là một người không chạy bộ, ông tiếp cận thử thách với tâm thế của một người mới bắt đầu. 

    Qua tìm hiểu, ông biết được rằng các vận động viên marathon hay bị phồng rộp chân trong các đường chạy cự ly dài. Onitsuka tham khảo ý kiến của bác sĩ và nhận ra rằng chính nhiệt độ cao bên trong giày khiến chân của vận động viên gặp nhiều vấn đề. 

    Ban đầu, nhà sáng tạo quyết định làm mát giày chạy marathon của mình bằng nước. Tuy nhiên, giày chạy bộ có đế thủy lực là một thảm họa và không phù hợp. 

    marathon tabi 
    Ảnh: Runner’s World

    Không nản lòng, người thợ đóng giày chuyển sang cách thông gió và làm mát chân. Ông phát triển Onitsuka Tiger Marathon Tabi, mô phỏng theo loại tất tabi truyền thống của Nhật Bản, với các lỗ thông gió trên mũi giày, từ đó ngăn ngừa phồng rộp.

    Trong quá trình nghiên cứu, nhà sáng lập còn có một câu chuyện “để đời” khác và hay được nhắc đến là khoảnh khắc “Eureka” của ông.

    Lúc ăn salad bạch tuộc, Onitsuka chú ý đến xúc tu bạch tuộc có hình dạng lõm và giác hút để bám vào mọi thứ. Thế là ông đem những giác hút này vào trong thiết kế giày và giới thiệu một tính năng hỗ trợ cầu thủ bóng rổ hoàn toàn mới. 

    Giày giúp người thi đấu kiểm soát các bước chạy, tối ưu việc chuyển hướng đột ngột mà không mất thăng bằng nhờ đế giày bám chắc vào mặt đất. 

    giay bong ro 
    Ảnh: Runner World

    Năm 1950, đôi giày bóng rổ Tiger ra đời, tạo nên cơn sốt tại Nhật Bản giống như cách Converse Chuck Taylor All-Star đã làm ở Mỹ. 

    Onitsuka Tiger từng bước chiếm lĩnh thế giới thể thao với tư cách nhà tài trợ giày cho đội bóng rổ quốc gia, xuất hiện trong Thế Vận Hội nhằm để lại ấn tượng sâu sắc trong công chúng như tại Tokyo Olympic Games 1964, Mexico Olympics 1968.

    chạy marathon
     Ảnh: Barkers

    Tại Thế vận hội Montreal năm 1976, ông Onitsuka và nhóm của mình cố gắng điều chỉnh phần gót giày của Lasse Viren (cựu VĐV chạy đường dài người Phần Lan từng đoạt 4 huy chương vàng Olympics) thấp hơn để vận động viên cảm thấy hoàn toàn tin tưởng vào đôi giày của mình.

    lasse viren
    Ảnh: Sweat Elite

    Kết thúc chặng đua ở vị trí đầu tiên, Viren nâng chiếc giày màu xanh với những sọc trắng trên đầu. Theo Runner’s World, cử chỉ vừa mang tính đặc trưng của thương hiệu vừa là khoảnh khắc chào đón chiến thắng ý nghĩa. 

    [subscribe]

    Chuyển mình và mở rộng

    Năm 1966, công ty nhận ra rằng giày cần các dấu ấn độc đáo để nhân cao giá trị nhận diện thương hiệu. 

    Họ phát động một cuộc thi thiết kế nội bộ, khuyến khích tất cả nhân viên của họ gửi đề xuất. Các bản thiết kế tuân theo một triết lý duy nhất: thiết kế độc nhất và cải thiện hiệu suất sản phẩm. Hơn 200 nhân viên đưa ra vô số ý tưởng và chỉ năm bài được chọn vào vòng cuối cùng. 

    Cùng vận động viên chuyên nghiệp và chuyên gia từ Đại học Kyoto, các nhà thiết kế thử nghiệm ý tưởng từ những bài dự thi dựa trên câu hỏi liệu thiết kế nào giúp tăng hiệu suất tốt nhất.

    Onitsuka Tiger Stripes – các đường sọc trên giày - là thiết kế phù hợp tiêu chí. Các sọc mang lại sự ổn định cho bề mặt và cải thiện độ bền của giày. Thiết kế đặc trưng này ra đời như một sự kết hợp hoàn hảo giữa tính biểu tượng, khả năng đột phá và tinh thần “vì người tiêu dùng” của công ty. 

    thiết kế giày
     Ảnh: Sneaker Freaker

    Tạo ra những đôi giày tốt là điều không dễ, còn tạo ra một logo tuyệt vời cũng khó không kém. Sau 57 năm, Onitsuka Tiger là một trong những nhãn hiệu dễ nhận biết nhất trong lĩnh vực sneaker. Trang Ape to Gentlement liệt kê ASICS, tiền thân là Onitsuka Tiger, là một trong những thương hiệu quen thuộc nhất với khách hàng. 

    Năm 1977, Onitsuka Tiger sáp nhập với thương hiệu khác để thành lập tập đoàn ASICS. Ông Onitsuka đã chọn tên ASICS cho công ty của mình vào năm 1977, dựa trên câu nói nổi tiếng trong tiếng Latinh "Anima Sana In Corpore Sano", với ý nghĩa "Trí óc minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh".

    Lấy ý nghĩa từ đây, ASICS mang sứ mệnh tạo ra một lối sống lành mạnh và hạnh phúc qua việc giúp con người tăng cường sức khỏe và thể lực toàn diện.

    asics
    Ảnh: Asics

    Từ năm 1978 đến những năm 1990, công ty tập trung phát triển thương hiệu ASICS để giới thiệu ra thị trường nhiều mẫu giày mang công nghệ hiện đại, chất liệu cải tiến. Ngoài ra, họ còn lấn sân sang mảng thời trang như quần áo. 

    Onitsuka Tiger trở lại mạnh mẽ 

    Mải mê phát triển những cái mới, tập đoàn để cái tên Onitsuka Tiger dần rơi vào quên lãng. Do đó, trong thời điểm chuyển giao thế kỷ, ASICS quyết định mang thời hoàng kim của Onitsuka Tiger trở lại. 

    Onitsuka Tiger ra mắt lại vào năm 2002, tận dụng xu hướng giày thể thao cổ điển đang lên ngôi trong đời sống và đặc biệt là phim ảnh, thời trang.

    Năm 2003, diễn viên Uma Thurman đi giày thể thao Onitsuka Taichi màu vàng có sọc đen trong phim Kill Bill, tạo nên một cơn sốt bất bại. 

    Trong trào lưu hoài niệm, thương hiệu đánh vào tâm lý của  người dùng muốn ôn lại những ký ức giản đơn và đẹp đẽ khi xưa. Nhiều cộng đồng yêu thích giày Onitsuka Tiger ra đời và hoạt động mạnh mẽ trên các diễn đàn thời trang và mạng xã hội. 

    Năm 2008, Onitsuka Tiger còn ra mắt thêm dòng sản phẩm cao cấp - Nippon Made nhằm tôn vinh tay nghề của những người thợ giày Nhật Bản. 

    naomi watanabe
    Diễn viên Naomi Watanabe là đại sứ thương hiệu của Onitsuka Tiger. Ảnh: Ming’s

    Hiện nay, Onitsuka Tiger trở thành một thương hiệu đáng ngưỡng mộ bởi sự kết hợp độc đáo giữa tinh thần “không bỏ cuộc” của người Nhật cùng những thiết kế hiện đại. 

    Các thiết kế của Onitsuka Tiger vừa mang nét cổ điển vừa mang phong cách thời trang đương đại, thể hiện tâm sức của những nghệ nhân Nhật bản. 

    thời trang
     Ảnh: Asics

    Từ vị trí đồng hành với những người thi đấu thể thao, Onitsuka Tiger đã trở thành một phần cuộc sống thường nhật và giày thường được phối trong những bộ cánh cá tính, năng động. 

    Không dừng ở thể thao, thương hiệu mang tính thời trang cao, thể hiện một nét Nhật Bản riêng dễ nhận biết trên toàn thế giới. Khi mang Onitsuka Tiger, ta được cả lịch sử nâng đỡ, để hướng trái tim về quá khứ và những bài học xưa về tinh thần sáng tạo cùng nỗ lực bền bỉ.  

    kilala.vn

    22/05/2023

    Bài: Tora

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!