Review Phía nam biên giới, phía tây mặt trời
Đây là cuốn sách thứ 6 của Murakami mà tôi đọc cũng là cuốn sách duy nhất của ông tôi chỉ mất có 2 tuần để đọc xong.
Nhớ lần đọc Rừng Na Uy (Noruwei no mori) nhiều năm trước, tôi mất 3 tháng mới nuốt hết 533 trang sách và đọc lại tới 4 lần để hiểu thêm những điều mà mình thắc mắc. Với Phía Nam biên giới, phía tây mặt trời (South of the border, East of the Sun) thì khác. Cả quyển sách là một câu chuyện mạch lạc trải dài từ quá khứ năm 1973 tới hiện tại - những năm cuối của thế kỷ 20 xoay quanh cuộc đời của Hajime.
(Ảnh: Vnwriter)
Chàng trai đầy nhạy cảm ấy lớn lên cùng với những mâu thuẫn nội tâm dữ dội. Chàng ôm trong mình những rung động đầu đời với Shimamoto để rồi suốt thời thanh niên, trong những cuộc tình chóng vánh với đủ loại cô gái - chủ yếu là vì tình dục - Hajime càng ngày càng thấy cô độc. Có một lỗ trống lớn trong tâm hồn chàng - những tiếc nuối về Shimamoto - nỗi ân hận sâu sắc với Izumi. không thể lấp đầy. Rồi chàng kết hôn với Yukiko và có một gia đình yên ấm, chủ sở hữu 2 Jazz club nổi tiếng tại Tokyo, 2 con gái ngoan. Cuộc sống thật bình yên cho đến một ngày Shimamoto xuất hiện đầy bí ẩn làm xáo động con tim nhạy cảm của Hajime lúc này đã gần 40 tuổi.
Nhưng Phía nam biên giới phía tây mặt trời không chỉ có thế. Bởi vì cốt truyện không bao giờ là điều hấp dẫn duy nhất trong sách của Murakami. Đọc truyện của ông sẽ thấy được bức tranh nước Nhật và nội tâm con người Nhật Bản trong suốt sau thập niên 80 - thời kỳ nước Nhật thật sự tư bản hoá. Sự chuyển động của con người và phố xá thay đổi theo nhịp thở của tiết trời. Những góc nhỏ Tokyo nơi người ta tìm đến tình dục để khoả lấp nỗi cô đơn. Ở đâu đó trong những không gian đặc quánh suy tư, người ta đắm tìm trong Jazz như một cách để thoả mãn khao khát tự do.
(Ảnh: Zing.vn)
Đặc biệt nhất trong Phía nam biên giới phía tây mặt trời nói riêng và Murakami nói chung là các triết lý nội tâm được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ mạch lạc hiếm thấy. “Thế giới của chúng ta giống như thế. Khi trời mưa hoa nở và khi trời không mưa hoa héo. Bọn thằn lằn ăn côn trùng và bị bọn chim ăn thịt. Nhưng tất cả rồi sẽ chết đi, khô teo đi. Một thế hệ biến mất, một thế hệ khác thế chỗ. Có nhiều cách sống và nhiều cách chết. Điều đó không quan trọng. Thứ duy nhất còn lại chính là sa mạc".
Phía nam biên giới - south of the border mà Nat King Cole hát thật ra chẳng có gì tuyệt diệu, đó chẳng qua chỉ là Mexico mà thôi. Còn phía tây mặt trời - East of the Sun thì có gì? Hoàn toàn không có gì cả, chỉ là đường chân trời mà thôi. Mỗi sáng khi mặt trời hiện ra phía trên đường chân trời phía Đông, ta ra đồng làm việc. khi mặt trời lên đến đỉnh, ta nghỉ ăn trưa và khi mặt trời biến mất sau đường chân trời phía Tây, ta về nhà ngủ. Đông Tây Nam Bắc đều là đường chân trời, nếu cố gắng tìm kiếm điều gì ở đó, ta cứ đi mãi đi mãi và chết. Ai cũng có quá khứ, quá khứ tội lỗi mang bộ mặt lạnh lùng đáng sợ trong lương tâm, quá khứ hạnh phúc lại phủ lên lớp sương đẹp lãng mạn bay bổng lạ thường. Nhưng dù gì, quá khứ cũng đã qua đi, ta sống với hiện tại. Muốn yên vui, ta sẽ tha thứ cho chính mình và quét đi màn sương ảo tưởng màu hồng với những khát khao của quá khứ.
(Ảnh: Nhã Nam)
Đừng quá hoang mang với những điều bí ẩn trong cốt truyện, đừng cố phân định rạch ròi giữa thực và hư, chân thành và giả tạo, quy tắc và ngoại lệ. bởi đó mới là Murakami. Cũng giống như những bản nhạc Jazz biến tấu ngẫu hứng trên nền những bản nhạc cũ, đó chính là cái để lại dư vị lâu nhất cho người đọc.
Nếu bắt đầu đọc Haruki Murakami, hãy bắt đầu với Phía nam biên giới phía tây mặt trời. Đừng dại dột đọc ngay Rừng Nauy, nếu bạn không muốn bị “tẩu hoả nhập ma".
Vân Anh/ kilala.vn
27/12/2017
Bài: Vân Anh
Đăng nhập tài khoản để bình luận