Review "Ame & Yuki: Những đứa con của sói"
Mamoru Hosoda là một đạo diễn, nhà sản xuất hoạt hình nổi tiếng. Ông đã làm nên thành công của Bakemono no Ko (Cậu bé và quái vật), bộ phim giàu tính nhân văn được đông đảo khán giả Việt Nam yêu mến, và Cô gái đi xuyên thời gian (The Girl who leapt through time) – Phim Hoạt hình xuất sắc nhất năm 2006 của giải Viện Hàn Lâm Nhật Bản. Sáu năm sau, Ame và Yuki – Những đứa con của sói đã lặp lại thành tích đó. Cuốn light novel được đích thân Mamoru Hosoda chuyển thể chính là cơ hội để chúng ta một lần nữa trải nghiệm những ấm áp dạt dào của tình cảm gia đình qua sức mạnh của ngôn từ.
“Người tôi yêu thương, là chàng Sói…”
Khởi nguồn của mọi chuyện là một mối nhân duyên kì lạ. Hana gặp và phải lòng một anh chàng người sói. Cô yêu anh bất chấp đã nhìn thấy hình dạng anh trong lốt sói. Họ về bên nhau, dựng xây một tổ ấm nhỏ, và hạnh phúc đón chào hai đứa con chào đời. Chuỗi ngày đau khổ bắt đầu khi anh qua đời, cô đau đớn rời thành phố cùng hai đứa trẻ nửa người nửa sói và cái bằng lái xe của anh. Cùng nhau, họ tiến lên, hòa nhập vào cuộc sống yên bình vùng ngoại ô cùng những người hàng xóm tốt bụng dẫu đôi lúc lập dị. Bằng yêu thương và kiên trì vô hạn, cô nuôi dạy hai con lớn khôn, dạy chúng biết yêu cuộc sống và con người, dung hòa chất người và sói trong chúng.
Anh chàng người sói biểu trưng cho sự khác biệt, một sự khác biệt mà đa phần xã hội chối bỏ. Chỉ có Hana toàn tâm toàn ý chấp nhận và yêu thương anh. (Ảnh: An Thuỷ)
Tình yêu vẫn mãi là đề tài bất diệt, chỉ là mỗi nghệ sĩ có cách khác nhau để tấu lên giai điệu của tình yêu. Anh chàng người sói biểu trưng cho sự khác biệt, một sự khác biệt mà đa phần xã hội chối bỏ. Chỉ có Hana toàn tâm toàn ý chấp nhận và yêu thương anh. Một tình thương vô điều kiện và thấm đẫm bao dung. Vì tình yêu cô có thể bỏ đại học, chấp nhận cùng anh sống một cuộc sống bấp bênh. Và cũng vì tình yêu đó, cô có thể mạnh mẽ đứng lên sau khi anh ra đi.
Câu chuyện nhuốm màu sắc thần thoại đặt giữa thời hiện đại mà không lúc nào khiến ta cảm thấy chút khiên cưỡng. Mamoru vẽ nên cuộc đời của ba mẹ con Hana bằng những nét giản đơn và trong sáng nhất. Ông không đi sâu vào chi tiết, ông kể chuyện từ góc nhìn của người đạo diễn đứng sau ống kính. Những lát cắt cuộc đời mười mấy năm của ba mẹ con cứ lần lượt hiện lên, chuyển từ phố thị sầm uất sang màu xanh ngút ngàn của hoa cỏ và rừng núi.
Cảm động tình mẫu tử thiêng liêng
Ame và Yuki, mưa và tuyết, lúc mềm mại như nước, lúc dữ dội tựa bão giông. Một Yuki lúc nhỏ tinh nghịch hiếu động bao nhiêu trưởng thành lại nữ tính bấy nhiêu, một Ame thuở bé nhút nhát trầm lặng bao nhiêu trưởng thành lại mạnh mẽ bấy nhiêu. Cuộc đời luôn còn đó những bất ngờ. Cuộc đời luôn muốn chúng ta phải lựa chọn, mỗi người luôn có quyền lựa chọn. Yuki đã chọn để phần người chiếm ưu thế, Ame đã chọn trở về với bản năng hoang dã. Không ai sai, không ai có thể can thiệp. Hana đã tôn trọng và khuyến khích các con cho đến phút cuối cùng, dù đó là để Yuki vào sống trong kí túc xá, dù đó là mỉm cười rơi lệ nhìn Ame quay bước vào rừng sâu, dù đó là còn lại một mình trong căn nhà trống vắng.
Balzac đã nói: “Trái tim của người mẹ là vực sâu muôn trượng mà ở dưới đáy, bạn luôn tìm thấy sự tha thứ.” Mamoru Hosoda đã xây dựng thành công hình ảnh một Hana vẻ ngoài mỏng manh mà nội tâm quật cường. Hana, đúng như cái tên của cô, đẹp như một đóa hoa từ tâm hồn đến cách sống đến tinh thần không bao giờ bỏ cuộc. (Ảnh: Mamoru Hosoda)
Mỗi khi chúng bị bệnh, nên đưa chúng đến khoa Nhi hay khoa thú y?
Cà chua đã ra quả đột nhiên héo rũ không cho thu hoạch, phải làm sao?
Tụi nhỏ cứ đột ngột biến thành sói, lỡ bị phát hiện thì thế nào?
Những băn khoăn không dứt như thế bủa vây lấy Hana. Không phải người mẹ trẻ nào cũng có thể gánh nổi ngần ấy áp lực, nhìn mùa vụ năm lần bảy lượt thất thu, nhìn hai đứa con thơ lúc hiền lành lúc cào cấu nhà cửa tan hoang. Hana ban đầu không có gì cả, không tiền bạc, không kinh nghiệm canh tác, không kinh nghiệm nuôi con. Nhưng cô vẫn sống, kiên cường tựa đóa hoa dại luôn hướng về ánh mặt trời.
Đáng quý hơn cả, cô không chối bỏ nửa dòng máu không phải con người đang chảy trong hai đứa con mình. Cô không chút giấu giếm cho chúng biết cha của chúng là Sói, một con sói lương thiện. Cô không buộc chúng kiềm hãm, cô để chúng lớn lên tự nhiên. Cô trân quý chúng vì chúng là quả ngọt kết từ tình yêu sâu đậm giữa cô và anh. (Ảnh: An Thuỷ)
Có lẽ tấm lòng thiện lương của Hana đã chạm đến mọi người, bởi xung quanh cô luôn còn đó những người hàng xóm tốt bụng. Họ là những người lớn tuổi không rời xa được ruộng vườn, họ quý mến Hana như một người con gái, một người trẻ hiếm hoi chọn sống nơi thiên nhiên thôn dã. Đọc Ame và Yuki, ta sẽ nhìn thấy một diện mạo khác của Nhật Bản, không phải những tòa nhà chọc trời, không cả những thành phố thức trắng đêm mà là một Nhật Bản hiền hòa và thanh bình hơn rất nhiều.
Không quá kịch tính, không quá bất ngờ, có thể nói đây là câu chuyện về tình yêu thương và bao dung vô bờ của người mẹ trẻ với hai đứa con nửa người nửa sói, có thể nói đây là hành trình tìm ra chính mình, nhận ra vị trí của bản thân trong thế giới của những đứa trẻ chỉ có nửa phần người. Nhưng trên hết, đây là khúc ca thật đẹp về tình yêu gia đình, tình người đầm ấm và niềm hy vọng đặt vào tương lai!
An Thuỷ/ kilala.vn
06/09/2017
Bài: An Thuỷ
Đăng nhập tài khoản để bình luận