Khám phá những hiệu sách cũ ở Nhật Bản
Là người mê sách và nếu có dịp đến Nhật, hãy tìm đến các tiệm sách cũ để thỏa niềm đam mê và cũng là dịp để hiểu hơn về văn hóa đọc của xứ Phù Tang.
Ngày nay, nghĩ đến hiệu sách cũ, bạn trẻ thường mường tượng là nơi bày những chồng sách cao nghễu ken kín các bức tường, những chồng truyện tranh chất thành từng đống, một bầu không khí vương đầy bụi và ngột ngạt? Nếu thế, hẳn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú nếu có dịp đến những cửa hàng sách cũ tại Nhật với không gian thoáng đãng và ngăn nắp đáng kinh ngạc.
Tính cách gọn gàng và thói quen ưa sắp xếp của người Nhật nói chung thể hiện rất rõ qua những tiệm sách cũ với những kệ sách ngay hàng thẳng lối và có chú thích thể loại rõ ràng. Chưa kể, các tiệm sách cũ ở Nhật có lượng sách vô cùng phong phú, tạo cảm giác không thua kém các hiệu sách thông thường. Người Nhật nổi tiếng với văn hóa bảo quản vật dụng rất cẩn thận, thế nên sách cũ được bày bán ở đó chẳng phải là những cuốn sách đã long bìa tróc gáy, mà nhiều khi chỉ đơn giản là sách do chủ nhân nhượng lại vì không cần đến nữa, nên nhiều cuốn khá mới và đẹp.
Tuy nhiên, thế giới sách cũ ở Nhật không chỉ có thế. Nếu là người yêu thích văn học Nhật Bản, bạn nên thử một lần nghía qua loạt truyện “Tiệm Sách Cũ Biblia” hay câu chuyện dịu dàng của “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki”, hai tác phẩm phản ánh chân thực thế giới sách cũ với những hiệp hội, những phiên chợ trao đổi, những phương thức kinh doanh có hệ thống và chuyên nghiệp không thua kém các hiệu sách thông thường.
Thực tế, bên cạnh những cửa hàng chỉ bán sách, tiệm sách cũ thường bán kèm cả băng đĩa, video game và phụ kiện rất phong phú. Kiểu kinh doanh kết hợp này đặc biệt hiệu quả và thu hút lượng lớn khách hàng, nhờ thế sách cũ từ lâu đã trở thành một ngành công nghiệp nhỏ song hành cùng tiệm sách thông thường với nhiều cái tên nổi tiếng như chuỗi nhà sách Book Off, phố sách cũ Jimbocho hay Infinity Book and Cafe.
Tựu chung lại, sự cẩn thận, tiết kiệm, phong cách kinh doanh nhạy bén của người Nhật đều có thể được cảm nhận rõ ràng khi bạn đặt chân vào một cửa hàng sách cũ tại xứ hoa anh đào. Thế nên lân la các cửa hàng sách tại đây tin rằng sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị.
Nhắc đến các tiệm sách cũ và văn hóa đọc sách của người Nhật, người hoài cổ sẽ nghĩ về văn hóa đọc thời xưa, đặc biệt dưới thời Minh Trị, với dân số khoảng trên 30 triệu nhưng khi cuốn “Self-Help” (Tự lo) của Samuel Smiles được Nakamura Masanao - một học giả Khổng giáo từng học bên Anh, dịch sang tiếng Nhật những năm đầu của thời Minh Trị thì quyển sách bán đến một triệu bản! Và nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng công ty ra đời đầu tiên thời Minh Trị Duy Tân là kinh doanh sách. Được sách sử ghi lại, đó là công ty nhập khẩu và kinh doanh sách Maruzen của Hayashi Yuteki. Phần lớn các học giả và nhà văn đều là khách hàng của Maruzen, trong đó có hai nhà văn lớn Akutagawa Ryunosuke và Soseki Natsume.
kilala.vn
19/08/2020
Bài & Ảnh: An Thủy
Đăng nhập tài khoản để bình luận