Dư vị tình yêu buồn bàng bạc trong “Em sẽ đến cùng cơn mưa”
Làm sao để vượt qua nỗi đau như cắt da cắt thịt khi người mình yêu sâu đậm nhưng phải âm dương cách biệt? Nếu có một phép màu kỳ diệu, người thương trở về, bạn sẽ phản ứng như thế nào?
Cuốn tiểu thuyết “Em sẽ đến cùng cơn mưa” được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nhật là “今、会いにゆきます – Ima ai ni yukimasu" của nhà văn Ichikawa Takuji. Được in lần đầu vào năm 2003, tác phẩm đã tạo được tiếng vang không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên khắp châu Á, góp phần đưa tên tuổi của Ichikawa Takuji trở thành nhà văn lãng mạn hàng đầu Nhật Bản. Bên cạnh các phiên bản chuyển ngữ, cuốn tiểu thuyết còn được chuyển thể thành phim, kịch và truyện tranh. Ở Việt Nam, "Em sẽ đến cùng cơn mưa" được xem là một trong những tác phẩm đầu tiên đưa Ichikawa Takuji đến với độc giả Việt, từ đó đưa tên tuổi ông vào hàng những tác giả được yêu thích nhất với lượng sách bán ra ấn tượng cho đến cả các tác phẩm sau này.
Tác phẩm đưa độc giả vào bối cảnh không thể oái oăm hơn ngay từ những trang mở đầu. Ông bố Takumi hay “Takkun” (cách gọi thân thiết mà cậu con trai 6 tuổi gọi bố) nhút nhát, sợ đám đông và không thể đi tàu điện, máy bay, quên những thứ không được phép quên với bộ cảm biến trong cơ thể cực nhạy, sống cùng cậu con trai Yuji đã 1 năm kể từ khi người vợ Mio qua đời. Nhưng vào đầu mùa mưa tháng 6, trong một lần đi dạo xưởng rượu cũ bỏ hoang, hai bố con bất ngờ gặp lại Mio nhưng cô lại chẳng còn bất kỳ ký ức nào của người vợ – người mẹ mà hai bố con hết mực yêu thương. Tại sao lại như vậy? Và lần gặp lại này, hai bố con nhà Takkun sẽ phản ứng ra sao?
“Tinh Cầu Lưu Trữ” – cách thi vị hóa Thiên Đường làm dịu đi nỗi đau mất người thân
Ngay từ lúc mở đầu tiểu thuyết Em sẽ đến cùng cơn mưa, chi tiết về "Tinh cầu lưu trữ" ắt hẳn đã khiến nhiều người cảm thấy thích thú bởi cách miêu tả Thiên đường một cách rất thi vị và độc đáo. Người bố Takkun đã bảo với con trai Yuji rằng đây là nơi người ta sẽ đến sau khi qua đời và rằng chừng nào vẫn có ai đó nghĩ đến, họ còn được sống ở tinh cầu đó. Cậu bé Yuji 6 tuổi nhanh nhảu hỏi bố: “Nếu có ai đó quên họ thì sao ạ?”. Thì họ sẽ buộc phải rời tinh cầu. Lần này mới là lần chia tay thực sự. Người bố Takkun dịu dàng giải thích cho con trai. Tiệc chia tay có bánh gato không, có trứng cá hồi không, cậu bé Yuji hỏi thêm vì trứng cá hồi là món cậu bé thích.
Tại Tinh Cầu Lưu Trữ với những thư viện sách lớn và hành lang dài, cậu bé Yuji tin rằng mẹ Mio cũng đang viết sách về hai bố con và dõi theo họ mỗi ngày. Takumi – một người cha tinh tế đang gánh vác trọng trách vừa làm mẹ, vừa làm cha đã sáng tạo nên hình ảnh Tinh Cầu Lưu Trữ để trái tim mong manh của đứa con trai 6 tuổi không phải chịu nhiều tổn thương.
Bất kỳ ai đã từng trải qua nỗi đau mất người thân, có lẽ đọc đến đây cũng sẽ khó mà kìm nổi nước mắt. Vì những ký ức về người thân sẽ luôn được cất giữ ở một vị trí quan trọng trong tim, và dù không muốn tin cũng muốn tìm một nơi giống như Tinh Cầu Lưu Trữ để giữ họ mãi mãi trong lòng. Mỗi lúc nhớ về người thân đã mất, ta lại tự nói với lòng rằng họ đang ở Tinh Cầu Lưu Trữ và luôn ở bên ta từng giây, từng phút.
Tình yêu mãnh liệt được thể hiện qua các chi tiết giản dị
Một trong những điểm khác thu hút độc giả, đó chính là tình yêu đôi lứa, vợ chồng và cha mẹ dành cho con cái trong tác phẩm Em sẽ đến cùng cơn mưa được thể hiện qua ngòi bút của nhà văn Ichikawa Takuji mới nhẹ nhàng làm sao dù mức độ yêu chẳng gì đo đếm được.
Sau khi vợ Mio trở về từ “cơn mưa”, anh Takumi đã hồi tưởng và kể lại câu chuyện tình yêu từ thưở còn học cấp 3 với cô. Dù cả ba năm học đều ngồi xoay quanh Mio, nhưng cả hai chỉ nhìn nhau, giữ kín nỗi lòng nhớ thương trong tim mà chưa dám bộc bạch. Mãi đến sau khi tốt nghiệp cấp ba, họ mới chính thức hẹn hò. Họ ngồi nói chuyện với nhau 5 tiếng mà không hề chạm đến ngón tay út. Họ tự cho mình là những người yêu “nghiêm túc” và dự đoán cứ theo cái đà nghiêm túc này, 3 năm mới chính thức hẹn hò sau lần gặp đầu tiên, thì cũng phải 3 năm nữa mới mới tính đến chuyện kết hôn. Rồi cả giai đoạn nắm tay, hôn nhau cũng không cần vội vì em sẽ là người sống cùng anh cả đời.
Bố Takkun trong truyện cũng vô cùng nhẫn nại với “Một vạn câu hỏi vì sao” từ con trai Yuji và cùng con mô tả thật chi tiết Tinh Cầu Lưu Trữ. Có những lúc bố Takkun vì mãi mê viết lại nhật ký mà quen đón Yuji từ rạp chiếu phim, cậu bé chỉ khóc hỏi bố có sao không, bố có mệt không. Những lúc bố Takkun “hết pin”, Yuji lại một mình chạy đi mua đồ ăn về cho bố. Hai bố con cứ thế mà nương tựa vào nhau, nương theo những ký ức đẹp về mẹ Mio mà sống.
Không cần những tình tiết cao trào, cũng không có những câu từ miêu tả tình yêu mãnh liệt mà chỉ cần qua các chi tiết nhỏ nhặt cũng khiến người xem động lòng trước tình yêu lứa đôi và tình cảm gia đình được khắc họa trong tác phẩm này.
Vì sao tiêu đề lại là “Em sẽ đến cùng cơn mưa”?
“Em sẽ đến cùng cơn mưa” được đặt làm tiêu đề vì người vợ Mio trở về vào mùa mưa đầu tháng 6. Mio từng hứa với Takumi trước lúc ra đi là sẽ quay trở lại vào mùa mưa để xem hai bố con sống ra sao, và tất nhiên cô đã giữ lời hứa của mình. Khi mùa mưa kết thúc cũng là lúc Mio thực sự trở về với Tinh cầu lưu trữ.
Chi tiết hai bố con đang dạo chơi tại xưởng rượu cũ và nhặt nhạnh bu lông rồi đem chôn xuống đất thì bất ngờ gặp được mẹ Mio đang mặc chiếc váy hồng tại cánh cửa có ghi số 5 trong ngày mưa lạnh tháng 6 khiến con tim độc giả như lỡ một nhịp vì nghẹn ngào, vì tình yêu lớn lao của hai bố con dành cho mẹ Mio đã được đền đáp. Đây có lẽ là cú plot twist – tình huống đảo chiều đầy tính nhân văn xuyên thời gian, không gian mà tác giả dành cho tặng hai bố con Takkun và cả độc giả nữa.
Câu chuyện mở ra nhẹ nhàng thế nào thì cũng khép lại một cách dịu dàng chừng ấy. Vượt ra khỏi mọi ranh giới về tính hiện thực và logic, ý tưởng quay ngược thời gian của Em sẽ đến cùng cơn mưa là một trong những yếu tố đắt giá khiến đây được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Takuji Ichikawa.
Sự thật đằng sau lý do sáng tác tác phẩm và chân dung ngoài đời thực của nhà văn Ichikawa Takuji
Qua cơ hội trao đổi với nhà văn về cuốn “Em sẽ đến cùng cơn mưa” qua kênh Instagram, ông đã chia sẻ hình mẫu người vợ Mio trong tác phẩm là lấy nguyên tác từ mẹ ông vì bà cũng đã sinh khó và sau đó, sức khỏe dần suy yếu nhưng bà vẫn cố gắng hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của người làm mẹ. Việc ông trở thành nhà văn và truyền cảm hứng tới những người khác có lẽ là lý do mà mẹ ông đã sinh ra ông, chính vì vậy, ông sẽ tiếp tục vai trò nhà văn này và cho ra đời nhiều tác phẩm khác. Đặc biệt, ông chia sẻ thêm là bất kỳ lúc nào sức khỏe cho phép, ông nghĩ ông cũng muốn đến Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là một nhà văn vô cùng thân thiện và quan tâm đến từng bạn hâm mộ, Ichikawa Takuji luôn trả lời từng chiếc “comment”, từng “inbox” trên kênh Instagram của mình.
Nếu bạn yêu thích phong cách nhẹ nhàng, lãng mạn của nhà văn Ichikawa Takuji, bạn có thể tìm thêm về tác phẩm “Nơi em quay về có tôi đứng đợi” tại đây.
Kilala.vn
Đôi nét về nhà văn Ichikawa Takuji:
05/03/2021
Bài: Ngọc Oanh
Ảnh: Phương Nguyên
Đăng nhập tài khoản để bình luận