"Nơi em quay về có tôi đứng đợi" - Một ý niệm khác về tình yêu

    Chia ly không phải là đề tài mới mẻ trong văn học nhưng ở mỗi thời kì, mỗi cá tính văn chương sẽ có những cách khai thác khác nhau. Ở “Nơi em quay về có tôi đứng đợi”, Ichikawa Takuji lại chọn một lối đi không giống ai khi viết nên câu chuyện về cuộc chia ly vốn nhuốm màu buồn thương nhưng rất đỗi dịu dàng, sáng trong và lấp lánh ánh nắng.

    Cuộc đời là chuỗi hội ngộ và chia ly

    Mở đầu tác phẩm , Ichikawa Takuji mở ra trước mắt người đọc hình ảnh gợi hình đầy cảm xúc: “Kí ức ban sơ nhất , chính là màu trắng đẹp đẽ của chiếc áo lót nhìn qua lần áo sơ mi của em”. Nhân vật chính là Satoshi và Yuko, cả hai quen biết nhau từ năm mười lăm tuổi, khi còn là bạn đồng môn thời Trung học. Năm 18 tuổi, cũng vào một ngày thu khi “những cành cây đã nhuốm sắc thu khe khẽ đung đưa theo gió, phát ra những tiếng rì rào, giống như bọn trẻ con huýt sáo”, họ lại gặp nhau lần nữa. Những rung động đầu đời ấy như thể hạt mầm đã ủ mình thật lâu trong đất, chỉ chờ ngày vươn đón ánh nắng mai. Họ đã dành hết những niềm yêu cho mối tình đầu của mình, như thể bù đắp lại khoảng thời gian ba năm dài mà cả hai đã lỡ bỏ, chỉ bởi “thường ngày chúng mình toàn để lỡ cái một chút ấy”.

    nơi em quay về có tôi đứng đợi

    Gần tốt nghiệp Đại học, Yuko có thai, cả hai quyết định cưới nhưng lại phải chịu sự phản đối gay gắt từ cả hai bên gia đình.“Câu nói kinh khủng này khiến sắc mặt chúng tôi tái mét, chuẩn bị phản kháng đến cùng những ông bố, bà mẹ lạnh lùng kia. Trong tay họ toàn là vũ khí hạng nặng như xã hội, thường thức và đạo đức”. Cuối cùng, cả hai chọn từ bỏ gia đình để dọn về sống cùng nhau, vun vén một tổ ấm mới. Ý nghĩa của tình yêu, phải chăng là thế: không cần sự đồng ý từ ai khác, chỉ cần hai người hiểu và sẵn sàng nắm tay nhau đi qua mọi bình yên hay giông bão, là đã trọn vẹn lắm rồi.

    Nhưng trớ trêu thay, Yuko bỗng nhiên mắc phải một chứng bệnh kì lạ: cơ thể cô cứ dần “trẻ hóa” một cách khó hiểu, thậm chí trở về trong bộ dạng của một đứa trẻ lên năm. Dẫu đứa bé không được sinh ra, Yuko phải đối mặt với cơ thể ngày một bé đi, nhưng ít nhất trong trái tim của Yuko, của Satoshi, luôn có một khoảng trống thật đẹp dành trọn cho đứa bé ấy. Điều còn lại sau tất thảy chính là tình yêu và những kí ức, dẫu chúng có ít ỏi đến mức nào. Vì “Cuộc đời vốn là những chuỗi hội ngộ và chia ly. Hội ngộ là để chia ly. Chia ly là để có ngày hội ngộ. Chỉ cần có tình yêu thì sự chia ly cũng không còn đáng sợ”.

    Một ý niệm khác về tình yêu

    Chợt nhận ra, tình yêu đẹp nhất không nằm ở năm tháng rộng dài bên nhau, mà nằm ở thẳm sâu bên trong trái tim của người đang yêu. “Thế giới lớn hay nhỏ, có nhiều hay ít người liên hệ với mình, thời gian ở bên nhau dài hay ngắn, những thứ ấy đều chẳng có ý nghĩa nhiều lắm. Bởi lẽ, hạnh phúc, chỉ tồn tại trong trái tim nhỏ bé nhường này”. Sẽ thật sai lầm nếu ai đó nói rằng “Nơi em quay về có tôi đứng đợi” đẫm màu sắc ngôn tình. Bởi mọi cảm xúc đều được Ichikawa Takuji lột tả thực đến mức tưởng như đó là câu chuyện của chính ông vậy. Người đọc không có cảm giác như đang lạc vào một thế giới xa lạ, mọi thứ đều gần gũi và thân quen như cuộc sống bình dị thường ngày. Yêu nào phải câu chuyện lớn lao, phức tạp, nó đơn giản chỉ là những rung động của trái tim mà thôi.

    nơi em quay về có tôi đứng đợi

    Thật hạnh phúc nếu được hội ngộ người mình hằng yêu thương và mong đợi. Nhưng cũng không hẳn là bất hạnh nếu hội ngộ phút chốc đã chia ly. Bằng niềm tin và tình yêu, người ta sẽ nương tựa vào đó để học cách sống, học cách tiếp tục vươn lên.  Không phải gượng ép mà là dần quen.

    Quả thật con người là thế, thường dành phần lớn cuộc đời của mình vào việc chờ đợi: chờ đợi một mối duyên tình, chờ đợi người mình yêu, chờ đợi người yêu thương mình thật lòng. Chờ đợi không đáng sợ, đáng sợ là khi bạn không biết phải chờ đến bao giờ. Nhưng nếu biết trước có thể đợi được bao lâu, thì còn ai đợi ai làm gì?

    kilala.vn

    “Chẳng hiểu sao, đợi ở đây anh cứ liên tưởng nước Nga ở thời chế độ cũ ấy. Để có được thức ăn và quần áo, người Nga phải xếp hàng thật là dài, kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình. Tính toán ra trung bình người Nga phí một nửa cuộc đời vào việc “chờ đợi”. 

    11/05/2020

    Bài: ROAN
    Ảnh: Lana

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!