Hà Giang: Lạ lùng miền đá. nở hoa
Hiếm một lễ hội nào kéo dài và được cư dân miền xuôi ưa thích như lễ hội hoa Tam Giác Mạch (năm nay lễ hội Tam Giác Mạch bắt đầu từ 24/11 – 31/12). Taikei Sekine, lữ khách Nhật lần đầu rong ruổi bằng xe máy trên cung đường Đồng Văn – Mèo Vạc để diện kiến vẻ đẹp hoa Tam Giác Mạch đã phải thốt lên: “Đẹp đến kinh ngạc!”
Cung đường đèo dốc hướng về cao nguyên đá Đồng Văn càng cao dần, nổi bật trên nền xám đen của lớp lớp đá tai mèo nhọn hoắt, những nụ hoa li ti, mong manh đang rộn khoe sắc thắm. Đấy chính là Tam Giác Mạch, một loài hoa, một vẻ đẹp huyền diệu, một huyền thoại, một loại lương thực giá trị nơi địa đầu tổ quốc.
Ruộng hoa Tam Giác Mạch nở rộ trên cung đường Yên Minh – Đồng Văn. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Hoa Tam Giác Mạch nở chen trong đá tai mèo ở Xà Phìn. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Du khách tham quan các gian hàng đặc sản ở Lễ hội Tam Giác Mạch Hà Giang lần III. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Phượt thủ ghi lại vẻ đẹp hoa Tam Giác Mạch. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Tam Giác Mạch có ở khắp miền, chỗ trồng trang trí, chỗ mọc hoang, nhưng vẻ đẹp thực sự của Tam Giác Mạch thì những Mèo Vạc, Đồng Văn, Lũng Cú, Quản Bạ, Yên Minh… trên vùng biên Hà Giang mới thực sự trở nên rực rỡ, long lanh và quyến rũ nhất. Người ta bảo đất càng cằn cỗi, thiếu dưỡng chất, đá tai mèo càng lởm chởm, hơi lạnh của đá núi khiến hoa Tam Giác Mạch càng đẹp. Vẻ tương phản ấy dường như là sự tương trợ cho nhau, một bên khô cứng, cằn cỗi, hiểm trở của đá, với một bên e ấp, mong manh từ những sắc thắm của hoa Tam Giác Mạch tạo cho vùng cảnh quan nơi Hà Giang trở thành một điểm hẹn lý tưởng để tụ về mỗi dịp cuối thu.
Từ việc mọc hoang dã, hoa Tam Giác Mạch nay được trồng quy hoạch để làm điểm du lịch ngoạn cảnh khắp vùng cao nguyên Hà Giang. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Trẻ em H’mông bản địa vui cùng mùa hoa Tam Giác Mạch. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Trên miền cao nguyên núi đá, cũng là không gian của chợ phiên, của những lễ hội truyền thống, nhưng hiếm một lễ hội nào kéo dài và được cư dân miền xuôi ưa thích như lễ hội hoa Tam Giác Mạch (năm nay lễ hội Tam Giác Mạch bắt đầu từ 24/11 – 31/12). Trong những ngày này, từng đoàn lữ khách trong nước và quốc tế chinh phục cung đường ngoằn ngoèo dốc núi, thẳng hướng cao nguyên đá Đồng Văn, với mục đích chính yếu là để diện kiến vẻ đẹp kiều diễm của hoa Tam Giác Mạch. Taikei Sekine, lữ khách Nhật lần đầu rong ruổi bằng xe máy trên cung đường Đồng Văn – Mèo Vạc để diện kiến vẻ đẹp hoa Tam Giác Mạch đã phải thốt lên: “Đẹp đến kinh ngạc”, bởi chưa từng chứng kiến một vẻ đẹp tương tự.
Mùa hoa Tam Giác Mạch là thời điểm đẹp nhất của năm để lên non thăm cao nguyên đá. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Tam Giác Mạch nở trắng trên cung đường Đồng Văn – Mèo Vạc. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Với người miền cao, Tam Giác Mạch còn là một loại lương thực chế biến thành nhiều đặc sản, những món cổ truyền của đồng bào dân tộc có bánh Tam Giác Mạch nướng, bột Tam Giác Mạch chiên, hoặc chế biến rượu từ Tam Giác Mạch. Ba năm trở lại đây, bột Tam Giác Mạch còn được chế biến thành mì Soba theo phong cách Nhật và rất được lữ khách ưa chuộng. Đến với Hà Giang mùa hoa Tam Giác Mạch chính là cơ hội để thưởng thức những đặc sản từ Tam Giác Mạch, hoà mình cùng vẻ đẹp hấp dẫn của miền đá nở hoa.
Lên cao nguyên đá mùa Tam Giác Mạch, cũng là cơ hội khám phá phong vị ẩm thực hấp dẫn của miền cao Hà Giang. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Món xôi nếp thơm dẻo đẹp từ cái nhìn đầu tiên. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Tô mì Soba kiểu Nhật với nguyên liệu hoàn toàn Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Bánh nướng làm từ bột Tam Giác Mạch, món chống đói hiệu quả cho các phượt thủ trên cung đường lên cao nguyên đá.(Ảnh: Nguyễn Đình)
Tiệm bánh rán làm từ bột Tam Giác Mạch. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Gian hàng giới thiệu món mì Soba kiểu Nhật làm từ bột Tam Giác Mạch với giá siêu rẻ. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Nguyễn Đình/ kilala.vn
29/11/2017
Bài, ảnh: Nguyễn Đình
Đăng nhập tài khoản để bình luận