Vì sao người Nhật chuộng dùng gỗ?
Là đất nước có nguồn tài nguyên rừng dồi dào, gỗ là vật liệu chế tác và xây dựng quen thuộc của người Nhật từ xưa đến nay. Từ những món đồ gia dụng trên bàn ăn đến những ngôi nhà truyền thống hay đền thờ lớn, gỗ dường như hiện diện khắp nơi trong đời sống của người dân xứ sở mặt trời mọc. Cùng Kilala tìm hiểu vì sao gỗ được sử dụng rộng rãi trên khắp Nhật Bản trong bài viết dưới đây nhé!
Gỗ gắn liền với đời sống và văn hóa tinh thần
Từ xưa, người Nhật đã luôn dành sự tôn kính đặc biệt cho thiên nhiên và cây cối. Kể cả sau khi bị đốn hạ, gỗ vẫn được xem là biểu tượng của sự sống, là thực thể gần với thần linh. Vì vậy mà gỗ là vật liệu quan trọng trong các công trình kiến trúc tâm linh như chùa chiền hay các đền thờ Thần đạo.
Tại Thần Cung Ise, một trong những ngôi đền Thần Đạo quan trọng nhất Nhật Bản, cứ mỗi hai mươi năm một lần, người dân Nhật Bản lại tổ chức nghi lễ Shikinen Sengu - truyền thống xây dựng lại các đền thờ. Tại đây, người ta sẽ tổ chức nghi lễ đốn hạ cây để xây dựng đền thờ mới. Những cây được chọn để làm cột trụ chính của đền được xem như biểu tượng của sự tái sinh, kết nối con người với thế giới của các vị thần.

Hay như khi đi dạo ở những khu phố cổ tại Kyoto hay Nara, bạn có thể trông thấy những ngôi nhà truyền thống của Nhật được xây dựng với vật liệu phần lớn là gỗ, từ sàn nhà, cột nhà, mái dầm cho đến cửa trượt.
Nhật Bản là đất nước có khí hậu ẩm ướt vào mùa hè, hanh khô vào mùa đông, gỗ lại mang đặc tính cách nhiệt và hút ẩm nên rất phù hợp để xây dựng nhà ở, giúp những ngôi nhà này ấm áp vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.

Cùng với đó, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như thiên tai, động đất, mưa bão, những ngôi nhà gỗ tại Nhật Bản cũng được thiết kế để chịu được những cơn rung chấn. Do gỗ nhẹ hơn đá, gạch hoặc cốt thép, lại dẻo dai và có tính đàn hồi nên tòa nhà sẽ ít rung chấn hơn khi xảy ra động đất. Ngoài ra, do gỗ dễ tìm và thời gian thi công ngắn, người Nhật cũng có thể nhanh chóng xây dựng lại từ đầu sau thiên tai.
Thêm một lý do nữa không kém phần quan trọng, đó là gỗ là vật liệu tự nhiên, có thể tái tạo và thân thiện với môi trường. Cùng với vẻ đẹp đơn giản mà tinh tế, gỗ phù hợp với triết lý sống hòa hợp với thiên nhiên của người Nhật.
Tính đàn hồi và linh hoạt, bền bỉ kể cả khi bị uốn cong khiến gỗ là chất liệu được sử dụng rộng rãi trong việc chế tác đồ thủ công, đồ gia dụng hay nội thất.

Sự đa dạng về chất lượng của gỗ Nhật Bản
Khí hậu Nhật Bản với bốn mùa rõ rệt và độ ẩm cao, là điều kiện lý tưởng cho các khu rừng phát triển, các loại gỗ vì thế cũng đa dạng và phong phú cả về đặc tính lẫn chất lượng. Những loại gỗ thường được sử dụng tại Nhật gồm có gỗ tuyết tùng (Sugi), gỗ cây bách (Hinoki), gỗ thông liễu (Karamatsu) và gỗ cây linh sam (Todomatsu).
Gỗ cây bách Hinoki nổi tiếng với hương thơm dễ chịu và bền bỉ, có khả năng chống chịu thiên tai và tránh côn trùng gây mục nát, thường được sử dụng để xây dựng các công trình kiến trúc. Một trong số những công trình nổi tiếng sử dụng gỗ cây bách là chùa Horyuji - một trong những ngôi chùa gỗ lâu đời nhất thế giới, vẫn trường tồn trong suốt hơn 1.400 năm qua.

Gỗ cây tuyết tùng Sugi thì có khả năng điều hòa nhiệt độ, hút ẩm và dễ gia công, được dùng trong chế tác đồ gia dụng và nội thất. Chẳng hạn như hộp gỗ uốn cong Magewappa, nổi tiếng với đặc tính khử trùng tự nhiên và hấp thụ độ ẩm dư thừa, giữ cho thức ăn luôn tươi ngon.

Cùng với đó, những tiến bộ trong công nghệ xây dựng và xử lý gỗ đã giúp nâng cao giá trị của vật liệu này. Hiện nay, công nghệ xử lý nhiệt nitơ (S-Tech) của Nhật sử dụng nhiệt độ trên 200°C dưới áp suất trong nhiều giờ, giúp phân hủy các thành phần gây mục gỗ, tăng khả năng chống côn trùng và kéo dài tuổi thọ vật liệu mà không cần xử lý hóa chất, giảm tác động lên môi trường, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững SDGs của Nhật Bản.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận