Vì sao LINE được ưa chuộng tại Nhật?
Ứng dụng LINE là gì?
LINE là một ứng dụng phần mềm miễn phí để liên lạc tức thì trên các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính cá nhân. Người dùng đường truyền trao đổi văn bản, hình ảnh, video và âm thanh, đồng thời tiến hành các cuộc hội thoại và trực tiếp video miễn phí.
Ban đầu, Tập đoàn Naver (Hàn Quốc) đã ra mắt ứng dụng nhắn tin NAVER Talk vào tháng 02/2011 tại quốc gia này. Tuy nhiên, do thị trường tin nhắn nơi đây bị Kakaotalk thống trị, hoạt động kinh doanh của NAVER Talk gặp nhiều khó khăn và buộc họ phải mở rộng thị trường đến các quốc gia khác.
Sau đó, ứng dụng tin nhắn NAVER lại cho phát hành ứng dụng nhắn tin là LINE, lần đầu xuất hiện tại thị trường Nhật Bản năm 2011. Khi LINE trở nên thành công rực rỡ, NAVER đã kết hợp NAVER Talk và LINE vào tháng 3/2012. Đồng thời, NAVER đã đổi tên công ty con tại Nhật Bản từ NHN Japan thành LINE Corporation.
Vì sao LINE gây sốt tại Nhật?
Câu chuyện lịch sử
Ngay sau thảm họa kép xảy ra năm 2011 ở vùng Đông Bắc nước Nhật, mạng điện thoại di động quá tải đến mức phải mất 5 - 6 giờ mới gửi - nhận được một tin nhắn văn bản đơn giản. Thế nhưng, dù hệ thống mạng viễn thông quá tải nhưng mạng internet lại ở mức tương đối ổn định. Mặc dù vậy, chất lượng mạng lại “hơi quá sức” để bạn có thể gửi một bức e-mail hay sử dụng một số ứng dụng đòi hỏi nhiều dung lượng khác. Các kỹ sư của Line Corporation (lúc này là NHN Japan) đã dựa vào tiền đề này để phát triển cách gửi tin của LINE dựa trên nền tảng dữ liệu và đường truyền cho phép, hỗ trợ liên lạc kết nối ngay cả khi gặp thiên tai.
Tính riêng tư và kết nối
Nếu từng sở hữu tài khoản LINE bạn sẽ biết được tính bảo mật cao của ứng dụng này. Một khi đổi thiết bị đăng nhập, bạn luôn nhận được thông báo trên thiết bị sử dụng trước đó. Khi chuyển ứng dụng sang thiết bị khác, nếu không biết thực hiện thao tác hồi phục, các tin nhắn cũ sẽ bị khóa và không đọc lại được.
Ngoài ra, LINE cho phép sử dụng các các cuộc trò chuyện ẩn, có thể hẹn giờ thu hồi tin nhắn để giữ bảo mật nội dung cuộc trò chuyện. Cửa sổ hội thoại LINE được thiết kế theo cách hạn chế nhìn trộm. Điều này càng thể hiện rõ sự đề cao quyền riêng tư. So với các quốc gia khác, người Nhật sống nội tâm và kín tiếng, cực kỳ tôn trọng quyền riêng tư của bản thân cũng như người khác.
Điểm thu hút khác của LINE là ở tính năng tạo nhóm trò chuyện. Tính năng này được cho là bắt nguồn từ văn hóa hội nhóm của Nhật Bản. Người Nhật xem trọng sự hài hòa, hỗ trợ giữa người với người trong tập thể. Chẳng hạn như trong công việc, teamwork tốt chính là yếu tố quan trọng để tạo ra năng suất cao. Đặc tính này đã ăn sâu vào trong nhận thức của nhiều người từ khi còn nhỏ.
Do đó, khi LINE xuất hiện và tích hợp tính năng trò chuyện nhóm thì được nhiều người đón nhận. Năm 2015, LINE đã tung ra một ứng dụng android có tên "Popcorn buzz". Ứng dụng này tạo điều kiện cho các cuộc gọi nhóm với tối đa 200 thành viên, đáp ứng nhu cầu thiết thực này.
Hình ảnh hóa cảm xúc
Bên cạnh tin nhắn văn bản, người Nhật rất thích sử dụng các biểu tượng cảm xúc như Emoji hay các stickers để cuộc hội thoại được sinh động hơn. LINE nổi tiếng với việc có nhiều stickers đa dạng và cực kỳ đáng yêu. Hệ thống nhân vật LINE Friends đa dạng, quen thuộc nhất và cũng gần như mang tính biểu tượng chính là Cony, Brown, Moon and James.
Những năm gần đây, LINE hợp tác với nhiều thương hiệu, chuỗi nhà hàng, cà phê, các illustrator nổi tiếng,. để cho ra đời các bộ sưu tập stickers độc quyền. Trong đó, đình đám nhất phải kể đến bộ stickers hợp tác với BTS để cho ra đời những “người bạn” mới là các nhân vật BT21.
Điều tiện dụng của hệ thống stickers LINE là người dùng không cần phải khó khăn tìm kiếm sticker phù hợp mà khi gõ tin nhắn có nội dung hoặc cảm xúc liên quan, hệ thống LINE sẽ đề xuất những sticker phù hợp với nội dung đó. Người Nhật vốn dễ “xiêu lòng” với những thứ kawaii, thế nên “xiêu lòng” với LINE cũng không quá khó hiểu.
Tích hợp nhiều tính năng
Ngoài tính năng nhắn tin, trao đổi, LINE còn tích hợp nhiều tiện ích khác nhau như: News (tin tức), LINE pay (thanh toán), gửi quà cho bạn bè, kết bạn bằng cách quét mã… Trong ứng dụng có mục tạo ghi chú và album cơ bản để lưu và quản lý nội dung, hình ảnh.
Qua thời gian, LINE phát triển thành một nền tảng, cung cấp nhiều ứng dụng phụ như: LINE Game - chỉ chơi game của LINE khi đã có tài khoản, LINE Taxi - ứng dụng gọi xe được phát hành tại Tokyo được xem là đối thủ cạnh tranh với Uber, LINE camera - ứng dụng chụp ảnh, LINE Kids Video - cung cấp video với nội dung giáo dục giải trí, phù hợp với trẻ em,.
Bản chất người Nhật ưa chuộng sự tiện lợi thích LINE cũng là một điều dễ hiểu, bởi ứng dụng này tích hợp nhiều chức năng tạo cảm giác thuận tiện cho việc sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Hiệu ứng đám đông
Dù ở đâu đi nữa thì việc bạn làm gì, nghĩ thế nào sẽ phụ thuộc ít nhiều vào hiệu ứng đám đông, Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Khi mọi người xung quanh có xu hướng ưa chuộng sử dụng một ứng dụng nào đó, nếu phục vụ cho mục đích liên lạc giao tiếp chính thì bạn buộc phải sử dụng, dù có không thích nó đi chăng nữa.
Đó cũng là lý do vì sao thường mỗi quốc gia, khu vực sẽ sử dụng một ứng dụng phổ biến: Việt Nam chuộng Zalo và Facebook Messenger, Trung Quốc chuộng Wechat và QQ, Hàn Quốc dùng Kakaotalk chủ yếu, Nga dùng Telegram… Và Nhật Bản thì dùng LINE.
Theo con số thống kê từ blog.comnico.jp, LINE là ứng dụng nhắn tin và cũng là mạng xã hội được nhiều người Nhật chọn sử dụng nhất. Tính đến tháng 5/2020, có đến khoảng 83 triệu người Nhật dùng LINE, trong đó có hơn 95% là lứa tuổi thanh thiếu niên sử dụng.
Đến với thị trường Nhật Bản đã 9 năm, vị thế của LINE chỉ có tăng chứ không giảm. Nếu nói ban đầu người ta đến với LINE chỉ vì tò mò hiếu kỳ thì qua thời gian, chính sự thú vị và cải tiến thông minh của LINE đã giữ chân người dùng.
kilala.vn
11/08/2020
Bài: Aki Kanou
Đăng nhập tài khoản để bình luận