Vẻ sang trọng của đồ sứ Noritake

    Đồ sứ Noritake mà người Sài gòn trước 1975 biết tiếng không phải là nhãn hiệu gốm sứ có lịch sử lâu dài giống như các hiệu Kutani, Imari hay Bizen. Tuy vậy đồ sứ Noritake được xem là lọai đồ sứ cao cấp bởi vẻ đẹp tinh xảo, kiểu dáng đẹp, lớp men mịn màng bóng loáng. Dinh Độc lập trước 1975 là nơi trang bị các bộ bày bàn ăn đặt từ hãng Noritake cùng với đồ ăn bằng bạc của hãng Pháp Ravinet. Khoảng cuối thập niên 60, đầu 70, những bộ bày bàn ăn Noritake nhập khẩu từ Nhật đuợc bày bán trong các cửa hàng P.X  dành riêng cho sĩ quan Mỹ. Từ đó, chúng đuợc các bà vợ người Việt của họ đưa ra thị trường, mỗi bộ khoảng 72 món bao gồm chén, tô, dĩa, liễn, ấm và tách trà…

    Vẻ đẹp tinh xảo và sang trọng của đồ Noritake rât thu hút, đánh bại hàng đồ sứ Đài Loan hay Hồng Kông màu mè. Gia đình nào khá giả mới mua nổi nguyên bộ. Có người mua trả góp từng tháng cho đủ bộ. Đa số mua lẻ bộ tách ấm trà hay vài cái dĩa đủ cỡ. Đó là lý do hầu như khó tìm thấy đồ sứ Noritake đủ bộ ở phố đồ cổ Lê Công Kiều.

    đồ sứ Noritake
    Photo: noritakechina

    Là dòng gốm sứ nổi tiếng của Nhật, nhưng ý tưởng về chúng lại nảy sinh trên đất… Mỹ. Lúc đó là cuối thế kỷ 19, sau mấy trăm năm đóng của tự cô lập với thế giới, Nhật Bản bỏ chính sách bế quan tỏa cảng và gửi một phái đoàn sang Hoa Kỳ. Trong số dự chuyến đi này, có một người tên là Baron Morimura.

    Morimura nhanh chóng nhận ra thị trường tiềm năng của những đồ sứ chất lượng cao của Nhật ở nước ngoài. Khi trở về Nhật Bản, ông lập ra công ty buôn bán đồ sứ, đặt văn phòng tại Tokyo và New York. Chỉ trong thời gian ngắn, vào năm 1904, ông quyết định bước vào lãnh vực sản xuất đồ sứ, và xây dựng một xưởng sản xuất riêng tại ngôi làng nhỏ có tên Noritake, vùng ngọai ô cận Nagoya, khu vực có nguồn nguyên liệu thô và một cộng đồng thợ gốm rất tài năng. Công ty thương mại này được lập nên lấy tên là Nippon Toki Kaisha. Đây chính là tiền thân của công ty Noritake hiện nay, có trụ sở chính đặt tại làng Noritake.

    Trong hơn một thế kỷ qua, công ty đa quốc gia “Kaisha” này đã phát triển mạnh mẽ, và tách  ra nhiều công ty con khác. Hầu hết những sản phẩm ban đầu xuất sang phương Tây của các công ty này đều mang những cái nhãn “Nippon” ở mặt sau.  Ngày nay, đa số các nhà sưu tầm đều đồng ý rằng những sản phẩm chất lượng nhất trong thời đại Nhật Bản (Nippon-era) (1891-1921) là những món đồ sứ vẽ tay có mang nhãn hiệu của công ty Noritake.

    những sản phẩm sứ Noritake

    Năm 1910, những sản phẩm sứ Noritake đầu tiên đã lên tàu xuất sang Hoa Kỳ, dưới tên công ty Nippon Toki Kaisha.  Mặc dù từ những năm 1920, khách hàng và những nhà sưu tập đều gọi những món đồ sứ này là “Noritake” hay chung hơn là “Nippon” thì cho đến tận năm 1981, công ty mẹ mới chính thức đổi tên thành Noritake Co., Limited. Rõ ràng,  Noritake là tên địa danh, vì thế lúc đầu công ty bị cấm không được đăng ký cái tên này như một thương hiệu. Đến năm 1981, khi công ty đã xây dựng được một uy tín và danh tiếng nổi bật trên khắp thế giới với các sản phẩm có chất lượng tuyệt hảo, chính quyền mới cho phép công ty đăng ký sở hữu cái tên "Noritake."

    Trải qua nhiều thời đại, đồ sứ Noritake mang nhiều nhãn hiệu khác nhau và đây luôn là căn cứ để xác định niên đại món đồ của người sưu tầm. Nhãn mác đầu tiên là một vòng hoa bao quanh chữ M, tượng trưng cho tên của Morimura, và chữ “hand-painted”(vẽ tay). 

    Đến trước năm 1921, chữ “Nippon” xuất hiện. Sau năm 1921, "Nippon" được thay thế bằng chữ "Japan" hoặc "Made in Japan." Suốt thời kỳ chiến tranh, “Japan” được đổi thành “Occupied Japan”. Sau 1953, quy cách nhãn mác đơn giản nguyên thuỷ được phục hồi, với một chữ N biểu thị Noritake, thay vì chữ M lúc đầu.

    đồ sứ Noritake mang nhiều nhãn hiệu khác nhau

    Noritake là một từ quen thuộc trong giới sưu tầm đồ gốm sứ thế giới. Những sản phẩm Noritake ban đầu đã khẳng định chất lượng tuyệt hảo. Những đồ sứ trơn được sản xuất, sau đó gửi đến những họa sĩ và những nghệ nhân trang trí độc lập ở các vùng lân cận. Chất lượng họa tiết rất đa dạng với những kỹ năng riêng biệt của từng cá nhân.

    đồ sứ trơn

    Sản phẩm Noritake trong những năm 1920 chia làm hai loại chính: đồ gia dụng cho bàn ăn và quà tặng. Đồ dành làm quà tặng bao gồm lọ hoa, gạt tàn thuốc, túi treo tường, những chiếc đĩa trang trí không dành cho bàn ăn… Cả hai dòng đồ này đều được thiết kế cho thị trường Mỹ. Nhà văn Ronny Cohen gọi Noritake là đồ "sản xuất tại Nhật Bản, nhưng thiết kế tại New York và tiêu thụ ở thị trường Mỹ”.  

    Noritake đáp ứng một cách xuất sắc nhu cầu về chất lượng và thẩm mỹ của người Mỹ. Thiết kế Mỹ, sản phẩm chất lượng Nhật, và sự thúc đẩy việc quảng cáo ngay từ những năm đầu tiên đã tạo cho Noritake một uy tín vững chắc trên thị trường. Sau suy thoái kính tế thế giới, thiết kế của những năm 1930 trở nên thực dụng hơn. Một số họa tiết của Noritake ảnh hưởng mạnh mẽ xu hướng Art Deco (nghệ thuật trang trí).

    một số họa tiết của Noritake

    Cũng trong thời gian này, Noritake trở nên thịnh hành với dòng đồ sứ phủ men láng -  Lusterware. Lusterware sử dụng một lớp men đơn sắc phủ lên trên một lớp màng kim loại tráng mỏng, tạo hiệu quả lấp lánh như cầu vồng. Những đề can và họa tiết vẽ tay chủ đề Art Deco sử dụng cùng với lớp men bóng loáng tạo hiệu quả tuyệt vời.

    Một trong những cơ hội lớn nhất của Noritake là nhận được đơn đặt hàng từ công ty Larkin ở New York. Nhờ số lượng khách hàng đông đảo của Larkin mà Noritake càng trở nên nổi danh. Trong số những họa tiết được Larkin đặt hàng, dòng họa tiết Azalea (vẽ hoa đỗ quyên) trở nên phổ biến nhất,và họa tiết này vẫn còn được ưa chuộng từ những năm 1930 cho đến tận ngày nay.

    Noritake càng trở nên nổi danh

    Photo: rubylane

    Những năm 1946-1947 trong thời kỳ tái thiết sau chiến tranh, những sản phẩm Noritake dành cho các quân đội Hoa Kỳ tại Nhật trở thành một phần quan trọng của việc vực dậy nền kinh tế. Vì chất lượng sản phẩm không thể phục hồi như trước chiến tranh, nên trong thời gian này, công ty đánh dấu sản phẩm của mình với thương hiệu “Rose China” để bảo toàn danh tiếng của Noritake. Tuy nhiên, cái tên Rose China cũng đã tạo nên một thị trường có ý nghĩa cho nền kinh tế Nhật Bản.

    Cho đến nay, Noritake vẫn là một trong những nhà sản xuất đồ sứ danh tiếng và lớn nhất thế giới, với rất nhiều  xưởng sản xuất và chi nhánh đặt ở khắp nơi trên thế giới.  Sản phẩm của công ty cũng được mở rộng ra với các bộ bàn ăn, và đồ pha lê. Sản phẩm của công ty này hiện được phân phối đến hơn 100 quốc gia khác nhau chứ không chỉ gắn bó với nước Mỹ như thuở ban đầu.

    01/01/2015

    Đặng Yên Hoà. Ảnh: noritakechina.com

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!