Văn hóa tiền lẻ của người Nhật
Đối với họ, họ mua hàng, trả đủ giá tiền đã niêm yết, thì tiền thối lại là tiền của họ, dù là chỉ mấy đồng xu lẻ. Vì thế họ có quyền được nhận lại chúng mà không cảm thấy xấu hổ hay ngại ngùng gì.
Có đi mua sắm ở Nhật mới thấy nước Nhật đối xử thế nào với những cái mà đôi khi chính những người chưa giàu chúng ta lại gọi bằng cụm từ "mấy đồng xu lẻ". Họ niêm yết giá rất cẩn thận, món nào ra món đó, ví dụ 398 yên là 398 yên, không phải là 400 yên, và bạn cũng không thể mua được với giá 397 yên.
Trong hệ thống tiền tệ của Nhật Bản vẫn đang lưu hành đồng xu 1 yên, 5 yên, 10 yên, 100 yên, 500 yên. Tiền giấy thì có 1 nghìn yên, 2 nghìn yên, 5 nghìn yên, 10 nghìn (1 vạn) yên. Đồng 1 yên dù nhỏ bé nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng từ trong bảng quyết toán thuế của các công ty đến từng giá tiền niêm yết ở siêu thị.
Trong bài viết trước đã có nói về lọ tiền lẻ 1 yên ở siêu thị Nhật, nhưng không phải tiệm tạp hoá, cửa hàng hay siêu thị nào cũng có. Nếu mua sắm ở những nơi như vậy, dù chỉ thiếu đúng có 1 yên, bạn cũng không thể nào mua được món hàng. Ngược lại, nếu bạn có trả dư cho thu ngân 1 yên, người ta chắc chắn cũng sẽ trả lại cho bạn.
Tiền lẻ thì vẫn luôn là tiền lẻ, một số tiền không lớn, nhưng ai đã từng trải qua kinh nghiệm vì thiếu một vài đồng tiền lẻ khi thanh toán mà phải dùng tờ tiền lớn để trả, rồi nhận lấy một lượng “khổng lồ” tiền thối lại, chắc hẳn không khỏi ước ao giá như mình có vài đồng tiền lẻ vào lúc ấy.
Xem phim Âu Mỹ, có khi bạn thấy cảnh một người lúng túng vì không có tiền lẻ, một người lạ có thể nhanh tay trao cho vài xu tiền lẻ, họ cũng sẽ nhanh chóng và vui vẻ nhận lấy. Chuyện đó không có ở Nhật.
Trước hết, người Nhật cực kì không thích làm phiền và bị làm phiền bởi người khác, đặc biệt là người xa lạ. Việc được người khác giúp đỡ về chuyện tiền bạc như thế ở nơi công cộng sẽ khiến họ nghĩ việc họ đang làm bị người khác nhìn thấy, bị để ý. Họ cực kì cảm thấy không thoải mái với việc này.
Cũng tương tự như nếu có dịp đi trên tàu điện tại Nhật, bạn sẽ dễ dàng nhận ra mọi người không ai nói chuyện với nhau thì đã đành, còn cố tình tránh nhìn vào nhau. Dù có tò mò về bạn, có đang quan sát bạn, họ cũng chỉ nhìn lướt qua, để đối phương không biết mình đang bị "nhòm ngó".
Thêm nữa, tiền bạc lại là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm. Bạn có thể bày tỏ ý tốt bằng những hành động như nhặt giúp đồ bị rơi, mở cửa, nhường ghế cho người lạ, v.v. nhưng tuyệt nhiên không phải giúp bằng tiền. Người Nhật ngại mang ơn người khác (việc này sẽ được giải thích rõ ở bài tới về việc người Nhật trả ơn người khác như thế nào), ở đây lại là người xa lạ, mà lại còn là tiền lẻ! Khi bạn muốn cho tiền một ai đó, nhất thiết bạn phải ở một vị trí cao hơn họ một bậc.
Trong xã hội Nhật Bản, người có thể cho tiền một người nào đó không lý do, chỉ có thể là cha mẹ họ, hay trường hợp bố thí cho người vô gia cư. Chắc chắn bạn sẽ không muốn sự giúp đỡ của mình bị "liệt" vào những mục này chút nào, mà người nhận cũng chẳng sung sướng gì. Vậy hoá ra, ý tốt của bạn chỉ càng làm cho đối phương khó xử hơn thêm mà thôi.
Như đã nói, người Nhật cần kiệm và chắt chiu, nghĩa là họ không đợi có số tiền to rồi mới tiết kiệm cho “đáng”, mà trong suy nghĩ của họ “tích tiểu thành đại” đóng vai trò cực kì quan trọng. Không có cái nhỏ, bạn sẽ không có cái lớn, trừ khi kì vọng vào một vận may từ trên trời rơi xuống. Không biết quý trọng cái nhỏ, bạn sẽ không biết cách giữ gìn cái lớn hơn dù cho vận may có mang điều đó đến cho bạn. Cho dù là tiền lẻ, nhưng đó là công sức của bạn, bạn đáng được điều đó, thì họ sẽ nhận đến đồng xu cuối cùng mà không cần phải vì “sĩ diện” mà bỏ qua.
Vì vậy, ở Nhật, có nán lại đợi thối tiền một vài xu lẻ, cũng không ai cười bạn. Ngược lại, bạn sẽ bị người khác mỉa mai nếu phẩy tay bước đi khi người thu ngân trả lại một ít tiền thừa cho bạn. Bởi vì, thứ nhất, cho dù bạn không nhận tiền thừa của mình, thì người thu ngân cũng không được phép lấy chúng, mà cũng không muốn nhận tiền “bố thí” từ ai cả, vô tình bạn đẩy họ vào tình thế khó xử.
Thứ hai, bạn đã thể hiện thái độ ngạo mạn với chính công sức của mình bỏ ra mà đáng lý bạn phải tôn trọng nó. Nếu vì một lý do nào đấy không muốn hay không tiện nhận tiền thối lại, thay vì phẩy tay ra vẻ không cần với người thu ngân, bạn nên lịch sự nhận nó, rồi bỏ vào thùng quyên góp xã hội đặt rất gần ngay đó.
Quả thực, không có đồng 1 yên, thì làm sao có 2 yên, làm sao có hàng vạn, hàng triệu, hàng tỷ yên, tỷ tỷ yên? Khi chưa hiểu điều đó, người nước ngoài nhìn cách người Nhật đối xử với “tiền lẻ” có thể sẽ cảm thấy kì cục, nhưng trong suy nghĩ của họ, chính sự trân trọng từng giá trị một - dù là nhỏ bé - do công sức lao động của mình tạo ra đã góp phần tạo nên một nước Nhật với nền kinh tế giàu mạnh và vững vàng như thế.
Minh Nhật/ kilala.vn
28/12/2015
Bài: Minh Nhật/Ảnh: 123rf.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận