Thầy Tatsuji Takamiya - người “đưa đò” thầm lặng

    Sau nhiều năm ra trường, chúng tôi gặp lại thầy Tatsuji Takamiya tóc đã hoa râm, người gầy rộc và giọng khàn yếu đi sau những đợt xạ trị tại Nhật. Thầy là cây cổ thụ đã giảng dạy tại khoa Nhật Bản học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đằng đẵng 8 năm qua. Quãng thời gian ấy tuy không dài nhưng với thầy là “không thể đánh đổi trong cuộc đời”.

    thầy Tatsuji Takamiya

    “Kho báu” của người thầy 

    Thầy Tatsuji Takamiya sinh năm 1953, tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Doshisha, Nhật Bản. Như bao thanh niên ở Nhật, cuộc đời thầy cũng đã trải qua một tuổi trẻ đầy hoài bão và nhiệt huyết. Năm 1978, thầy Takamiya đầu quân về công ty Hit Union (Nhật Bản), đảm nhiệm các công việc khác nhau như thu mua, phân phối, kinh doanh. Nhưng mốc son trong sự nghiệp của thầy là khoảng thời gian phụ trách mảng tiếp thị với tư cách là thành viên của Ban giám đốc Puma Japan, tập đoàn sản xuất giày và dụng cụ thể thao nổi tiếng toàn cầu. Nhiều cầu thủ hàng đầu của Nhật Bản như Kazuyoshi Miura, Masashi Nakayama… đều là tín đồ của Puma Japan. Điển hình như cầu thủ Miura đã chuyên dùng giày thể thao PARAMEXICO của hãng này trong nhiều năm liền.

    Thế rồi, gác lại sự nghiệp đáng tự hào tại Nhật, thầy dành những năm tháng hưu trí để làm điều mình thích là sống tại một quốc gia quanh năm ấm áp và gần Nhật Bản. Do đó, Việt Nam được xếp vào một trong những lựa chọn hàng đầu của thầy. Cơ duyên đưa đẩy khi đúng thời điểm đó, thầy tình cờ gặp mẩu thông báo tuyển dụng của khoa Nhật Bản học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM. Một ngả rẽ bất ngờ, thầy đã đến Việt Nam và trở thành giảng viên tại đây. Với thầy Takamiya, đây là công việc mới mẻ, đầy thử thách nhưng rất thú vị.  

    Tatsuji Takamiya sensei
    Cách đây không lâu, gặp lại thầy sau nhiều năm ra trường, tình cờ  chúng tôi được thầy cho xem chiếc iPad luôn cất giữ bên mình. Vẫn còn đó hình thầy chụp chúng tôi trong ngày đầu tiên đứng lớp, trên tay mỗi bạn sinh viên là tấm bảng tên viết bằng chữ Katakana. Ít ai trong chúng tôi còn nhớ về ngày đầu tiên đó. Thế mà thầy vẫn giữ hình ảnh ngày ấy để ghi nhớ gương mặt và tên của tất cả học trò. Lướt qua từng gương mặt trên iPad, thầy chỉ cho từng đứa học trò cũ xem hình ảnh ngày xưa, thời sinh viên non nớt, ngây ngô và ấp ủ thật nhiều mộng ước. Rồi thầy nở một nụ cười hiền từ như bụt và nói: “Báu vật” của thầy chính là đây. Thứ không thể “delete”, không thể đánh đổi. Là niềm tự hào khiêm tốn mà cũng là thành tựu vinh quang nhất trong cuộc đời làm thầy.   

    Luôn tận tâm với nghề 

    Dù rẽ sang nghề giáo khi tuổi đời không còn trẻ nhưng chắc chắn, “Takamiya-sensei” là người thầy tận tụy, nhiệt tâm hơn bất cứ người làm nghề “gõ đầu trẻ” nào tôi từng học. Thời gian đầu chưa quen với cuộc sống và luật lệ giao thông ở TP.HCM, lại phải đảm trách các lớp học ở tận cơ sở Thủ Đức, thầy phải tự mình tìm hiểu cách đi xe buýt, về trường lớp, về tính cách của sinh viên Việt Nam. Trên bục giảng, thầy là người truyền dạy. Xuống lớp, thầy học hỏi thêm các kỹ năng sư phạm để có thể thiết kế những tiết học thú vị, hiệu quả nhất. Giờ học của thầy rất đặc biệt, bởi không chỉ có tiếng Nhật mà thầy còn dạy cả những kỹ năng mềm như cách chào hỏi, cách trao đổi danh thiếp, cách nghe điện thoại… để sinh viên mới ra trường không bỡ ngỡ khi làm việc tại công ty Nhật. Ra trường đi làm, rồi sau những lần va vấp mới cảm thấy vô vàn biết ơn những điều ngày xưa thầy Takamiya đã dạy.  
    thầy Tatsuji Takamiya

    Bên cạnh việc dạy kiến thức và các kỹ năng sống, thầy Takamiya còn là “hỗ trợ viên” năng nổ nhất của Câu lạc bộ tiếng Nhật Tonichi. Nếu các thành viên cần lời khuyên hay sửa bài tiếng Nhật, thầy luôn tận tình hướng dẫn. Có khi, thầy thức đến 2-3 giờ sáng để sửa bài cho học trò. Nhiều lần, dù giờ sinh hoạt câu lạc bộ đã kết thúc nhưng thầy vẫn nán lại để họp góp ý, rút kinh nghiệm. Nếu thường xuyên đến CLB Tonichi, chắc hẳn bạn sẽ có ấn tượng về một người thầy Nhật Bản cao niên có khuôn mặt hóm hỉnh, luôn tươi cười rạng rỡ và nhiệt tình tham gia trò chơi cùng sinh viên. Nếu bạn đến gần bắt chuyện, thầy sẽ vui vẻ đáp lại bằng chất giọng Kansai khàn khàn, ấm áp. Thầy luôn luôn như thế, dù lúc khỏe mạnh hay khi ốm đau. 

    Thanh Trúc (25 tuổi, hiện đang làm việc tại Nhật Bản) chia sẻ: “Lúc học năm thứ 3 thì hay tin thầy bệnh và phải trở về Nhật, đứa học trò nào cũng buồn. Đến gần ngày thi cuối kì, khi đó đến cả nói chuyện cũng khó khăn nhưng thầy vẫn nhờ vợ gửi đề thi sang để các em năm dưới hoàn thành kì thi đúng thời hạn. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, nhận được những lời cầu chúc từ học trò, thầy cứ nghẹn ngào bảo nhờ có các em mà thầy mới may mắn hồi phục nhanh như vậy”. 

    Tôi tự hỏi tình thương thầy dành cho chúng tôi lớn đến mức nào? Thầy là ông Bụt đến từ đất nước hoa anh đào chăng? Chúng tôi kính yêu tấm lòng ấy và mong rằng suốt đời có thể noi theo tấm gương thầy. Dù bạn là thỏ hay là rùa, hãy tỏa sáng theo cách của riêng mình. Không xem nhẹ bất cứ việc gì cả và luôn hoàn thành 150% những việc đã được giao. Có như thế, bạn sẽ luôn được kính trọng.

    thầy Tatsuji Takamiya

    Thầy Tatsuji Takamiya: “Thay vì mong chờ một siêu anh hùng xuất hiện và dang tay giúp đỡ, mỗi giáo viên hãy trở thành những siêu anh hùng, luôn tiếp thu những điều mới nhất và không ngại cải tiến trong nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. Các sinh viên cũng vậy, mỗi em phải nỗ lực chứng tỏ được thế mạnh của mình, xác định mục tiêu rõ ràng và đặt mình trong tâm thế học cho bản thân chứ không phải cho bất kì ai khác. Muốn thành công và tiến lên những vị trí cao, trước hết phải trải qua những vị trí khác nhau…”

    kilala.vn

    17/01/2019

    Bài: Lê Liêu Ngọc / Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!