Parasite Single – lối sống độc thân ký sinh của người Nhật trẻ
Parasite Single không phải là tên ăn theo bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc trong năm vừa qua, mà đó là một trào lưu sống ngày càng nhiều người trẻ tại Nhật lựa chọn.
"Parasite Single – パラサイトシングル" (parasaito shinguru), tạm dịch sang tiếng Việt là “độc thân ký sinh”. Theo Wikipedia, đây là một khái niệm lần đầu tiên được đề cập bởi giáo sư Masahiro Yamada của Đại học Tokyo Gakugei trong cuốn sách bán chạy “Thời đại của những người độc thân ký sinh – パラサイトシングルの時代", xuất bản vào tháng 10 năm 1999 và nhanh chóng trở nên thịnh hành ở Nhật. Ý nghĩa của từ này là miêu tả một người độc thân trong độ tuổi ngoài 20 đến khoảng 30 tuổi nhưng không ở riêng mà vẫn sống cùng nhà với bố mẹ để có thể tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái hơn. Mặc dù khái niệm này khá phổ biển trong văn hóa Á Đông, khi con cái vẫn ở cùng với cha mẹ cho đến khi kết hôn, thậm chí còn kéo dài sau thời gian kết hôn và được gọi là “Parasite Couple”, nhưng tại Nhật - một quốc gia vốn đề cao sự tự lập ngay từ khi còn nhỏ, thì cụm từ Parasite Single lại có ý nghĩa khá tiêu cực.
Các nguyên nhân chính
Theo Japan Times, ¼ số người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 – 49 tuổi hiện đang độc thân với phương châm sống Ohitorisama – một thân một mình. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2020 của Statista cũng cho thấy việc dành thời gian một mình có tầm quan trọng đối với gần 91% số người Nhật được hỏi. Chính vì không muốn tìm kiếm bạn đời, không gia tăng kết nối với các mối quan hệ khác mà họ chọn cách trở thành Parasite Single. Có thể thấy, xu hướng này được hình thành dựa trên các nguyên nhân chính sau đây:
1. Cuộc sống thoải mái hơn
Và nếu không phải lo lắng cho gia đình nhỏ của mình, thì những người đàn ông/ phụ nữ độc thân sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân mình hơn. Họ có thể gặp gỡ bạn bè, đi thư giãn sau thời gian làm việc và dành một phần trong số tiền tiết kiệm để du lịch hay kế hoạch cá nhân. Về chiều ngược lại là bố mẹ của những Parasite Single, họ thường cũng mong muốn con cái ở chung với mình, vừa để gia tăng về mặt tình cảm lại vừa có người chăm sóc khi tuổi đã cao.
2. Giảm bớt gánh nặng kinh tế
Chi phí nhà ở ở Nhật Bản nổi tiếng là cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các khu vực lân cận. Theo Internations GO, một người sống ở Tokyo có thể chi tiêu khoảng 120.000 yên (hơn 25 triệu đồng) mỗi tháng, chưa bao gồm tiền thuê nhà. Nếu tính thêm giá thuê trung bình cho một căn hộ một phòng ngủ, khoản chi phí này lên tới gần 245.000 yên (gần 52 triệu đồng) mỗi tháng. Cũng theo bảng xếp hạng của Mercer, Tokyo đứng thứ 3 trong số các đô thị đắt đỏ nhất trong năm 2020.
Sẽ có một bài toán được đặt ra, nếu một người chọn sống độc lập thì trung bình họ sẽ mất 2/3 thu nhập cho các chi phí bao gồm: tiền thuê nhà, tiền điện nước, mua sắm, ăn uống,... Họ cũng phải tự dọn dẹp và nấu nướng cho bản thân mình. Tuy nhiên những vấn đề này sẽ được loại bỏ khi họ ở cùng cha mẹ và mức độ an toàn cũng được tăng cao, nhất là đối với những cô gái trẻ ở một mình.
3. Phụ nữ ngày càng có yêu cầu cao về bạn đời
Một trong những lý do để những phụ nữ độc thân chọn việc không kết hôn và sống cùng cha mẹ của mình là do họ muốn chống lại xã hội Nhật Bản với quan niệm xưa cũ. Trong quan niệm của đại đa số người Nhật, dù nữ giới đi làm nhưng họ vẫn phải gánh vác trách nhiệm gia đình. Theo kết quả khảo sát của Asahi Shimbun vào năm 2005, những phụ nữ có gia đình nhưng vẫn đi làm sẽ dành trung bình 2 giờ 26 phút mỗi ngày cho công việc gia đình, trong khi chồng của họ chỉ dành 48 phút ít ỏi. Bên cạnh đó, phụ nữ ngày nay nhận ra rằng họ có nhiều thú vui khác cần được trải nghiệm hơn là phải gánh vác một công việc mà họ chưa thật sự sẵn sàng.
Trước đây, phụ nữ Nhật thường có những lý do thực tế để kết hôn. Bởi vì họ thường không thể tự trang trải về mặt tài chính, phải dựa vào người bạn đời của mình. Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ tự mình đạt được sự đảm bảo về tài chính. Tỷ lệ phụ nữ ra ngoài xã hội làm việc ngày càng tăng và vào năm 2019, số phụ nữ Nhật Bản đi làm đạt con số 30 triệu người (theo Dantri). Trước đây, cứ 10 người phụ nữ trong độ tuổi 15 đến 64 thì chỉ có 6 người đi làm, ngày nay, tỷ lệ này là trên 70%, cho thấy thị trường lao động của phụ nữ đã phát triển mạnh và ổn định. Chính vì thế, phụ nữ tự cảm thấy có thể làm chủ được cuộc sống của mình mà không cần phụ thuộc vào bạn đời. Nếu phải kết hôn, họ mong muốn tìm kiếm những người đàn ông có việc làm ổn định và trình độ học vấn cao hơn mình.
Những mặt tối của lối sống Parasite Single
Bên cạnh những mặt tích cực đối với bản thân những Parasite Single thì việc ngày càng nhiều người chọn lối sống này sẽ gây nên những bất cập cho nền kinh tế và xã hội.
Dân số già hóa
Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đang phải đối mặt với tình trang dân số già hóa ngày càng trầm trọng. Do tuổi thọ trung bình của người dân tăng nhưng tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Theo kết quả điều tra của Bộ Nội vụ Nhật Bản thì số trẻ em sinh ra trong năm 2019 là 866.908 trẻ, đây là mức thấp nhất trong lịch sử mà một trong những nguyên nhân là do những cặp vợ chồng trẻ sinh ít con hoặc thâm chí không muốn sinh con do áp lực kinh tế. Nhưng nguyên nhân lớn nhất là gần 70% người trưởng thành ở Nhật Bản cho rằng không nhất thiết phải kết hôn.
Dù chính phủ đã cố gắng đưa ra những biện pháp thúc đẩy việc kết hôn và sinh con nhưng dường như tình hình vẫn không được cải thiện.
Mất cân bằng trong tiêu dùng
Theo một số nhà nghiên cứu, họ cho rằng người độc thân sẽ là yếu tố tích cực cho nền kinh tế khi họ dành phần lớn thu nhập cho hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là tại các nhà hàng và cửa hàng cao cấp và do đó được coi là những người tiêu dùng quan trọng thúc đẩy thị trường tiêu dùng. Kể từ những năm 1990, doanh số của Louis Vuitton tại Nhật Bản đã tăng gấp 20 lần và hiện chiếm một phần ba tổng doanh thu của công ty (McNeill 2003). Các thương hiệu xa xỉ khác như Gucci và Bulgari cũng được hưởng lợi.
Nhưng một số người thì không nghĩ vậy, vì những Parasite Single sống với cha mẹ của họ thì sẽ không chi tiền cho các hàng hóa cơ bản, chẳng hạn như máy giặt và tủ lạnh, khiến doanh số đồ gia dụng giảm, các doanh nghiệp cũng ít có động lực để sản xuất và cập nhật công nghệ mới. Bên cạnh đó, những người độc thân sống ký sinh cũng được cho là có ảnh hưởng đến việc mua hàng của cha mẹ họ khi các bậc cha mẹ phải tiếp tục hỗ trợ tài chính cho những đứa con Parasite Single, họ sẽ hạn chế mua sắm những đồ có giá trị cao, do đó ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng. Cuối cùng, đó là ảnh hưởng đến thị trường bất động sản hay cho thuê nhà khi nhiều người cùng sống trong một căn nhà thì những căn hộ đơn lẻ sẽ bị sụt giảm về lượng người thuê.
Tạm kết
Dù Parasite Single là lựa chọn của giới trẻ Nhật và là sự “đau đầu” đối với chính quyền và những người làm kinh tế thì thực tế là lối sống này vẫn tiếp tục tăng cao trong xã hội Nhật Bản. Nó giúp con người giải tỏa những áp lực của bản thân để tập trung vào những việc mà họ thực sự mong muốn thực hiện. Tuy nhiên nếu sống cùng với cha mẹ, có thể một ngày nào đó tình trạng hikikomori (tình trạng hơn 6 tháng liên tục ở suốt trong nhà, không đi học, không đi làm và hầu như không có giao lưu gì với người ngoài gia đình) sẽ ngày càng gia tăng thì điều này càng đáng báo động hơn.
kilala.vn
03/05/2021
Bài: Phương Thảo
Đăng nhập tài khoản để bình luận