Những “đóa hồng” trong lịch sử Nhật Bản
Trong lịch sử Nhật Bản bên cạnh những vị tướng tài lừng lẫy thì cũng có không ít “đóa hồng” góp vào đấy các trang đời dữ dội. Đó là những phụ nữ bất tuân thủ khuôn khổ lễ giáo phong kiến mà tỏa sáng theo cách riêng của mình.
Những đóa hồng sống vì yêu
Trong lịch sử Nhật Bản, phụ nữ bị ràng buộc trong nhiều lễ giáo phong kiến khắt khe, hôn nhân do cha mẹ định đoạt. Nhưng trong số đó vẫn xuất hiện những “đóa hồng” đạp đổ mọi lễ giáo, dũng cảm theo đuổi và sống hết mình vì yêu. Tiêu biểu là nữ sĩ Izumi Shikibu và nữ tu Hojo Masako.
Izumi Shikibu – Nữ sĩ đa tình
Izumi Shikibu sinh năm 978, chưa rõ năm mất, là nữ sĩ xuất sắc sinh ra trong thời Heian. Cuộc đời của bà gói trong một chữ “tình”. Bà nên duyên với người chồng đầu tiên lúc 21 tuổi nhưng không được bao lâu thì ly hôn. Rồi bà trở thành người tình của Hoàng thái tử Tamettaka, sau đó là Hoàng thái tử Atsumichi – em trai của Tamettaka. Cả hai mối tình đều bị xã hội ngăn cấm vì khác biệt thân phận. Cuối cùng, bà làm vợ của tướng quân Fujiwara no Yasumasa và sống với nhau cho đến cuối đời. Vì đoạn tình duyên như thế mà người ta gọi bà là “Phu nhân phóng túng” (Ukarejo).
Tuy nhiên, tài năng của bà được đánh giá rất cao, đặc biệt những bài thơ nói về tình yêu đã đạt đến trình độ mà đến cả đại thi hào Fujiwara no Kinto phải thừa nhận. Tác phẩm của bà nói lên khát vọng tình yêu, dù bồng bột nhưng đầy chân thành và hết sức bạo dạn so với phụ nữ đương thời, dám vượt qua mọi lễ nghi phong giáo để đi theo tiếng gọi con tim.
Hojo Masako – Nữ tu quyền lực
Sinh năm 1157 và mất năm 1225, Hojo Masako được biết đến là một nữ tu quyền lực nhất trong lịch sử Nhật Bản. Bà đã dùng trí thông minh và uy quyền của mình, đứng sau bức màn nhung, điều khiển thế cuộc và giữ yên bình cho gia tộc của mình trong nhiều năm. Ngoài ra, bà cũng là một người phụ nữ quyết liệt vì tình yêu với chồng bà Minamoto no Yoritomo – Tướng quân đầu tiên của nước Nhật.
Masako gặp chồng khi Yoritomo đang bị đày ra vùng Izu. Hai người đã yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mặc dù trước đó bà có cuộc hôn nhân sắp đặt với thẩm phán Yamaki Kanetaka nhưng bà đã bỏ trốn, hướng về vùng đất Izu – nơi có người đàn ông bà yêu – trong một đêm mưa gió bão bùng. Hai người kết hôn bất chấp sự phản đối của người xung quanh. Nhưng Yoritomo mắc một tính xấu khó sửa, đó là thói lăng nhăng.
Khi Masako đang mang thai, Yoritomo đã ngoại tình với người phụ nữ khác. Biết được việc này, Masako đã nổi giận, hạ lệnh tấn công và phá hủy nhà ở tình nhân của chồng. Đến cả Yoritomo cũng không ngăn được việc này, cho thấy Masako là một người phụ nữ dám yêu, dám hận, rất quyết liệt vì tình yêu của mình. Đến khi Yoritomo qua đời, bà mới ra mặt làm chính trị.
Những đóa hồng mặc giáp chiến đấu
Dù vào thời đại nào, ở đâu thì cũng xuất hiện những người phụ nữ cởi bỏ tạp dề, mặc áo giáp sắt, xông pha ra trận, dũng mãnh không kém gì đấng mày râu. Và Nhật Bản cũng thế, với hai nữ chiến binh vang danh sử sách là Tomoe Gozen và Nakano Takeko.
Tomoe Gozen – Đóa hồng có gai
Tomoe Gozen – không rõ năm sinh năm mất – hiện lên trong sử sách Nhật Bản là một nữ samurai huyền thoại, có giá trị “bằng một nghìn binh lính cộng lại”. Bà là vợ của Minamoto no Yoshinaka và cũng là cánh tay phải đắc lực của vị tướng này trên chiến trường. Bà được khắc họa với tài bắn cung cự phách trên lưng ngựa cùng thanh katana dài sắc bén, sẵn sàng xông pha mặt trận, khiến bao đầu rơi dưới mỗi vó ngựa của bà đi qua. Vì quá ấn tượng trước tài năng, khí phách và những chiến công của Tomoe, Yoshinaka đã chỉ định bà làm Tổng chỉ huy trong cuộc chiến Genpei.
Nói Tomoe là “đóa hồng có gai” vì bà không chỉ hơn người ở kỹ năng chiến đấu, sự dũng mãnh mà còn mê người bởi sắc đẹp trời phú: làn da trắng, mái tóc đen tuyền tạo nên vẻ ngoài thanh tú, xinh đẹp.
Nakano Takeko – Chiến binh cuối cùng
Nakano Takeko sinh năm 1847, mất năm 1868, thuộc thế hệ nữ chiến binh cuối cùng trong lịch sử đất nước mặt trời mọc. Bà sinh ra trong thời kỳ mà nền chính trị tại Nhật đang có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt. Chính vì vậy, phụ nữ có nhiều điều kiện để tập luyện kỹ năng chiến đấu, sẵn sàng ra trận vì đất nước.
Bà được khắc họa trong sử sách Nhật Bản là một nữ chiến binh thông minh, luôn khiến đối thủ khiếp sợ bằng kỹ năng sử dụng vũ khí Naginata – một chiếc mác dài, thon gọn, phù hợp với thân hình người phụ nữ. Những chiêu thức đầy mạnh mẽ và linh hoạt của bà có thể giết chết đối thủ một cách đáng kinh ngạc. Trong cuộc nội chiến ở Nhật Bản năm 1868, Takeko không may trúng phát đạn ngay giữa ngực và đã yêu cầu em gái chặt đầu mình để tránh thi thể rơi vào tay địch. Người ta đã dựng một tượng đài của bà gần chùa Hokai, thuộc tỉnh Fukushima để tưởng nhớ nữ chiến binh vĩ đại này.
kilala.vn
07/03/2019
Bài: Kim Ngân
Đăng nhập tài khoản để bình luận