Người đồng tính ở Nhật: Lo sợ việc bị công khai
Việc tiết lộ giới tính thật hoặc xu hướng tình dục của người khác dù chưa có sự đồng ý từ phía nạn nhân, hiện là vấn đề nhức nhối tại Nhật Bản – một quốc gia được biết đến lànơi khó chấp nhận những điều khác lạ, dị thường.
Tự tử vì bị bạn tiết lộ giới tính thật
Trong vài năm gần đây, số người bị công khai giới tính bởi chính những người thân mà họ tin tưởng đang tăng dần. Hệ lụy là họ buộc phải bỏ học hoặc nghỉ việc để trốn chạy khỏi sự đàm tiếu. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân có thể đối mặt với những vấn đề tâm lý, thậm chí dẫn đến cái chết. Các chuyên gia lập luận rằng hành động xâm phạm đời tư của người khác, dù là cố ý gây hại hay không, cũng được coi là cơ sở để truy tố hình sự.
Vào tháng 6/ 2015, một người bạn học chung với nam sinh 25 tuổi, tốt nghiệp trường Đại học Luật Hitotsubashi công khai anh này là người đồng tính. Thông tin của nạn nhân bị rò rỉ trong một nhóm chat gồm có chín người bạn.
Một người bạn trong lớp viết trên nhóm chat rằng: “Tôi không thể nào giấu kín chuyện cậu là gay”, rồi sau đó kết thúc đoạn tin nhắn chỉ vỏn vẹn bằng một từ “Xin lỗi”. Sau khi bị bạn công khai chuyện riêng tư, nam sinh này bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm và quyết định tự sát trong trường học.
Cha mẹ của nam sinh đã kiện người bạn cùng lớp và nhà trường. Mặc dù vấn đề giữa gia đình họ và người bạn kia đã được dàn xếp ổn thỏa, nhưng Tòa án quận Tokyo đã bác bỏ lời cáo buộc của gia đình cho nhà trường vào tháng 2.2019. Vì vậy mà gia đình nam sinh đang kháng cáo.
“Việc công khai danh tính của người đồng tính sẽ phá hủy các mối quan hệ” – luật sư Kazuyuki Minami nói trong cuộc họp báo diễn ra sau khi tòa tuyên án. Ông nói thêm, với vẻ mặt thất vọng: “Tòa án còn không đề cập rõ tiết lộ chuyện bí mật của người khác có là hành động bất hợp pháp hay không.”
Tiết lộ đời tư người khác có thể cáo buộc hình sự
Trong khoảng thời gian suốt sáu năm, từ tháng 3/ 2012, trung tâm tư vấn Shakaiteki Hosetsu đã tiếp nhận được 110 cuộc gọi từ những nạn nhân giống như trên. Nhưng vì trung tâm chưa liệt kê hết các trường hợp xảy ra vào các năm 2011, 2013, 2014, và còn một lượng lớn các cuộc gọi chưa trả lời, nên con số ước tính sẽ là 24 lần của 110 cuộc gọi đó.Theo trung tâm, có 31, 42, 19, 18 cuộc gọi lần lượt vào các năm 2012, 2015, 2016, 2017 gọi đến nói rằng họ bị tiết lộ bí mật đời tư sau khi thú nhận với người mà họ tin tưởng, hoặc bị dèm pha khi có những cử chỉ thân mật hơi bệnh hoạn. Ngoại trừ những trường hợp trên, một số người gọi đến đường dây nóng để tìm kiếm lời khuyên trong việc xử lý các vấn đề xác định giới tính thật hoặc xu hướng tình dục. Họ cũng băn khoăn không biết nên hay không nên tiết lộ ra ngoài.
Xã hội Nhật chưa thừa nhận sự đa dạng giới tính
Ông Maezono giải thích rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở việc xã hội Nhật Bản chưa chịu thừa nhận sự đa dạng tính dục. Ông nói: “Những người thuộc nhóm tính dục thiểu số thì luôn phải che giấu. Trước tiên, chúng ta cần thấu hiểu những người thuộc nhóm tính dục thiểu số, và hi vọng điều đó giúp cho cộng đồng LGBT cởi mở hơn.”Gon Matsunaka, đại diện cho một tổ chức phi chính phủ đấu tranh vì quyền lợi của nhóm tính dục thiểu số, nói rằng việc họ dám thổ lộ với bạn là minh chứng cho niềm tin họ dành cho bạn. Bạn nên hiểu rằng những thông tin quan trọng này nếu bạn không bảo mật cẩn trọng thì có thể sẽ phá hủy cuộc đời của họ.
30/04/2019
Bài: Hà Vy
Ảnh: Getty Image
Đăng nhập tài khoản để bình luận